ClockThứ Năm, 13/12/2012 05:47

Áp dụng pháp luật triệt để, “Quất ngựa truy phong” vẫn hầu tòa

TTH - Theo phản ánh của một số người dân: Họ đăng ký kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Sau khi kết hôn một thời gian, mục đích hôn nhân không đạt được, họ nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án (T.A) giải quyết cho họ được ly hôn, nhưng nhiều trường hợp bị T.A trả lại đơn, không thụ lý.

Dân kêu vướng mắc

Chị N. T. N (TP Huế) có chồng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Sau khi kết hôn một thời gian, chồng chị N về nước. Thời gian đầu, vợ chồng thường xuyên liên lạc bằng điện thoại và mạng internet, nhưng do gặp trở ngại, chị N không thể qua nước ngoài đoàn tụ vợ chồng. “Không chung sống cùng nhau được, tôi đành phải làm đơn xin ly hôn. Tuy nhiên đơn của tôi bị T.A trả lại, không thụ lý để giải quyết với lý do tôi cung cấp địa chỉ của chồng, nhưng địa chỉ đó không có xác nhận của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước chồng tôi định cư. Tôi đi đi lại lại tới T.A nhiều lần, nhưng vẫn không được thụ lý đơn vì lý do trên. Tôi chẳng biết làm thế nào. T.A yêu cầu phải cung cấp thế này thế kia, trong lúc tôi chỉ biết địa chỉ của chồng ghi trong giấy chứng nhận kết hôn và thực tế chồng tôi cố tình không liên lạc, không hợp tác với tôi để làm thủ tục ly hôn”- chị N cho biết.

Bà Nguyễn Thị Kim Trọng, Tổ trưởng Tổ HCTP TAND tỉnh làm việc với công dân.

Tương tự, chồng chị T.M.P được Trường ĐHSP có quyết định cử đi nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Liên bang Nga. Hết hạn, anh xin phép cho ở lại tiếp tục làm luận án tiến sĩ, được Trường ĐHSP xác nhận. Vì tình cảm vợ chồng mâu thuẫn, chị làm đơn xin ly hôn gửi kèm quyết định trường cử anh đi học tại trường nói trên, kèm theo cả địa chỉ phòng ở nơi anh sinh sống. Nhưng T.A vẫn không thụ lý, vì lý do chưa có cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Liên bang Nga xác nhận nơi cư trú của anh, nói trên.

Qua phản ánh, nhiều người khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như nêu trên. Họ cho rằng, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc này và hoang mang không biết làm cách nào để có “lối thoát”.

Phải “mở” hết theo quy định của pháp luật

Năm 2012, có 62 đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn (có yếu tố nước ngoài), TAND tỉnh đã thụ lý 44 đơn (cung cấp được địa chỉ của bị đơn có xác nhận của cơ quan ngoại giao... theo yêu cầu của T.A). 18 trường hợp bị trả đơn, hầu hết đã được thụ lý, bởi sau đó họ phải tìm mọi cách để biết được địa chỉ xác thực của bị đơn và đến T.A nộp đơn lại. Không thống kê được những trường hợp vướng mắc, T.A chưa nhận đơn (theo phản ánh).

Theo bà Nguyễn Thị Kim Trọng, Thẩm phán, Tổ trưởng Tổ hành chính tư pháp TAND tỉnh, thì: Vấn đề thụ lý đơn xin ly hôn với người nước ngoài hay người Việt Nam định cư tại nước ngoài, được thực hiện theo quy định pháp luật. Người khởi kiện (NKK) yêu cầu ly hôn có đơn, đủ điều kiện, là T.A thụ lý để giải quyết. Mà quan trọng là tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, phải có những tài liệu chứng cứ xác thực về địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện (NBK). Đó là: địa chỉ nơi cư trú của NBK có xác nhận của cơ quan ngoại giao của Việt Nam đóng tại nước đó, hoặc NKK cung cấp thư (ghi rõ ràng địa chỉ cụ thể của NBK trên bì thư) họ gửi cho nhau tại thời điểm khởi kiện. Hoặc qua liên lạc của một người khác, mà người đó biết được địa chỉ của NBK, cung cấp địa chỉ này và được kiểm chứng địa chỉ đó là xác thực… hoặc T.A xem xét trên các yếu tố khác như NKK chứng minh được người kia giấu địa chỉ hoặc không liên lạc được, bằng cách đến cơ quan xuất nhập cảnh để được chứng nhận người đó đã xuất cảnh ra nước ngoài trên 1 năm, NKK (ở trong nước) có người làm chứng là người thân ở nước ngoài, biết địa chỉ của NBK, họ cung cấp địa chỉ đó, thì vẫn thụ lý...

Những người có đơn nhưng không cung cấp được địa chỉ xác thực của NBK, như nêu trên, trong thời hạn tối đa là 45 ngày kể từ ngày nộp đơn, vẫn không cung cấp được, thì T.A trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, nếu sau đó, thỏa mãn 1 trong những điều kiện về cung cấp, chứng minh địa chỉ NBK nêu trên, họ có quyền quay lại TA nộp đơn để được thụ lý, giải quyết.

Vướng mắc lớn nhất khiến NKK bị trả đơn, không được thụ lý, là do họ không liên lạc được, không biết địa chỉ hiện nay của NBK đang ở đâu; cung cấp được địa chỉ của NBK (nhưng địa chỉ đó lại không có cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài xác nhận). Hướng giải quyết của T.A nêu trên, có nhiều “lối mở” cho vấn đề này, tạo thuận lợi, hiệu quả hơn cho T.A trong quá trình giải quyết, sau khi thụ lý vụ án.

Tuy nhiên, sẽ thuận lợi hơn và giải tỏa vướng mắc hiện nay cho người dân, nên áp dụng “triệt để” các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, tại Nghị quyết của HĐTP-TATC số 01 năm 2003, điểm 2.4 (mục “đối với các tranh chấp về hôn nhân và gia đình) hướng dẫn: “Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, nhưng người nước ngoài đã về nước mà không còn liên hệ với công dân Việt Nam, nay công dân Việt Nam xin ly hôn, thì T.A thụ lý, giải quyết”. Và tại điểm 8.6 Nghị quyết số 02 năm 2006 của HĐTP TAND tối cao hướng dẫn thi hành BLTTDS năm 2005, quy định: “Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện, NKK có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của NBK, của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, mà không thông báo địa chỉ mới cho NKK, cho T.A, nhằm mục đích dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với NKK, thì được coi là trường hợp NBK, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cố tình dấu địa chỉ. T.A tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung” chứ không yêu cầu NKK phải cung cấp địa chỉ NBK phải có xác nhận của cơ quan ngoại giao… như hiện nay T.A yêu cầu.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

TIN MỚI

Return to top