ClockThứ Bảy, 27/05/2017 05:31

Ấp Tư – Mỹ Thủy

TTH - Ấp Tư là tên của một đơn vị hành chính cấp thôn, thuộc xã Mỹ Thủy cũ, nay thuộc tổ 11, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ấp Tư là một chỗ dựa vững chắc của cách mạng.

Miếu thờ tri ân 27 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận đánh ngày 7/1/1965

Hiện nay, nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích cách mạng tự hào và chính quyền địa phương đang đề nghị các cấp công nhận di tích lịch sử cách mạng để nhớ ơn thế hệ cha anh, đồng thời làm nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng .

Ông Trần Thanh Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, là một trong những nhân chứng lịch sử từng hoạt động cách mạng tại ấp Tư - Mỹ Thủy. Trong ký ức của ông, ấp Tư - Mỹ Thủy thời điểm 1964, mặc dù địch khắp nơi nhưng nhân dân nơi đây đã phá tan ấp chiến lược, xây dựng được cơ sở cách mạng vững chắc. Lực lượng nghĩa quân, dân vệ chỉ dám vào càn quét ban ngày, đến 4-5 giờ chiều thì lo rút ra vì sợ bị tập kích. Địa điểm này có vị trí hết sức quan trọng với phong trào cách mạng của Mỹ Thủy nói riêng và với toàn khu vực Hương Thủy – Phú Vang nói chung. Đây là địa bàn mở đầu phá ấp chiến lược của Mỹ - ngụy, là hậu cứ cách mạng và cũng là hành lang từ chiến khu Dương Hòa về đồng bằng và ngược lại. Ấp Tư có nhiều cơ sở nuôi giấu cán bộ, cung cấp thông tin và nhu yếu phẩm cho cách mạng.

Trong những hoạt động cách mạng gắn liền với quân và dân ấp Tư - Mỹ Thủy năm xưa, nổi bật là trận đánh diễn ra ngày 7/1/1965. Lịch sử Đảng bộ phường Thủy Phương ghi: Trận đánh ngày 7/1/1965 diễn ra thắng lợi, địch bị thiệt hại khá lớn. Tuy nhiên, trong suốt một ngày quần nhau với địch, lực lượng ta quá ít so với địch nên 27 chiến sĩ của đại đội 3-802 đã anh dũng hy sinh. Nhân dân xã đã phối hợp và tham gia chiến đấu tích cực. Khi địch tổ chức càn vào làng, nhân dân dẫn đường, che giấu bộ đội, phối hợp với du kích tập kích từ nhiều phía, gây lúng túng cho địch. Kết thúc trận đánh, có tổn thất nhưng nhân dân không hề nao núng. Bà con dùng cả chăn, chiếu, ni lông tiến hành khâm liệm và chôn cất, lập thành một khu mộ của các liệt sĩ. Từ lâu, cứ đến ngày 5/12 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tự quyên góp tổ chức giỗ chung cho 27 liệt sĩ đã hy sinh tại mảnh đất này.

Từ Quốc lộ 1A, chúng tôi rẽ theo đường Tôn Thất Sơn để vào địa điểm người dân và các cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến tại ấp Tư - Mỹ Thủy lập miếu thờ 27 anh hùng liệt sĩ năm xưa. Miếu thờ nằm trên vùng đất cao, ngay bên đường, thoáng đãng và giao thông thuận tiện. Hiện nay, UBND phường Thủy Phương và Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Hương Thủy đang phối hợp lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh đối với ấp Tư - Mỹ Thủy, mà đại diện rõ ràng, sinh động nhất là miếu thờ tập thể 27 liệt sĩ nói trên.

Ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Hương Thủy nói: “Việc đề nghị công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh đối với địa điểm ấp Tư - Mỹ Thủy, cụ thể gắn với trận đánh hy sinh 27 liệt sĩ của đại đội 3-802 đã là niềm mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân địa phương, đặc biệt là các chiến sĩ từng tham gia trận đánh đó nay còn sống. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà hồ sơ chưa thể thực hiện được một cách hoàn chỉnh. Với sự hỗ trợ tích cực của các nhân chứng, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền địa phương, chúng tôi hy vọng việc chuẩn bị hồ sơ sẽ thành công và di tích địa điểm Ấp Tư - Mỹ Thủy sẽ sớm được công nhận”.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ông đánh giá rất cao việc thị xã Hương Thủy chủ động và rất tích cực trong quá trình chuẩn bị hồ sơ công nhận di tích lịch sử cách mạng đối với ấp Tư - Mỹ Thủy. “Đây là một địa điểm di tích rất ấn tượng. Tuy chưa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cách mạng nhưng việc những đồng đội xưa, người dân địa phương và thân nhân của các anh hùng liệt sĩ tự lập miếu thờ là hành động rất nhân văn. Một khi lòng dân đã công nhận, ý dân đã mong muốn thì sẽ rất có lỗi nếu chúng ta không tiếp tục kiến nghị và tham mưu để cấp quản lý Nhà nước có thẩm quyền công nhận đây là địa điểm di tích lịch sử cách mạng này”, ông Hùng nhấn mạnh.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kể chuyện Mỹ Thủy anh hùng

Cái tên Mỹ Thủy năm nào vẫn được nhắc đến như một hoài niệm và một ký ức hào hùng, đặc biệt là những ngày tháng Tư lịch sử này khi cách nay 48 năm, quê hương được giải phóng và đất nước được vẹn toàn.

Kể chuyện Mỹ Thủy anh hùng
Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại

Những ký ức gian khổ nhưng quá đỗi tự hào, việc phục dựng, tôn tạo hầm bí mật như là gạch nối giúp các thế hệ trẻ hiểu thêm về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong chiến tranh chống quân xâm lược.

Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại
Dốc Ba Trục một thời oanh liệt

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dốc Ba Trục (xã Phong Xuân, Phong Điền) là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch trong suốt thời gian từ năm 1961 đến 1975.

Dốc Ba Trục một thời oanh liệt
Chuyện về dũng sĩ Trần Hưng Lễ

Ở phường Hương Văn (TX. Hương Trà), ai cũng biết ông Trần Hưng Lễ, người chiến sĩ nhiều lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông là đảng viên, cán bộ hưu trí, thương binh 4/4, được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân luôn tin yêu, kính trọng.

Chuyện về dũng sĩ Trần Hưng Lễ
Return to top