ClockThứ Tư, 16/08/2017 08:23

“Bà đỡ” cho hạnh phúc gia đình.

TTH - Mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững (CLB) đã góp phần đẩy lùi bạo lực, vun đắp hạnh phúc cho nhiều gia đình ở Quảng Điền.

Về đến đầu thôn Thanh Hà, xã Quảng Thành hỏi nhà chủ nhiệm CLB gia đình phát triển bền vững thôn, chúng tôi được anh Phan Chuẩn đưa về tận nhà ông Nguyễn Trí. Vừa đi, anh Chuẩn vừa kể về câu chuyện gia đình mình. Số là, gia đình anh từng “nổi tiếng” là cặp vợ chồng bất hòa vì thường xuyên xảy ra tình trạng cự cãi, thậm chí đánh nhau. Thế nhưng sau một thời gian dài các thành viên CLB thường xuyên lui tới động viên, cuộc sống gia đình anh chị đã có nhiều chuyển biến, vợ chồng chí thú làm ăn, những bất hòa trong cuộc sống gia đình được giải quyết nhanh chóng trong “hòa bình”, không còn chuyện gây gổ, đánh nhau như trước.

Anh Phan Chuẩn tâm sự: "Trước đó, mình suy nghĩ bồng bột quá, việc gì không giải quyết được bằng lời nói đều "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", xong mới thấy hối hận. Ngày đó, mấy anh chị trong CLB tới khuyên nhiều lắm, ban đầu mình kệ nhưng cứ thấm dần, thấm dần rồi mình thay đổi hẳn, gia đình nhờ đó cũng đầm ấm hơn. Mấy anh chị giúp mình nhận được điều sai thì mình cũng phải chung tay giúp nhiều người khác hiểu được cái sai để dần hoàn thiện chứ”. Vừa nói, vừa cười, nhìn anh thật hiền, không giống như lời kể “trước đây, anh dữ dằn ghê lắm” của chị Trần Thị Thiết vợ anh, lúc chúng tôi mới mở đầu câu chuyện.

Dù mới thành lập vào tháng 8/2016, thế nhưng hoạt động của CLB Thanh Hà đã góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến lớn trong phòng chống bạo lực gia đình và hạn chế sinh con thứ ba trên địa bàn thôn. Ông Nguyễn Trí, Chủ nhiệm CLB thông tin, do mới thành lập nên mọi hoạt động của CLB vẫn còn rất khó khăn. Người dân nơi đây nặng nề tư tưởng trọng nam, khinh nữ nên mọi việc vận động không sinh con thứ ba, chống bạo lực gia đình không dễ. Vì vậy, thay vì cứ vận động diện rộng, chúng tôi chọn những gia đình đang, hoặc có nguy cơ sinh con thứ ba, gia đình bất hòa… tập trung vận động trước. Phân công từng thành viên CLB, nắm bắt tâm tư các thành viên trong gia đình, từ đó hướng họ thoát khỏi luồng tư tưởng trọng nam khinh nữ để tập trung phát triển kinh tế và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhờ áp dụng theo phương pháp “mưa dầm thấm đất” đã ngăn chặn kịp thời những rạn nứt trong mối quan hệ gia đình.

Ra đời sớm hơn, với những quy chế hoạt động, nội dung sinh hoạt rõ ràng, CLB Khuôn Phò, thị trấn Sịa đang trở thành mô hình tiêu biểu mà nhiều địa phương khác đang hướng tới. Thành lập năm 2002, CLB chỉ có vài hội viên nằm trong ban mặt trận thôn (nay là tổ dân phố), đến nay CLB đã thu hút hơn gần 50 hội viên tham gia. Trong đó, nhiều hội viên từng có hoàn cảnh gia đình không mấy hạnh phúc.

Ông Đoàn Sào, Chủ nhiệm CLB Khuôn Phò cho biết, CLB sinh hoạt định kỳ theo quý, theo từng chủ đề, chủ điểm cụ thể. Ở đó, các thành viên cởi mở trao đổi với nhau những khó khăn trong cuộc sống. Không chỉ sinh hoạt định kỳ, CLB còn phối hợp với các CLB, hội, nhóm, tổ chức khác lồng ghép chương trình hoạt động, lan tỏa thông tin. Nhờ hoạt động hiệu quả của CLB, những mâu thuẫn trong nhiều gia đình được hòa giải. Từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn không xảy ra các loại tệ nạn xã hội, không xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, nhiều năm liền không có gia đình sinh con thứ ba… Với những thành tích đạt được, năm 2013 CLB được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen.

"Hiện trên địa bàn huyện có 4 CLB gia đình phát triển bền vững hoạt động với phương châm “Xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và bền vững; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Với điểm mạnh là tính cộng đồng, tính giáo dục cao, CLB đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa, nâng chất phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện. Trong năm 2017, chúng tôi sẽ tổ chức nhận rộng mô hình CLB ở các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Vinh và Quảng Phước", ông Trần Công Trực, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Điền cho biết.

Công Cường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top