ClockThứ Ba, 08/11/2016 13:51

Ba thế hệ saxo

TTH - Ngôi nhà nhỏ của nghệ sĩ Nguyễn Hữu Lân ở phường Phước Vĩnh (TP. Huế) tràn ngập tiếng đàn. Kể từ đời cụ Nguyễn Hữu Vang, đến nay họ đã có ba thế hệ chơi nhạc. Nhiều người giỏi guitar và piano nhưng niềm đam mê cha truyền con nối của đại gia đình ấy là kèn saxophone.

Cụ Nguyễn Hữu Vang, cây saxo lừng danh một thời ở Huế  (Ảnh tư liệu)  

Anh Lân bắt đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm về người cha của mình-cụ Nguyễn Hữu Vang, một tay chơi saxo có tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Thời ấy, ông Vang được sang Pháp học trường nhạc tại Paris về chuyên ngành saxo. Trở về nước, ông sống bằng nghề dạy kèn, thổi saxo cho các quán bar, phòng trà…Khi ấy, cả nước chỉ có có 3 đội kèn ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Ông Vang là một trong những thành viên đầu tiên của đội kèn ở Trung kỳ, được thành lập khoảng năm 1942.

Trong ký ức, anh Lân vẫn còn nhớ những năm tháng được cha dạy kèn từ nhỏ. Cụ Vang có 12 người con và anh Lân là thứ mười. Sinh thời, dù bận rộn mưu sinh nhưng cụ Vang khi ấy thường dành thì giờ để truyền nghề cho các em và các con. Với lối dạy khoa học, nghiêm cẩn, cụ Vang đã rèn cho cả gia đình thành những người chơi kèn giỏi cả nhạc lý lẫn kỹ thuật. Ngoài saxo, cụ Vang còn định hướng cho con cháu học thêm các nhạc cụ bổ trợ khác. Vì thế, các em của cụ như ông Nguyễn Hữu Chuyên, Nguyễn Hữu Oai, Nguyễn Hữu Mầu…đều là những tay guirta tiếng tăm. Thế hệ các con của cụ sau này cũng đều am tường về kèn và rành rẽ một số nhạc cụ. Riêng anh Nguyễn Hữu Phú từng đoạt huy chương vàng độc tấu kèn saxo alto tại liên hoan các ban nhạc toàn quốc ở Hà Nội năm 1981. Lúc ấy, anh Phú là trưởng ban nhạc Hương Giang của Sở Văn hóa - Thông tin Bình Trị Thiên. Nói về gia đình, điều anh Lân tự hào chính là truyền thống âm nhạc. Các anh trai như Nguyễn Hữu Ánh, Nguyễn Hữu Phú, Nguyễn Hữu Tân…đều là những tay guirta cự phách, từng theo học nhạc viện Sài Gòn, Nhạc viện Huế. Những người con khác của cụ Vang cũng được học guirta, piano từ gia đình. Thế nhưng, như lời dạy của cụ Vang, dù học gì, làm gì, bất cứ thành viên nào của gia đình Trần Hữu cũng phải biết chơi kèn. Bởi vậy, ba thế hệ chơi kèn của họ đến nay có đến mấy chục người đang sống với cây kèn saxo ở Huế, Sài Gòn, Mỹ…

Anh Nguyễn Hữu Lân và con trai Nguyễn Hữu Thắng (bên trái) - thế hệ saxo thứ ba. Ảnh: K.O

Như một lẽ thường, từ nhỏ, anh Lân đã biết thổi kèn. Sau này, nghề saxo đưa đẩy anh qua nhiều cung bậc cuộc đời. Anh từng đầu quân cho đoàn cải Lương Sông Hương thời Bình Thị Thiên. Rồi hàng chục năm di đạy kèn cho các giáo xứ các tỉnh thành Hải Phòng, Nghệ An. Có khi được mời về truyền nghề cho những tay kèn trẻ ở làng An Bằng (Phú Vang)... Nhiều thế hệ sinh viên âm nhạc ở Huế là học trò tại gia của anh trong các khóa luyện thi. “Thổi kèn không dễ. Phải luyện hơi kỳ công như ca sĩ luyện thanh. Biết chơi thì không khó nhưng để chơi cho ra hồn, phải mất hàng chục năm rèn luyện”, anh Lân bộc bạch.

Cái kỳ công ấy, cộng với giá không hề rẻ, mất hàng chục triệu đồng cho một cây kèn tốt nên thú chơi saxo khá hiếm, không phổ biến. Để giữ được đam mê, gia đình anh Lân chủ yếu sống bằng nghề gia sư, dạy guirta, piano, organ tại gia cho các thế hệ.

Cũng như một lẽ thường trong gia tộc, năm người con của anh Lân cũng được cha dạy kèn từ nhỏ. Bốn cô con gái thì 3 người dạy nhạc ở trường học. Cậu con trai út vừa tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành piano. Nhưng tất cả đều biết và mê kèn. Có dịp, sáu cha con lại cùng diễn.

Mấy năm trở lại đây, anh Lân thành lập đội kèn gia đình, với khoảng 16 thành viên, phần lớn là sinh viên, học sinh. Để rèn nghề và có thêm đồng ra, đồng vào, đội kèn thi thoảng phục vụ đám cưới, hiếu hỷ hay ở phòng trà.

Ngoài công việc dạy nhạc, biểu diễn, anh Lân có thêm niềm vui khác là mỗi năm tổ chức một đêm nhạc gia đình. Đêm nhạc Hoàng Lân (nghệ danh của anh) thường công bố những ca khúc mới do anh sáng tác và dĩ nhiên tiết mục không thể thiếu là hợp xướng kèn. Tiền bán vé đêm nhạc được dành tặng quà tết cho người nghèo. ‘‘Năm ngoái, đêm nhạc tặng được gần 70 phần quà cho bà con nghèo. Không nhiều nhặn gì nhưng cũng mong có chút quà để ấm lòng bà con”, anh Lân bộc bạch.

Đó cũng là đêm nhạc thứ 10 của gia đình nghệ sĩ Nguyễn Hữu Lân, với tâm niệm, mang một chút vui cho đời. Như lời dạy của cụ Vang, thế hệ con cháu của cụ đã biết nâng niu âm nhạc, như một sợi dây gắn bó gia đình và để yêu thương cuộc đời cùng những ban nhạc gia đình khá hy hữu ở Huế.

KIM OANH 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nơi dành cho bạn trẻ yêu đàn ukulele

Cứ mỗi tối chủ nhật hằng tuần, những người trẻ “phải lòng” tiếng đàn ukulele tụ tập lại để cùng ngân vang những bản nhạc réo rắt, trong trẻo ở góc phố đêm Nguyễn Đình Chiểu.

Nơi dành cho bạn trẻ yêu đàn ukulele
Bạn trẻ mê học nhạc

Đam mê âm nhạc, nhiều bạn trẻ tìm học nhạc cụ để thỏa mãn niềm hăng say làm chủ “ngôn ngữ chung của nhân loại” này.

Bạn trẻ mê học nhạc
Return to top