ClockThứ Năm, 22/05/2014 14:01

Ba giảm, ba tăng

TTH - Mô hình canh tác lúa “ba giảm, ba tăng” không lạ. Nó là giải pháp của các nhà khoa học Việt Nam đưa ra tại hội nghị quốc tế về “Quản lý dinh dưỡng và sâu bệnh cho hệ thống thâm canh lúa” từ năm 2005.

Khởi đầu ở đồng bằng sông Cửu Long, chương trình nhanh chóng được nhân rộng ra khắp nước và đã có nhiều mô hình thành công. Về nguyên tắc, “ba giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu. Còn “ba tăng” nghĩa là tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả. Nó là một gói kỹ thuật mở, tùy theo mỗi địa phương, tùy theo điều kiện sản xuất của từng hộ gia đình để áp dụng sao cho phù hợp.

Vụ Đông xuân 2013- 2014 này, tại Hợp tác xã Thủy Phương, thông qua nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2013, Trạm Khuyến nông thị xã Hương Thủy xây dựng mô hình “Sản xuất lúa theo chương trình ba giảm, ba tăng”. Vụ sản xuất chưa kết thúc, chưa thể tính toán cụ thể những giá trị tăng, nhưng được Nhà nước hỗ trợ 30% tiền vật tư, phân bón và 100% giá trị giống lúa, 40 hộ tham gia chương trình thu được những tín hiệu “giảm” đáng vui. “Ba giảm” là điều đã có thể nhận rõ khi lượng giống giảm chỉ còn 4 kg/sào, phân các loại (hữu cơ, lân, kali) còn 3-4 kg/sào.

Nếu xem “ba tăng” là hệ quả có được thì “ba giảm” lại đặt ra những vấn đề đáng suy nghĩ. Trước hết nói về giảm giống, theo GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thì giảm số lượng giống gieo sạ không đơn thuần chỉ là những con số mà nó còn thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa các quần thể lúa trên đồng ruộng. Nếu sạ thưa, cây lúa sẽ hấp thụ ánh sáng tốt hơn, hạn chế được dịch bệnh phát triển. Trong khi đó, hầu hết nông dân ta đều bón thừa đạm, nghĩa là đã có sự lãng phí có hại trong chăm sóc lúa. Giảm thuốc bảo vệ thực vật lại câu chuyện đáng bàn hiện nay. Việc lạm dụng và sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật cho lúa không những gây nguy hại tới hệ sinh thái môi trường đồng ruộng, hệ động thực vật mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới sức khỏe con người.

Có những vấn đề không thể hiện rõ nhưng bằng suy luận lô-gíc có thể rút ra những giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, để thay thế cho lượng thuốc bảo vệ thực vật được giảm là việc khuyến khích sử dụng những biện pháp sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đó được xem là mục tiêu hướng tới của nền sản xuất theo hướng phát triển bền vững. Còn trong thực tế, khi mà tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, giá cả vật tư, phân bón không ngừng tăng cao, thì mô hình “ba giảm ba tăng” ra đời giúp nông dân khắc phục một phần lớn khó khăn trong sản xuất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Môi trường sinh thái đồng ruộng, hệ động thực vật cũng qua đó từng bước được bảo vệ, sức khoẻ con người ngày càng được bảo đảm.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top