ClockChủ Nhật, 25/09/2016 06:31

Bảo tồn và phát huy di sản thế miếu

TTH - Sau khi chiến thắng, thống nhất đất nước, chúa Nguyễn Phước Ánh lên ngôi hoàng đế đặt niên hiệu Gia Long (1802 – 1820), định đô tại Huế, mở đầu Hoàng triều Nguyễn (1802 – 1945).

Năm 1804, vua cho lập Thái Miếu ở bên trái trong hoàng thành, truy tôn đế hiệu lên chín đời chúa Nguyễn để phụng thờ với ý nghĩa: “Vươnggiả lấy đạo hiếu trị thiên hạ mà đạo hiếu thì không gì lớn bằng tôn thân. Truy tôn Tổ Tông là để tỏ lòng thành kính mà đạt đạo hiếu…(1).

Thế Miếu nhìn từ hiển Lâm Các. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Vua Minh Mạng (1820 – 1840) kế nghiệp, nhớ nghĩ đến công đức của vua cha (Gia Long) nên ban dụ: “Hoàng khảo ta, công thần, đức thánh cao hơn ngàn xưa nên thờ ở chính giữa hướng về phương nam để hưởng lễ tế, khiến đời đời tôn sùng mới hợp với sự trông mong của thần dân trong cả nước. Nếu rước thần chủ vào thờ trong Thái Miếu thì đối với hàng chiêu mục của Duệ Tông (Nguyễn Phước Thuần) sợ không đúng nghi thức. Hơn nữa theo thứ tự mà thờ trong miếu có các thần chủ đã lâu đời thì không hợp với ý của Trẫm phụng thờ theo đạo hiếu. Vậy phải xây dựng riêng Thế Miếu theo đúng thể thức của Thái Miếu để trăm đời không thay đổi và hợp với tình, đúng với lễ(2). Vua Minh Mạng đã cho xây dựng Thế Miếu ở khu đất bên phải trong hoàng thành, tương xứng với Thái Miếu bên trái, theo kiểu đồng đường dị thất. Chính doanh chia thành chín gian, tiền doanh gồm mười một gian, đông tây có hai chái. Sau lễ đại tường hết tang vua cha, vua Minh Mạng cho rước thần chủ Thế Tổ Cao Hoàng Đế và thần chủ Thuận Nguyên Cao Hoàng Hậu vào thờ tại gian giữa Thế Miếu để phụng tự. Vua chuẩn định: “Nước nhà tôn xưng đế hiệu bắt đầu từ hoàng khảo (Gia Long) ta. Trẫm vì muôn đời sáng lập ra điển lễ, dựng riêng Thế Miếu, về sau thờ phụng theo thứ tự các đời cùng trong miếu này. May nhờ ơn trời, ban phước lâu dài, sau chín đời lại dựng thêm miếu khác. Nếu người đời sau có điều dị nghị, thì việc lễ thà trọng hậu, sao lại không nên làm.”(3). Năm 1837, đúc xong chín cái đỉnh đồng lớn – Cửu đỉnh, Vua đặt tên hiệu cho từng đỉnh là: 高–CAO, 仁–NHÂN, 章– CHƯƠNG, 英– ANH, 毅–   NGHỊ,純– THUẦN,宣– TUYÊN,裕– DỤ, 玄– HUYỀN, để bày trước sân tương ứng với thứ tự các án thờ trong miếu. Theo gia pháp triều Nguyễn, chỉ các vị vua trị vì cho đến lúc băng hà, được triều đình dâng tôn thụy hiệu, miếu hiệu, sau lễ đại tường (hếttang) mới được rước vào chính thức thờ tại Thế Miếu (Thăng miếu). Các vị vua từ bỏ ngai vàng (Xuất đế) hay bị truất phế (Phế đế) thì sau khi chết không được đưa vào thờ ở Thế Miếu.

Dưới triều vua Thành Thái (1889 – 1907), truy tôn đế hiệu cho cha là Cung Tôn Huệ Hoàng Đế (Dục Đức) nhưng cũng phải xây Tân Miếu (Cung Tôn Miếu) ở bên ngoài hoàng thành để phụng thờ. Quy chuẩn này được tuyệt đối tôn trọng cho đến khi triều Nguyễn cáo chung, Thế Miếu chỉ thiết bảy gian thờ bảy vị vua:

  • Thế Tổ Cao Hoàng Đế
  • Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế
  • Hiến Tổ Chương Hoàng Đế
  • Dực Tôn Anh Hoàng Đế
  • Giản Tôn Nghị Hoàng Đế
  • Cảnh Tôn Thuần Hoàng Đế
  • Hoằng Tôn Tuyên Hoàng Đế

Trong chiến lược “tiêu thổ kháng chiến” vào đầu năm 1947, phần lớn các công trình kiến trúc trong hoàng thành bị đốt phá tan hoang, may mắn Thế Miếu còn tồn tại nguyên trạng. 

Từ năm 1949 đến 1954, dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại, việc tế tự dần được phục hồi phần nào.

Giai đoạn 1955 đến 1975, thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhằm tưởng niệm các vị Vua yêu nước quyết chống lại chế độ bảo hộ của Thực dân Pháp nên đã phối hợp với Nguyễn Phước tộc đưa các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân vào phối thờ tại Thế Miếu.

Từ năm 1975 đến 2016, đặc biệt sau khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới” (1993), chính quyền từ Trung ương đến địa phương rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cung đình thời Nguyễn. Nhờ đó, Thế Miếu đã được nhiều lần trùng tu – tôn tạo trong nội thất cũng như cảnh quan bên ngoài, tổ chức các hoạt động tế tự, lễ hội (festival,…), tham quan có hiệu quả.

Rất tiếc, có thể vì mục đích muốn tạo ấn tượng thuận tiện cho việc hướng dẫn giải thích nên trên các án thờ, cơ quan quản lý bày biện hình ảnh các vị Vua Nguyễn. Đây là điều rất trái với quy chuẩn thờ tự ở chỗ tôn nghiêm như Thế Miếu. Nhìn các hình ảnh, chúng ta thấy có Vua do người Pháp ký họa, có vị chụp ảnh trong thời thơ ấu, có vị trong hoàn cảnh đang bị lưu đày, người ngồi kẻ đứng, nhìn thẳng, ngó ngang,…rất tùy tiện, ngẫu hứng. Chính những thêm thắt tự phát này sẽ làm cho người đời sau hiểu biết lệch lạc thậm chí sai lầm về nghi lễ triều đình quân chủ, gây "khó hiểu" cho các nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài khi đến tham quan, nghiên cứu điển lễ ở Thế miếu của Triều Nguyễn – triều đại từng tự hào Việt Nam là “Văn hiến thiên niên quốc” ở khu vực Đông Nam Á này.

Thế Miếu

Ở đây, chúng tôi thấy cũng cần phải nêu ra vấn đề ngự danh của Thế tổ triều Nguyễn, vị hoàng đế được tôn thờ tại gian chính giữa Thế Miếu.

- Căn cứ Đại Nam Thực Lục (Thực lục Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế) ghi rõ: “Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ 1 (1820), ngày mồng một tháng bảy, mùa thu, sai bộ Lễ gửi thêm chữ húy các liệt thánh cho địa phương. Vua dụ bộ Lễ: “Những chữ tôn húy gần đây của quốc triều, năm trước đã truyền bảo răn cấm: lúc đọc thì tránh âm, lúc làm văn thì đổi chữ khác, cộng có tám chữ:

•        Một chữ bên trái là chữ Nhật (日) bên phải là chữ Viên (爰) tức chữ Noãn (暖), khi viết văn đổi dùng chữ Úc (燠)

•        Một chữ bên trái là chữ Nhật (日) bên phải là chữ Ương (央) tức chữ Ánh (映), đổi dùng chữ Chiếu (照)

•        Một chữ bên trái là chữ Hòa (禾) bên phải là chữ Trọng (重) tức chữ Chủng (種), đổi dùng chữ Thực (植)

...”

Xem xét trong sách “Hoàng Triều Ngọc Điệp đệ nhị”mục “ Thế Tổ Ngọc điệp” ghi rõ:

“世祖開天弘道立紀垂統神文聖武峻德隆功至仁大孝高皇帝諱暖又諱映初睿宗孝定皇帝謂帝曰此字正中之象因名之. 又諱種乃興祖孝康皇帝之第三子母孝康皇后阮氏”

Âm cổ:

“Thế tổ khai thiên hoằng đạo lập kỷ thùy thống thần văn thánh vũ tuấn đức long công chí nhân đại hiếu Cao hoàng đế húy Noãn hựu Ánh, sơ Duệ tông Hiếu định hoàng đế vị đế viết thử tự vi nhật chính trung chi tượng nhân danh chi, hựu húy Chủng nãi Hưng tổ Hiếu khang hoàng đế(4) chi đệ tam tử Mẫu Hiếu khang hoàng hậu Nguyễn thị”

Nghĩa:

“Thế tổ khai thiên hoằng đạo lập kỷ thùy thống thần văn thánh vũ tuấn đức long công chí nhân đại hiếu Cao hoàng đế húy Noãn, lại húy là Ánh, ban đầu Hoàng đế Duệ tông Hiếu định bảo với Vua rằng chữ này (Ánh) là hình tượng mặt trời lúc ở giữa (đứng bóng) nên chọn đặt tên cho. Lại còn húy là Chủng - con thứ ba của Hoàng đế Hưng tổ Hiếu khang, mẹ là Hiếu khang hoàng hậu họ Nguyễn”. Tài liệu gốc, chính thống của Hoàng gia ghi như vậy nhưng thật đáng ngạc nhiên, xem trong sách “Nguyễn Phúc tộc thế phả” (NPTTP) của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (Nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế 1995) lại ghi: “Thế tổ Cao hoàng đế húy Nguyễn Phúc Anh 阮福映ngoài ra còn có tên Chủng và Noãn là con thứ 3 của Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng đế Nguyễn Phúc Côn và hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn. Ghi chú: Đức Thế tổ lúc nhỏ tên Chủng (種)sau đức Hưng tổ chọn một chữ trong bộ nhật để đặt tên cho con ngài gồm bên trái là chữ Nhật (日)bên phải là chữ Anh (英) (theo sử Quốc triều chính biên toát yếu), bản dịch Đại Nam thực lục chính biên của Viện Sử học Hà Nội thì chép bên trái là chữ Nhật (日) bên phải là chữ Ương (央).Nguyên hai chữ trên điều có cùng nghĩa cùng âm. Theo phiên thiết ở Khang Hy tự điển đọc là Ánh nhưng âm Anh nên  ngày trước đọc là Anh vì thế trong dòng họ đều kiên đọc trại chữ Anh thành yên, anh em thì đọc là yên em. Khi đức Duệ tông nuôi Ngài trong cung lại đặc tên Noãn(暖) và sau lấy tên này làm chính.Các sách sử triều Nguyễn đều ghi tên húy này đầu tiên”.

So với tài liệu chính thống được biên soạn từ thời vua Minh Mạng, có thể thấy sự ghi chú giải thích trong NPTTP hoàn toàn bị sai lầm. Như chúng ta biết, tên của Đế - Hậu là trọng húy, luật lệ bắt buộc không được đọc chính âm, viết văn phải đổi dùng chữ khác. Do đó, ngay đầu triều Gia Long, năm 1805, Vua truy tặng thụy hiệu cho Đông cung nguyên soái quận công Cảnh làm Anh Duệ Hoàng thái tử - 英睿皇太子. Đến triều Minh Mạng năm thứ 4 (1823), Vua ban cho phòng Anh Duệ Hoàng thái tử bài phiên hệ thi:

Âm cổ:

美麗英彊壯   Mỹ Lệ Anh Cường Tráng

聯輝發佩香   Liên Huy Phát Bội Hương

令儀咸巽順   Lệnh Nghi Hàm Tốn Thuận

偉望表謙光   Vỹ Vọng Biểu Khiêm Quang

Sau ngày vua Tự Đức băng hà, triều thần tôn miếu hiệu là “Dực tôn Anh Hoàng đế -翼宗英皇帝”, vì kiêng chữ Anh (英) (miếu húy)nên phòng Anh Duệ (英睿)phải đổi thành chữ Tăng Duệ (增睿), phòng Kỳ Anh Quận công thành Kỳ Phong Quận công(5),…Và từ thời điểm đó người ta mới gọi “anh em” thành “yên em”. Từ đầu triều Nguyễn vì kiêng húy chữ “Ánh” nên khi viết phải chuyển sang dùng chữ chiếu,…ngoài dân gian đổi âm ánh thành âm yến (yến sáng),…

Kết luận:

Thế Miếu (cùng Thái Miếu) đây là nơi thờ cúng theo điển lệ đại tự quan trọng nhất của triều Nguyễn cần phải bảo tồn đúng theo cách thức bài trí, nghi lễ thờ cúng đế vương. Nhằm phục vụ cho sự tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa cung đình cuối cùng thời quân chủ của Việt Nam, có khả năng xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể. Nếu mỗi thời cứ tùy tiện thêm bớt, thay đổi vì tình cảm riêng tư hay quan điểm chính trị thì di tích sẽ biến dạng, mất hết ‎‎ý nghĩa ban đầu của nó, công việc bảo tồn và phát huy di sản trở thành phản tác dụng vì làm cho nhiều người bị hướng dẫn giải thích sai lầm ‎ý nghĩa của người xưa muốn chuyển tải qua điển lễ thờ tự. Khiến cho người nước ngoài xem thường giá trị di tích lịch sử vì những điều sai trái, nhảm nhí của việc thờ cúng ngoài dân gian pha tạp chốn miếu đường. Đây là điều mà trong thực tế xảy ra ngày càng nhiều, trong việc quản l‎ý, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử ở nước ta hiện nay.

Chúng tôi thiết nghĩ nghiên cứu toàn diện, khoa học, đến nơi, đến chốn để điều chỉnh những điểm sai lầm trong các tài liệu, sử sách đã công bố vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan (do xuyên tạc lịch sử, thành kiến cá nhân, tầm nhìn hạn hẹp, kiến thức hạn chế, làm việc cẩu thả,…) là điều rất cần khuyến khích, hoan nghênh và ủng hộ. Bởi vì,thông qua các cơ quan chính quyền chuyên trách, các học giả, giáo sư, nhà nghiên cứu,…nếu có sự sai lầm, thiếu sót thì rất dễ phổ biến rộng rãi. Người sau nương theo sai lầm người trước để dần dần thành hiện tượng “đánh tráo quy chuẩn”  cái “sai lầm” sẽ khoát áo chính danh, đúng đắn và thành chuẩn mực để tham khảo trích dẫn.  Như trường hợp việc các Vua được thờ phụng trong Thế Miếu là theo điển chế và gia pháp triều Nguyễn do chính vua Minh Mạng quy định. Hay như trường hợp tên vua Thế tổ Cao hoàng đế được ghi rõ trong Hoàng triều Ngọc điệp, sau khi “Nguyễn Phước tộc thế phả” ra đời đã phổ biến dần trong học giới, nếu không công khai thảo luận để đi đến kết luận chính xác e rằng rồi đây Nguyễn Phước Ánh sẽ thành Nguyễn Phước Anh như trường hợp Nguyễn Phước Thái (溙) biến ra Nguyễn Phước Trăn (溱), Nguyễn Phước Luân (㫻) được cải biên thành Nguyễn Phước Côn vậy!

Theo điều khoản được ghi trong Hiến chương Venice: “Khái niệm di tích lịch sử không chỉ bao gồm công trình kiến trúc đơn thuần mà còn cả cảnh quan bên ngoài và bên trong, ở đó có thể tìm thấy được các chứng cứ của một nền văn minh đặc biệt, một quá trình phát triển quan trọng hay một sự kiện lịch sử.”(6)

Hiến chương Australia Icomos, Điều 8 ghi: “Bảo tồn đòi hỏi phải duy trì một cảnh quan thích hợp… Những việc xây dựng mới, phá hủy hoặc thay đổi có thể làm ảnh hưởng bất lợi đến cảnh quan đều không được phép.”(7)

Đó chính là sự thống nhất của cộng đồng quốc tế trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

TRẨN ĐÌNH SƠN


Ghi chú:

(1)     Đại Nam Thực lục, Đệ I kỷ - Quốc sử quán triều Nguyễn – Bản dịch Viện sử học, NXB Giáo dục Hà Nội 2002.

(2)     Minh Mạng Chính yếu, Quyển XI Lễ Nhạc –Quốc sử quán – Triều Nguyễn –Bản dịch Ủy ban dịch thuật, Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên xuất bản Sài Gòn 1974.

(3)     Đại Nam Thực lục, Đệ II kỷ - Quốc sử quán triều Nguyễn – Bản dịch Viện sử học, NXB Giáo dục Hà Nội 2002.

(4)     Căn cứ theo Hoàng triều Ngọc điệp Quyển II ghi: Hưng tổ Hiếu khang tên Nguyễn Phước Luân (㫻) còn có tên là Củ (椇) – Bản chữ Hán, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời Minh Mạng. Trần Đình Sơn dịch.

(5)     Triều vua Kiến Phước (1884), chuẩn theo lời đình nghị kiêng húy chữ “Anh” miếu húy của vua Tự Đức.Từ đó mới đổi tên thụy võ giai “Anh túc” sang “Cương túc”, “Anh dũng” sang “Cương dũng”, “Anh mại” thành “Cương mại”,...(Thực lục Giản tôn Nghị hoàng đế - Đệ ngũ kỷ), (Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ tục biên -  Phần kính húy)

(6)     Article 1. The concept of a historic monument embraces not only the single architectural work but also the urban or rural setting in which is found the evidence of a particular civilization, a significant development or a historic event. This applies not only to great works of art but also to more modest works of the past which have acquired cultural significance with the passing of time. (The Venice Charter 1964).

(7)     Article 8. Setting Conservation requires the retention of an appropriate visual setting and other relationships that contribute to the cultural significance of the place. New construction, demolition, intrusions or other changes which would adversely affect the setting or relationships are not appropriate.(The Australia ICOMOS Charter for Places of Cultural Significance 1999).

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Return to top