ClockThứ Tư, 06/04/2016 21:48

ASEAN thận trọng với tốc độ hội nhập tài chính

TTH - Ngày 4/4, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 20 (AFMM 20) khai mạc tại thủ đô Vientiane, Lào với sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính đến từ 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng Thư ký ASEAN, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á cùng một số tổ chức quốc tế khác. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam tham gia Hội nghị.

Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại Hội nghị AFMM 20. Ảnh: VNS

Tại AFMM 20, các quan chức tài chính cấp cao ASEAN thông qua một lịch trình mới hướng đến mục tiêu hội nhập các dịch vụ tài chính trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2025, nhằm tăng tốc độ phá bỏ những rào cản thị trường của các quốc gia thành viên.

Trước đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức được thành lập vào cuối năm 2015, mang lại sự thành công trong việc giảm thuế quan và tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động thương mại giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, nỗ lực để tháo gỡ những rào cản thị trường tài chính được đánh giá là vẫn còn chậm.

Phát biểu trước giới truyền thông sau Hội nghị hôm 4/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Lien Thikeo nhận định, trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới xuất hiện những tín hiệu không khả quan, việc hướng tới tăng trưởng kinh tế khu vực thông qua hội nhập thị trường tài chính và các biện pháp để ổn định hơn là rất quan trọng.

Những bước đi lớn

Dựa vào các điều khoản trong khuôn khổ Khung Hợp tác Ngân hàng ASEAN (ABIF), các ngân hàng trong khối ASEAN nếu thực hiện đầy đủ một số yêu cầu nhất định thì sẽ được công nhận là “Ngân hàng ASEAN đạt chuẩn”, cho phép họ thực hiện giao dịch ở tất cả các quốc gia thành viên. Theo lịch trình vừa được thống nhất, dự kiến có 2 ngân hàng sẽ được công nhận đạt chuẩn trong vòng 3 năm tới.

Bên cạnh đó, lịch trình mới cũng kêu gọi việc thành lập một cơ chế vào năm 2025, trong đó cho phép 8 trên 10 nước thành viên ASEAN chia sẻ thông tin thị trường trái phiếu và một thủ tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bán lẻ mua trái phiếu chính phủ. Những chính sách này nhằm giúp hoạt động gây quỹ trong khối trở nên đơn giản và linh hoạt hơn, làm tăng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng.

Rào cản kết cấu

Lịch trình được thông qua hôm 4/4 cũng kêu gọi ít nhất 1 quốc gia khác tham gia vào Liên kết Giao dịch ASEAN (ATL) trước năm 2025. Được biết, sàn giao dịch chứng khoán tại Singapore, Thái Lan và Malaysia đã thành lập ATL vào năm 2012, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận thị trường chứng khoán ở cả 3 nước.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa các thị trường chứng khoán vẫn không ngừng được mở rộng và thị trường tài chính chưa phát triển ở nhiều khu vực khác trong khối ASEAN là những rào cản đối với sự tham gia vào ATL. Điển hình là, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Yangon của Myanmar chỉ mới được bắt đầu từ cuối tháng 3 vừa qua. Trong khi đó, hoạt động giao dịch chứng khoán tại Lào đã mở cửa từ năm 2011 và hiện chỉ có 5 doanh nghiệp đăng ký phát hành cổ phiếu. Ngay cả trên sàn chứng khoán Philippines, nơi thu hút sự tham gia của một số công ty có quy mô lớn, tổng giá trị vốn hóa của sàn giao dịch này chỉ đạt mức dưới 40% so với ở Singapore vào cuối năm 2015. Chính vì thế, các nhà chức trách ở những nước này lo ngại tình hình tài chính sẽ trở nên bất ổn nếu những rào cản trên bất ngờ bị phá bỏ. Vì vậy, các nước cần có một cách tiếp cận thận trọng hơn.

Hiện nay, những biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính giữa các quốc gia thành viên phát triển và đang phát triển đang được thực hiện, nhưng vẫn còn nằm trong giai đoạn ban đầu. Trong Tuyên bố chung đạt được sau Hội nghị AFMM 20, các nước ASEAN nhất trí tiến hành một số biện pháp như thúc đẩy việc tiếp cận các dịch vụ tài chính dành cho người nghèo. Bên cạnh đó, hội nhập các thị trường tài chính là một bước đi rất quan trọng, giúp các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục theo đuổi nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như cần có những cuộc thảo luận cụ thể hơn.

Về phía Việt Nam, báo Nhân Dân số ra ngày 4/4 dẫn lời Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu về kết quả đạt được của AFMM 20 rằng: “Một số kết quả đạt được của Hội nghị như sau: Thứ nhất, các Bộ trưởng tiếp tục khẳng định tái cơ cấu nền kinh tế sẽ vẫn là ưu tiên của khu vực và nhất trí tăng cường hợp tác và triển khai các sáng kiến hội nhập để duy trì sự phát triển ổn định của khu vực ASEAN trước những biến động của kinh tế thế giới. Thứ hai, các nước ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong việc giám sát kinh tế tài chính để ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng khu vực. Thứ ba, các nước đã kết thúc đàm phán Gói cam kết 7 về Tự do hóa dịch vụ tài chính tiến tới ký kết vào giữa năm 2016, trong đó 8 nước ASEAN đã tự do hóa hoàn toàn phương thức cung cấp qua biên giới đối với dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không và quá cảnh, tiếp tục hỗ trợ cho thương mại nội khối. Các nước cũng nhất trí khởi động vòng đàm phán 8 trong năm 2016 để mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ tài chính. Thứ tư, các nước đã hoàn tất việc ký kết Nghị định thư về Khung pháp lý để áp dụng triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN nhằm tạo thuận lợi hơn nữa hoạt động thương mại hàng hóa trong khu vực ASEAN. Theo đó, các nước thành viên ASEAN cam kết tích cực triển khai Dự án thí điểm Cơ chế Một cửa ASEAN và Cơ chế Một cửa quốc gia. Thứ năm, các Bộ trưởng đã khởi động thảo luận về vấn đề xói mòn cơ sở thuế và chuyển giá nhằm củng cố tài khóa của các nước thành viên. Cuối cùng, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã trao đổi về Kế hoạch hành động chiến lược hội nhập tài chính ASEAN tầm nhìn 2025. Đây sẽ là tài liệu cơ sở để định hướng hoạt động hội nhập và hợp tác tài chính ASEAN trong 10 năm tới nhằm hướng tới sự ổn định, toàn diện và hội nhập tài chính”.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ Nikkei Asian Review, Straitstimes & Business World)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng

Theo phân tích của Maybank Investment Bank Bhd, việc áp dụng xe điện (EV) ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng nhờ các quy định thuận lợi, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tung ra các mẫu xe mới với giá thấp hơn, đồng thời khu vực này cũng có các cơ sở sản xuất ô tô lớn và nhu cầu xe điện đáng kể.

Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top