ClockThứ Tư, 04/10/2017 13:51

Áp dụng thành công kỹ thuật mới trong gây mê phẫu thuật cho bệnh nhân suy tim nặng giai đoạn cuối

TTH - Là trường hợp nguy cơ cao trong quá trình gây mê phẫu thuật, nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật mới của Khoa Gây mê hồi sức B - Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Phạm Văn T. đã thoát khỏi nguy hiểm, sau khi phẫu thuật cắt cụt cánh tay phải, hiện tại sức khỏe đang hồi phục. “Đây là sự may mắn và phúc đức mà tôi gặp được”, bệnh nhân T. chia sẻ.

Quá trình thực hiện kỹ thuật gây tê đám rối thần kinh cánh tay dưới hướng dẫn siêu âm kết hợp máy kích thích điện tại khoa GMHS B- BVTW Huế

Ngày 18/9, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận bệnh nhân Phạm Văn T., 51 tuổi, quê Quảng Ngãi, trong tình trạng suy tim nặng, giai đoạn cuối. Ông T. cho biết mình bị suy tim nặng, hai năm nay không điều trị thường xuyên. Cánh tay phải do huyết khối làm thuyên tắc động mạch gây hoại tử. Tình trạng hoại tử gây nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nên bác sĩ chỉ định phải cắt cụt cánh tay. Ngày 22/9, ca mổ được tiến hành.

Vấn đề gây mê phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn vì bệnh nhân này suy tim nghiêm trọng với biểu hiện khó thở nhiều ngay cả khi nghỉ ngơi, siêu âm tim ghi nhận giãn to các buồng tim và chức năng tim giảm nặng EF 17% (bình thường > 50%), có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân bất kỳ thời điểm nào. Sử dụng thuốc chống đông làm tăng nguy cơ chảy máu khi can thiệp các thủ thuật gây tê, phẫu thuật ở bệnh nhân này.

Trước trường hợp này, bác sĩ Ngô Dũng, Trưởng khoa Gây mê hồi sức B và các bác sĩ, nhân viên cả khoa phải trăn trở, lựa chọn phương án gây mê an toàn, hiệu quả cho bệnh nhân trong quá trình mổ. Được sự chỉ đạo của Trưởng khoa Gây mê hồi sức B, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn để đánh giá đưa ra phương pháp vô cảm an toàn nhất cho bệnh nhân.

Phương án gây tê đám rối thần kinh cánh tay dưới sự hướng dẫn của siêu âm kết hợp máy kích thích điện được chỉ định. Các bác sĩ thực hiện gây tê cho hay: "Gây tê vùng giúp làm giảm thiểu các tác động lên bệnh nhân, đặc biệt với sự hỗ trợ trực quan của siêu âm sẽ làm tăng tỷ lệ thành công, giảm các biến chứng. Đây là kỹ thuật mới với nhiều ưu điểm vượt trội đang được triển khai tại Khoa Gây mê hồi sức B".

Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ quan sát được đám rối thần kinh cánh tay và các tổ chức lân cận, nên dễ dàng đưa kim gây tê vào trong bao thần kinh của đám rối cánh tay, đảm bảo mức độ gây tê tốt và tránh được các tai biến cũng như các tác dụng không mong muốn. Hơn nữa, thao tác kỹ thuật thực hiện nhanh gọn và chính xác, ít gây tổn thương làm cho bệnh nhân đau đớn. Dù lần đầu tiên thực hiện phương pháp này, nhưng vì sự sống của bệnh nhân, các bác sĩ gây mê Khoa Gây mê hồi sức B đã tâm nguyện phải thực hiện tốt.

Bệnh viện đã chuẩn bị các phương tiện để hỗ trợ cho quá trình phẫu thuật. Bệnh nhân được theo dõi huyết áp động mạch liên tục, các phương tiện hồi sức tim phổi được chuẩn bị đầy đủ, diễn biến cuộc mổ thuận lợi với sự phong bế cảm giác cánh tay phải đạt tối ưu. Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi chăm sóc đặc biệt và hiện tại sức khỏe đã ổn định.

Đinh Hoàng Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám sàng lọc Glôcôm cho gần 1.000 người

Chiều 11/3, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Trung tâm Mắt của đơn vị sẽ tổ chức khám sàng lọc glôcôm cho gần 1.000 người. Đây là hoạt động ý nghĩa, nhân văn diễn ra từ 11 đến 17/3 nhân “Tuần lễ Glôcôm thế giới”. ​

Khám sàng lọc Glôcôm cho gần 1 000 người

TIN MỚI

Return to top