ClockChủ Nhật, 04/06/2017 06:49

Áo dài trên phố Huế

TTH - Cô em gái chuẩn bị cho hội trường kỷ niệm 100 năm Đồng Khánh - Hai Bà Trưng tháng 3 ừa rồi bằng việc tìm may chiếc áo dài. Em bảo, bạn bè dặn dò nhau kỹ lưỡng rồi, về với ngày hội trường là phải mặc áo dài.

Em tôi tuổi mới ngoài 40, học Trường cấp 3 Hai Bà Trưng sau ngày nước nhà thống nhất. Lúc đó không như Đồng Khánh năm nào, học trò không còn mặc áo dài đến trường, nhưng hình ảnh học sinh của trường gắn liền với chiếc áo dài màu tím Huế đã như một cái gì đó thật ngọt ngào, thấm sâu trong em và các bạn đồng lứa. Huế vào dịp kỷ niệm 100 Đồng Khánh - Hai Bà Trưng ngập tràn những tà áo dài của những mệ, những cô, những em, những bé... Áo dài tím, áo dài xanh, áo dài trắng học trò một thời tung bay như sống lại trong ngày hội trường Đồng Khánh.

Em tôi mặc áo dài trong ngày lễ hội. Khác với cách nay hơn nửa thế kỷ, áo dài là trang phục hàng ngày của ngoại. Không chỉ phải ra ngoài như đi chợ, mà ở nhà cũng thấy ngoại mặc. Chiếc áo dài trông thật cũ kỹ. Còn bình thường không thấy mẹ mặc áo dài. Mẹ chỉ dành cho khi nào có công chuyện. Kỵ chạp, thăm viếng hay tang gia, mẹ mặc chiếc áo dài cũ, màu nâu sẫm hay xanh lam. Dịp cưới xin mẹ mới diện áo dài đẹp và ngắm nghía thật nhiều. Đó là chiếc áo dài mới may xong mẹ đã cất kỹ, có khi suốt cả năm trời. Đem ra mặc xong việc lại treo cất cẩn thận. Mặc chiếc áo đẹp, đánh ít phấn son lại mang thêm các đồ trang sức, mẹ trông lạ hẳn.

Thế kỷ 17, từ thủ phủ Phú Xuân, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban hành sắc dụ về ăn mặc cho dân chúng xứ Đàng Trong. Lần đầu tiên chiếc áo dài Việt Nam được định hình và đó là chiếc áo giao lãnh bốn vạt. Để tiện hơn cho việc đồng áng, buôn bán vất vả, từ chiếc áo bốn vạt kia, người xưa chế ra kiểu áo tứ thân gọn ghẽ. Phụ nữ thành thị ít phải lao động nên thường mặc áo ngũ thân để phân biệt với tầng lớp lao động. Sang thế kỷ 20, chiếc áo dài liên tục có những cách tân, chuyển từ Le Mur (1939) sang chiếc áo dài tay Raglan, từ áo dài bà Nhu (1960) sang áo dài chít eo - áo dài mini (1960 - 1970) và cho đến nay là chiếc áo dài với nhiều kiểu dáng và chất liệu đầy sáng tạo. Ít có trang phục nào ở Việt Nam lại có những biến đổi như chiếc áo dài. Và, dù nhiều thay đổi, chiếc áo dài vẫn giữ được sự chuẩn mực, vừa kín đáo, lại vừa tôn lên dáng vẻ mềm mại của người phụ nữ Việt Nam.

Lần đầu tiên được tổ chức vào Festival Huế 2002, Huế tự hào là nơi đầu tiên có lễ hội áo dài. Từ đó đến nay, liên tục và đều đặn các lễ hội áo dài được khai diễn. Cuối tháng 5/2017, triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật “Áo dài - Nét đẹp Huế” được tổ chức. Hình ảnh thiếu nữ và tà áo dài nổi bật trên nền khung cảnh thành quách, đền đài, cung điện, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch cho thấy sự gắn bó và gần gũi lạ thường để cùng tạo nên một vẻ đẹp rất riêng và rất Huế. Không chỉ là nơi ghi dấu về sự ra đời, hình ảnh phụ nữ Huế với chiếc áo dài thướt tha mà Đồng Khánh - Hai Bà Trưng là tiêu biểu, đã là một biểu tượng cho sắc đẹp Việt Nam.

Cô nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Khoa Diệu Huyền từng bày tỏ, nên làm cách nào đó để phát huy được cái hồn Huế qua hình ảnh chiếc áo dài. Cô mơ ước, có những ngày phụ nữ Huế cùng mặc áo dài ở khắp phố phường. Với các lễ hội áo dài trong những dịp Festival Huế, các triển lãm như “Áo dài - nét đẹp Huế’ hay hội trường 100 năm Đồng Khánh - Hai Bà Trưng, người Huế đã biết cách tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Huế gắn với tà áo dài huyền diệu. Còn hình ảnh “những tà áo dài tung bay trên phố”, sẽ giúp Huế trở nên hấp dẫn hơn và thu hút được ngày càng nhiều hơn những du khách - điều mà Huế đang rất cần trong hội nhập và phát triển hôm nay.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn

Tiếp nối thành công của các bộ sưu tập “Xưa và nay”, “Nhật Nguyệt”, “Em đến từ nghìn xưa”, “Vũ khúc gấm lụa”, “Bóng – Hình”…, tối 14/12, nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu sẽ ra mắt bộ sưu tập áo dài mới mang tên “Màu thời gian” trong chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang “Diệu – Màu thời gian” tại TP. Hồ Chí Minh.

Ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn

TIN MỚI

Return to top