Thế giới

APEC thảo luận bên lề vấn đề Biển Đông

ClockThứ Năm, 12/11/2015 09:30
TTH.VN - Bất chấp tuyên bố của nước chủ nhà Philippines, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Manila vẫn sẽ thảo luận không chính thức về vấn đề Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Manila ngày 10-11 - Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo ngày 10-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết quan chức các nước vẫn sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông bên lề hội nghị ở Manila diễn ra sau một tuần nữa.

“Các cuộc thảo luận đa phương (về vấn đề Biển Đông) sẽ diễn ra bên lề hội nghị hoặc trong các cuộc gặp. Đó là vấn đề Mỹ luôn thảo luận khi gặp gỡ các đối tác và đồng minh khu vực” - ông Toner nhấn mạnh.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Lula del Rosario thông báo APEC sẽ không chính thức đề cập vấn đề Biển Đông do đây là diễn đàn kinh tế chứ không phải chính trị.

Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng tuyên bố Bắc Kinh “hi vọng APEC sẽ không thảo luận các vấn đề nhạy cảm” và “mong các bên tôn trọng ý nghĩa kinh tế và thương mại của APEC”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua thư điện tử, giáo sư Renato DeCastro thuộc ĐH De La Salle (Philippines) nhận định chính quyền Manila, dù đang căng thẳng với Bắc Kinh, quyết định không đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình chính thức vì muốn thể hiện vai trò nước chủ nhà và tổ chức hội nghị hiệu quả và thành công.

Nhưng chính quyền Tổng thống Benigno Aquino cũng hiểu rõ rằng Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia khu vực chắc chắn sẽ không tránh né vấn đề Biển Đông khi hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đang khiến căng thẳng leo thang trong khu vực.

Về việc Tòa án trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) xác định có thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện bác bỏ đòi hỏi chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, tại Manila, hôm qua Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng cho rằng “Philippines phải có trách nhiệm hàn gắn quan hệ với Trung Quốc”!

Ông Vương Nghị mô tả vụ kiện “là nút thắt đã cản trở sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Philippines”. “Chúng tôi không muốn nút thắt này ngày càng siết chặt và chết cứng. Để nới lỏng và mở nút thắt này, chúng tôi phải nhìn về phía Philippines - ông Vương Nghị đá quả bóng về phía Philippines - Người gây ra rắc rối phải là người giải quyết. Chúng tôi hi vọng Philippines sẽ có sự lựa chọn hợp lý”.

Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện cho đến khi “có kết thúc hợp lý”.

“Đòi hỏi chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc là quá đáng và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh - Nếu đường chín đoạn không bị phản đối, chúng tôi có thể sẽ mất 80% diện tích vùng đặc quyền kinh tế của mình (vào tay Trung Quốc)”.

Không chỉ ở APEC, chắc chắn vấn đề Biển Đông cũng sẽ là đề tài rất nóng bỏng tại Hội nghị ASEAN ở Kuala Lumpur (Malaysia), diễn ra từ ngày 21 đến 22-11.

Theo dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị ASEAN do Hãng tin Kyodo News công bố, lãnh đạo các nước Đông Nam Á khẳng định “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”.

Dự thảo tuyên bố chung cho biết các lãnh đạo ASEAN “kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp và leo thang căng thẳng trên Biển Đông”.

Theo dự thảo, các nhà lãnh đạo kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm tăng tốc đàm phán để lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), điều mà Bắc Kinh vẫn đang cố tình trì hoãn.

Indonesia cũng đòi kiện Trung Quốc

Hôm qua, theo Reuters, chính quyền Jakarta cũng tuyên bố sẵn sàng kiện Trung Quốc ra Tòa án hình sự quốc tế (ICC) để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vì nó liếm sâu vào quần đảo Natuna của Indonesia.

Ông Luhut Panjaitan - bộ trưởng các vấn đề chính trị, pháp lý và xã hội Indonesia - khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Natuna là không có cơ sở pháp lý.

“Chúng tôi đang cố gắng đàm phán với Trung Quốc. Chúng tôi muốn tìm một giải pháp trong tương lai gần thông qua đối thoại. Nhưng nếu không được, chúng tôi sẽ kiện ra ICC - ông Luhut Panjaitan cảnh báo - Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua đối thoại. Nhưng đường chín đoạn là vấn đề đối với không chỉ chúng tôi mà còn xâm phạm lợi ích của cả Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines”.

Theo Tuổi Trẻ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Châu Phi cần 277 tỷ USD/năm để thích ứng với khí hậu

Tham dự một hội nghị cấp cao về tài chính khí hậu, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina vừa lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp khi biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia châu Phi.

Châu Phi cần 277 tỷ USD năm để thích ứng với khí hậu
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
Return to top