ClockThứ Hai, 05/09/2022 15:25

Áo dài tinh khôi

“Tụi mình họp lớp chọn áo dài màu chi đây?”. Dẫu hơn một tháng nữa, ngày các bạn về Huế để dự kỷ niệm hơn 30 năm ra trường mới đến hẹn nhưng tin nhắn trên zalo cứ “tin tin” mỗi đêm. Sau nhiều ngày thảo luận rôm rả, cuối cùng, cả bọn “chốt” áo dài trắng.

Thế là những người bạn gặp nhau thời tóc đuôi gà, nay đã “muối tiêu”, từ Sài Gòn, Đồng Hới, Vũng Tàu, Đà Nẵng…kéo nhau về Huế với tâm trạng như lần đầu gặp gỡ. Nắm tay nhau giữa sân trường ngợp màu phượng đỏ, nghe thật rõ nguyên vẹn cảm xúc như ngày đầu được mang chiếc áo dài trắng gần 40 năm trước.

Đó là khi chúng tôi vào lớp 10. Mùa hè ấy, từ trường nội trú, tôi đón xe đò từ Huế về nhà, với niềm náo nức kỳ lạ. Tối ấy, ôm mẹ thật chặt, tôi thủ thỉ về chiếc áo dài đón ngày khai trường. Hôm sau, mẹ nhìn tôi từ đầu đến chân, với ánh mắt thật lạ, như thể, đó là lần đầu mẹ ngắm con gái. Ánh mắt mẹ ánh lên sự ngỡ ngàng. Có lẽ, giây phút ấy, mẹ nhận ra, con gái đã lớn…

Ít hôm sau, mẹ lẳng lặng đem hai thúng lúa, quảy đi. Buổi sáng ấy, đón mẹ đi chợ về từ ngoài ngõ, mẹ dừng quang gánh, chìa cho tôi một xấp vải trắng. Màu trắng tinh khôi ấy như long lanh trên đôi tay đen nhẻm, chai sần của mẹ. Đó cũng là mùa hè tôi đếm từng ngày cho thời khắc trở lại trường.

Vẫn ngôi trường hồng uy nghi bên dòng sông Hương. Vẫn quãng đường ngắn vài chục bước chân từ cư xá lên lớp học mà sao những cô bé 16 lại thấy run run. Cái tinh nghịch của tuổi học trò như dịu lại, khi nhận ra, mình đã là thiếu nữ…

Cách đây mấy hôm, trên facebook của một giáo chức đã nghỉ hưu, chợt bắt gặp thông điệp “Xin cho em một chiếc áo dài” với chia sẻ: Thưa các bạn, ngày tựu trường đã cận kề. Có những học sinh đầy đủ. Có những học sinh thiếu thốn nên đối với các em một chiếc áo dài đôi khi là trang phục xa xỉ. Nhằm giúp các em kịp có chiếc áo dài dự khai giảng, chúng tôi xây dựng tủ áo dài cũ với tên gọi ‘‘Áo dài tinh khôi” để dành tặng các em có hoàn cảnh khó khăn. Để tủ áo được phong phú, long lanh, xinh đẹp và tinh khôi, các bạn hãy cho tôi xin chiếc áo dài trắng của mình, của chị, của bạn bè… không còn dùng nữa. Sau khi chỉnh trang và làm đẹp, chúng tôi sẽ tặng lại cho những em học sinh có nhu cầu sở hữu”.

Một tháng sau, ghé vào trang facebook ấy, tôi thấy mình rộn rã vui khi đọc được dòng chữ: “Áo dài tinh khôi” đã nhận được hai xấp vải và 20 bộ áo dài đang chờ người để tặng.

Trong tiết thu xanh thẳm của Huế, ngày tựu trường, những chiếc áo dài nữ sinh lại tung tăng, như những cánh hoa tinh khôi. Ở đó, có những câu chuyện khó phai về chiếc áo dài đã khảm sâu vào ký ức. Như chiếc áo dài trắng 40 năm trước mẹ đã may cho tôi bằng những thúng lúa hiếm hoi dành cho cả nhà ngày giáp hạt. Như chiếc áo thấm đẫm nghĩa tình từ “Tủ áo dài tinh khôi”, đã hòa vào nhịp đập hối hả, rộn ràng và tinh khôi của những ngày mới lại bắt đầu…

TIỂU MUỘI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đưa vào khai thác tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng

Ngày 14/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp, làm việc với Đoàn công tác Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về công tác chuẩn bị đưa vào khai thác tuyến tàu Huế - Đà Nẵng. Tham dự buổi làm việc về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.

Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đưa vào khai thác tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng

TIN MỚI

Return to top