ClockThứ Bảy, 09/07/2016 13:19

Ba nội dung chính được đệ trình trước ngày phán quyết của tòa PCA

Tòa trọng tài (PCA) tại The Hague dự kiến công bố phán quyết về khởi kiện của Philippines đối với Trung Quốc vào ngày 12/7. Dưới đây xin giới thiệu loạt bài của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về luật biển quốc tế và quan hệ quốc tế quanh vấn đề này.

Tòa án quốc tế sẽ ra phán quyết vụ kiện “đường lưỡi bò” ở Biển Đông vào ngày 7/7Tòa quốc tế sẽ xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (lúc năm 2014) phát biểu tại phiên khai mạc Tòa PCA. Ảnh: PCA

Nội dung khởi kiện của Philippines đối với Trung Quốc có tầm quan trọng không chỉ đối với các bên trong vụ việc, mà còn đối với các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả các quốc gia có yêu sách và không có yêu sách trong tranh chấp Biển Đông.

Tháng 10/2015, Tòa PCA đưa ra phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc đối với vụ tranh chấp này.

Trong phán quyết này, tòa xác nhận “có thẩm quyền” để xét xử đối với bảy đệ trình, hoãn việc xem xét thẩm quyền để xem xét cùng với các vấn đề thực chất đối với bảy đệ trình và yêu cầu Philippines làm rõ một đệ trình.

Ba nhóm vấn đề

Các phiên đầu điều trần đối với các vấn đề thực chất đã được tổ chức vào tháng 11/2015.

Có thể nói, sau các phiên điều trần vào tháng 11, tất cả những đệ trình của Philippines đã được đưa ra trước tòa và sẽ được tòa xem xét bằng cách này hay cách khác. 15 đệ trình của Philippines có thể được nhóm thành ba vấn đề chính có mối liên quan mật thiết với nhau.

Thứ nhất, Philippines yêu cầu tòa tuyên bố yêu sách của Trung Quốc dựa trên “quyền lịch sử” bao hàm trong cái gọi là đường chín đoạn không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và vì thế vô giá trị.

Thứ hai, Philippines yêu cầu tòa xác định liệu theo UNCLOS, một số các thực thể mà cả Philippines và Trung Quốc yêu sách có thể được xem là đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm hay bãi chìm.

Thứ ba, Philippines yêu cầu tòa tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS bằng việc can thiệp vào việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do của Philippines và bằng các hoạt động xây dựng đảo và đánh bắt cá gây tổn hại đến môi 
trường biển.

Trong các yêu cầu này, hai nhóm đệ trình có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với các bên trong vụ việc, mà còn cả với các quốc gia khác trong khu vực, là vấn đề về giá trị pháp lý của đường chín đoạn và quy chế pháp lý của một số thực thể địa lý tại Biển Đông.

Chính hai đệ trình này đã thu hút nhiều sự chú ý nhất bởi phán quyết của tòa chắc chắn sẽ có những tác động và hệ lụy quan trọng không chỉ đối với tranh chấp cụ thể lần này.

Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario (thời năm 2014) giới thiệu bản đồ cổ tại ĐH Thiên Chúa giáo ở Manila tháng 9-2014 để tuyên truyền về cuộc chiến pháp lý của Philippines - Ảnh: Reuters

Không thể dựa vào quyền lịch sử

Tòa sẽ phải đối mặt một số khó khăn nhất định trong việc làm rõ giá trị pháp lý của đường chín đoạn.

Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa làm rõ cơ sở pháp lý và các yêu sách dựa trên đường này. Những khó khăn này càng nhân lên khi Trung Quốc đã từ chối xuất hiện trước tòa để đưa ra các luận điểm của mình.

Philippines yêu cầu tòa bác bỏ cả hai cơ sở pháp lý mà đường chín đoạn có thể dựa vào: tuyên bố về quyền chủ quyền và tuyên bố về quyền lịch sử.

Tòa trọng tài có khả năng sẽ xác nhận thẩm quyền của mình và tuyên bố rằng một tranh chấp về quyền lịch sử không phải là một tranh chấp về “các vùng nước hay vịnh lịch sử” theo điều 298 (1)(a).

Điều này sẽ cho phép tòa đưa ra được quyết định về bản chất và giá trị pháp lý của những “quyền lịch sử” mà Trung Quốc dựa vào để tuyên bố toàn bộ yêu sách đối với vùng biển được bao quanh bởi đường chín đoạn.

Để chứng minh rằng Trung Quốc có “quyền lịch sử” trên toàn bộ đường chín đoạn, Trung Quốc sẽ phải chứng minh rằng mình đã thực hiện chủ quyền liên tục trên vùng biển này.

Quan trọng hơn, việc thực hiện quyền chủ quyền đó được các nước khác công nhận hoặc ngầm công nhận.

Tuy nhiên, dựa trên thực tiễn và hành động của các quốc gia trên Biển Đông, khó có thể tin rằng Trung Quốc có thể đáp ứng những điều kiện này.

Mặt khác, các án lệ của Tòa án công lý quốc tế (ICJ) cho thấy các quốc gia không thể dựa vào quyền lịch sử để yêu sách một vùng biển quá rộng vượt quá khuôn khổ pháp lý mà UNCLOS đề ra.

Tóm lại, thông qua vụ kiện này, các yêu sách dựa trên quyền lịch sử đối với Biển Đông sẽ được xem xét và kiểm nghiệm dựa trên UNCLOS. Kết quả là giá trị pháp lý của đường chín đoạn này sẽ được làm rõ, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc hoặc khẳng định một chiều của nước này.

Đảo hay đá: vì sao quan trọng?

Tòa cũng cho rằng có thẩm quyền quyết định để xem xét xem các thực thể địa lý trong bản đệ trình của Philippines là đảo, đá hay là bãi nửa nổi nửa chìm.

Trong số những thực thể của vụ tranh chấp, thực thể địa lý Ba Bình là một trường hợp đặc biệt thú vị.

Đài Loan hiện đang kiểm soát Ba Bình, đã nộp đệ trình lên tòa. Theo đó, Đài Loan đề nghị tòa tuyên bố rằng Ba Bình là một đảo hoàn chỉnh và đầy đủ.

Tuy nhiên, khả năng Tòa trọng tài tuyên bố tất cả thực thể địa lý trong đệ trình chính thức của Philippines được hưởng quy chế đảo, qua đó được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là không cao.

Nhiều nhất thì có thể một vài trong số các thực thể đó được hưởng quy chế đá, từ đó tạo ra một khu vực biển rộng 12 hải lý. Theo quy định của luật quốc tế nói chung, các quốc gia không thể tuyên bố chủ quyền đối với các bãi nửa nổi nửa chìm.

Một trường hợp nữa có thể xảy ra là tòa có thể tuyên bố rằng tòa không đưa ra được phán quyết cuối cùng về quy chế của các đảo do tòa không có đủ bằng chứng để kết luận.

Những kịch bản phán quyết của tòa sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau, cũng bao hàm những ý nghĩa khác nhau với tình hình tranh chấp Biển Đông nhìn cả về góc nhìn an ninh - chiến lược. 

Vài điểm nhấn

Ngày 22/1/2013, Philippines đã nộp bản thông báo và tuyên bố khởi kiện để khởi kiện ra tòa trọng tài chống lại Trung Quốc trong một vụ kiện về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với biển Tây Philippines” theo các quy định của phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Ngày 19/2/2013, Trung Quốc đưa ra công hàm “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở biển Nam Trung Hoa” từ chối và trả lại bản thông báo của Philippines, cũng như tuyên bố rằng nước này sẽ không tham gia vụ kiện.

Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia, tiến trình trọng tài sẽ vẫn được tiếp tục và Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã được chọn làm ban thư ký cho tòa trọng tài trong vụ kiện này.

Theo Tuoitre

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top