ClockThứ Sáu, 19/02/2016 05:31
LAO ĐỘNG LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Âu lo khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

TTH - Nỗ lực làm việc, có một khoản thu nhập kha khá để về quê có vốn làm ăn là nguyện vọng của đa số những người đi xuất khẩu lao động. Thế nên, khi nghe thông tin từ 1/1/2016, lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc khiến không ít người lo lắng…

Lao động Huế làm việc ở nhà máy tại Hàn Quốc. Ảnh: Dũng Anh 

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này có tính chất an sinh xã hội tốt hơn vì khi trở về nước, người lao động có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Họ có thể lựa chọn phù hợp với khả năng để khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Nếu về nước người lao động không muốn và không có khả năng đóng tiếp BHXH tự nguyện thì họ có thể nhận BHXH một lần. Anh Phan Dũng Thanh, có thâm niên xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc 5 năm, trở về thăm gia đình và chờ ký hợp đồng gia hạn để tiếp tục sang làm việc ở nước bạn. Anh Thanh cho biết: Khi làm việc ở nước ngoài, người lao động chỉ tham gia BHXH thuộc các chế độ ngắn hạn như chế độ về tai nạn nghề nghiệp, ốm đau và bảo hiểm y tế. Nếu chúng tôi đóng BHXH sau khi hết hạn lao động, trở về quê vẫn có chế độ lương hưu như bao người khác. Tuy nhiên, anh cũng bày tỏ băn khoăn, chưa hiểu rõ về mức đóng, thời gian đóng và cụ thể quyền lợi của lao động xuất khẩu khi tham gia BHXH bắt buộc là gì ?

Quy định đóng BHXH bắt buộc cho người lao động đi làm việc ở các nước khiến không ít doanh nghiệp tư vấn băn khoăn. Họ cho rằng, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động xuất khẩu là rất khó. Hơn nữa, hiện tại, thu bao nhiêu và thu như thế nào, doanh nghiệp tuyển dụng có phải làm nhiệm vụ thu tính vào chi phí đưa người đi xuất khẩu lao động hay không thì chưa có thông tư hướng dẫn khiến cả lao động lẫn doanh nghiệp đều đang rất mơ hồ. Mặt khác, doanh nghiệp cũng chưa rõ là người lao động sẽ được hưởng quyền lợi gì khi tham gia BHXH nên khó giải thích cho người lao động hiểu chính sách cặn kẽ. 

Không phải lao động nào cũng phấn khởi như anh Thanh. Bởi lẽ, họ sẽ đóng một khoản tiền BHXH không nhỏ. Cụ thể, những người trước đó đã tham gia BHXH thì đóng 22% trên mức đóng tiền lương tháng trước khi họ nghỉ việc đi làm việc ở nước ngoài. Đối với trường hợp chưa tham gia BHXH sẽ đóng 22% của hai lần mức lương cơ sở. Chị Trần Xuân Linh (Phong Điền) đã hoàn tất thủ tục đi xuất khẩu lao động và đang chờ sau kỳ nghỉ Tết sẽ sang làm ở Đài Loan. Chị Linh không khỏi lo lắng khi biết thông tin mình thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Chị bộc bạch: Hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ già và hai con còn nhỏ nên phải vay mượn khắp nơi để có chi phí sang Đài Loan làm việc. Với hợp đồng lao động 3 năm mà đã mất hơn 1 năm để trả nợ, giờ lại thêm khoản BHXH bắt buộc nữa thì tôi cảm thấy quá sức”. Mặt khác, chị lo lắng nếu đóng bảo hiểm xã hội, thì khi chẳng may bị tai nạn, ốm đau ở nước bạn, bảo hiểm ở Việt Nam có chi trả được hay không? Chị Linh cho rằng, nhiều người bạn cùng đi xuất khẩu lao động với chị có cùng suy nghĩ như vậy, vì thu nhập thấp, chỉ mong tích góp được chừng nào tốt chừng ấy mang về quê trả nợ, xây nhà,  không mong nghĩ xa xôi về lương hưu hay các chế độ bảo hiểm gì khác.

Nhiều câu hỏi cần được giải đáp

Bảo hiểm xã hội dành cho lao động xuất khẩu là tốt vì đảm bảo được lợi ích lâu dài cho người lao động. Tuy nhiên, lao động đi xuất khẩu các nước khác nhau nên thu nhập, quyền lợi, nghĩa vụ ở nước sở tại cũng khác nhau, dẫn đến điều kiện tham gia bảo hiểm cũng khác nhau. Chẳng hạn, lao động đi xuất khẩu ở các nước thuộc khu vực Trung Đông, hoặc Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc… đều được doanh nghiệp sử dụng lao động đóng bảo hiểm. Số tiền đóng doanh nghiệp và người lao động cùng chi trả. Còn ở một số nước như Nhật Bản chẳng hạn, doanh nghiệp sử dụng lao động không có nghĩa vụ phải thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động nước ngoài. Anh Nguyễn Văn Quang, một trong những lao động đã làm việc ở Nhật Bản cho biết: Nếu những lao động làm việc tại Nhật sẽ đóng các khoản BHXH ngắn hạn và cả bảo hiểm hưu trí để sau khi hết hợp đồng về nước, người lao động sẽ nhận bảo hiểm một lần. Thế nên, quy định này đi vào thực hiện, người lao động sẽ phải đóng đến hai hoặc ba lần phí BHXH tại cùng một thời điểm.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp cho cả doanh nghiệp và người lao động như: Nếu lao động không đóng thì họ có đủ điều kiện đi không, cách đóng và trách nhiệm mỗi bên như thế nào? Doanh nghiệp không thu đủ BHXH cho hàng nghìn lao động mỗi năm đi làm việc ở nước ngoài có bị phạt? Doanh nghiệp chỉ làm dịch vụ môi giới thì có phải chịu trách nhiệm trong việc giúp người lao động đóng BHXH hay không?... Do đó, một số doanh nghiệp chia sẻ, dù Nghị định 115 đã có hiệu lực thi hành, nhưng trong quá trình tư vấn, họ vẫn ngần ngại chưa nêu và giải thích cho người lao động về quy định BHXH bắt buộc.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Băn khoăn chế độ bảo hiểm xã hội trong dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp lẫn người lao động lao đao. Đây cũng là lúc họ quan tâm đến chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Băn khoăn chế độ bảo hiểm xã hội trong dịch COVID-19
Return to top