ClockThứ Bảy, 03/10/2020 06:00

Ba cuốn sách về người con ưu tú của Huế

TTH - Tháng 7 năm 1995, một lần ra Hà Nội, tôi may mắn được nhà thơ Tố Hữu đồng ý tiếp chuyện tại nhà riêng ở phố Phan Đình Phùng mà nhiều người trìu mến gọi là “Con phố lãng mạn nhất Thủ đô”.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Tố HữuCó một nhà báo Tố HữuGiới thiệu tập thơ “Quê mẹ” của nhà thơ Tố Hữu

Xin qua vọng gác có một anh bảo vệ, tôi bước vào sân một ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp. Quả thật, trong vườn nhà thơ có một cây táo mà một thời nổi tiếng với tên gọi “Cây táo ông Lành”, có một cây hồng đã đi vào thơ ông được nhiều người nhớ thuộc: “Nhà anh có một cây hồng. Quả son nhún nhẩy đèn lồng cành tơ. Cây hồng như thực như mơ. Khách qua đường cũng ngẩn ngơ ghé nhìn”. Ông tiễn chân một đoàn khách bốn người, nhìn phong thái tôi đoán có lẽ là khách văn. “Vào nhà đi cháu”, nhà thơ nói. Vẫn chất giọng Huế rất nhỏ nhẹ, ấm áp làm tôi xúc động, tự tin. Phòng tiếp khách thật mộc mạc, giản dị.

Tuổi 75 không còn được khỏe mà ông vẫn nhớ lắm nhiều vùng đất, sản vật quê hương, nhiều bạn văn, bạn chiến đấu đang sống và công tác tại quê nhà với cảm xúc hồn hậu, lắng đọng như tâm tình. Tôi thưa với ông về việc xin làm sách Tố Hữu - Tác phẩm, ông vui vẻ ủng hộ, nhưng nhắc: “Phần lý luận e khó phát hành”. Ông có lời phàn nàn rằng chiết khấu phát hành sách cao quá, và nói thêm sẽ gặp Bộ trưởng Trần Hoàn, Thứ trưởng Nguyễn Khoa Điềm, anh Lý (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát hành sách Việt Nam) để góp ý, có điều chỉnh cho phù hợp. Nhà thơ thực sự quá hiểu, quá chia sẻ một trong những công việc khó của những người làm công tác xuất bản chúng tôi. Ông cũng nhỏ nhẹ kể lại đôi điều về những năm tháng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945 tại Kinh đô Huế, và cười nói như reo vui: “Bác làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, lúc 25 tuổi, vui và say sưa như đi trẩy hội”. Ông mặt áo tay cánh, thấy trên tay có nhiều nốt trắng, hỏi ra mới biết ông đang bị bệnh viêm da. Lo cho sức khỏe của ông, tôi ngỏ ý xin phép ra về, ông bảo: “Cháu ngồi thêm chút nữa”. Thế là tôi có thêm khoảng 15 phút được nghe ông trò chuyện. Tôi xin ra về lúc trời đã chuyển tối. Cả ông và phu nhân là bác Thanh cùng bước xuống bậc cửa tiễn tôi ra sân nhà. Tạm biệt ngôi nhà của nhà thơ lớn mà tôi hằng yêu kính, cuốc bộ dọc con đường Phan Đình Phùng rợp bóng cây sấu, lòng tôi vô cùng bồi hồi xúc động và biết ơn.

Càng lớn tuổi, càng nghe và đọc thơ Tố Hữu lại càng khâm phục tài thơ của ông. 16 tuổi (1936), Tố Hữu có thơ đăng trên báo chí công khai lúc bấy giờ. Gần như cùng tuổi và cùng thời với nhiều nhà Thơ mới đã từng tạo ra “Một thời đại mới trong thơ ca Việt Nam hiện đại”: Chế Lan Viên và Bích Khê 15 tuổi (1935), Xuân Diệu 19 tuổi (1935), Huy Cận 16 tuổi (1935), Tế Hanh 17 tuổi (1938), Lưu Trọng Lư 20 tuổi (1932)… nhưng khác với nhiều nhà Thơ mới lãng mạn, ông mang tài năng ấy đi vào nhà tù thực dân. Và thơ ông có một tiếng nói riêng, vóc dáng riêng, ngữ ngôn riêng; tác động tới đời sống và cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của Nhân dân, của dân tộc bằng con đường riêng, sức mạnh riêng không giống với bất kỳ ai cùng thời.     

Tác phẩm và cuộc đời phụng sự cách mạng của ông xứng đáng với những danh hiệu đã được dành để tôn vinh ông: “Nhà thơ lớn của dân tộc”, “Nhà thơ của Nhân dân”, “Ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “Người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam”, “Nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”, “Một viên ngọc trong nền văn hóa Việt Nam”, “Nhà thơ có nhiều bạn đọc nhất trong thời đại của ông”… Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nói rằng: “Thời đại ta đã may mắn có được nhà thơ Tố Hữu”.

Nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông - một người con ưu tú, xuất chúng của quê hương Thừa Thiên Huế (4/10/1920 - 4/10/2020), Nhà xuất bản Thuận Hóa tổ chức xuất bản 3 cuốn sách: Nhớ mãi nhà thơ Tố Hữu; Tố Hữu - Đời thơ, người thơ; Những kỷ niệm về nhà thơ Tố Hữu. Đặc biệt cuốn sách Nhớ mãi nhà thơ Tố Hữu trân trọng in các văn kiện lễ tang của nhà thơ, trích bút tích từ “Sổ tang” của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ (Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Văn An, Phạm Thế Duyệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng…) cùng nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà khoa học, nhiều độc giả yêu kính thơ ông… tiễn biệt nhà thơ về cõi vô cùng.

Bài, ảnh: NGUYỄN DUY TỜ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều ý kiến hay từ một cuốn sách về văn hóa Huế

Cuối năm 2023, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ra mắt cuốn sách “Văn hóa Huế - Nhận diện các giá trị và hướng phát triển” (Nxb Đại học Huế, ấn hành tháng 11/2023). Sách dày 430 trang, với 36 công trình nghiên cứu của 36 tác giả, nhóm tác giả. Theo lời giới thiệu, đây là cuốn sách tập hợp các tham luận từ hai cuộc hội thảo do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức: “Văn hóa Huế - Nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển” (năm 2020) và “Phát huy giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật trong phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế” (năm 2019).

Nhiều ý kiến hay từ một cuốn sách về văn hóa Huế
Cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng: Góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 6/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học: Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng Góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

TIN MỚI

Return to top