ClockThứ Sáu, 10/07/2020 06:30

“Bắc cầu” cho doanh nghiệp khoa học công nghệ

TTH - Doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ (KHCN) được xác định có vai trò dẫn dắt, tạo đột phá trong kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực này ở Thừa Thiên Huế quá khiêm tốn.

Nghiên cứu ứng dụng cơ khí - công nghệ đáp ứng công nghiệp 4.0Nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Áp dụng công nghệ nuôi tôm sạch ở xã Vinh Xuân (Phú Vang)

DN KHCN còn ít

Ra đời khá sớm nhưng vào đầu năm 2018, Công ty TNHH Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và Môi trường An Sinh (Công ty An Sinh) ở Thủy Dương, TX. Hương Thủy mới được công nhận DN KHCN. Các mặt hàng chính của Công ty An Sinh là vữa chống thấm bê tông; khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch; xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy hải sản; máy vớt bèo tây... Đặc biệt, trong các sản phẩm trên có hệ thống lọc nước sạch là sản phẩm đã đăng ký, được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích từ năm 2013 đã chuyển giao ứng dụng khá hiệu quả không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà ở Bình Thuận, Hà Tĩnh. Tuy vậy, do nguồn nhân lực mỏng, thiếu vốn nên hoạt động sản xuất của công ty vẫn dừng ở mức nhỏ lẻ.

Ông Trần Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty An Sinh chia sẻ, hiện khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng và nguồn vốn để hoạt động sản xuất. Công ty An Sinh cần sự hỗ trợ từ các ban ngành chức năng để có điều kiện xây dựng mặt bằng nhà xưởng để sản xuất cũng như nghiên cứu các giải pháp công nghệ nhằm chuyển giao cho đối tác có nhu cầu.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Minh Nhật Việt (18 Hùng Vương, TP. Huế) cũng mới được công nhận DN KHCN vào đầu năm 2020. Hiện nay ngoài công tác nghiên cứu các giải pháp công nghệ, công ty này đã cung cấp dịch vụ cho ngành chăn nuôi, nhất là nguồn thức ăn và vắc xin phòng ngừa bệnh dịch cho gia súc gia cầm. Đây là một trong sản phẩm có thế mạnh cung cấp cho nông gia trại lớn ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Bà Đinh Thị Bích Lân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Minh Nhật Việt chia sẻ, khi được chứng nhận là DN KHCN đã tạo động lực thúc đẩy DN phát triển. Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ DN KHCN vẫn chưa thật sự bắt đúng mạch, hỗ trợ đúng những gì mà DN KHCN cần, như vốn, đầu ra cho sản phẩm, kênh thông tin cho người tiêu dùng, chứng nhận chất lượng sản phẩm… Do đó, ngoài các DN có năng lực, tự nghiên cứu, tự tìm thị trường và đối tác, thì rất nhiều các DN có ứng dụng KHCN vẫn gặp khó khăn khi họ phải tự tìm kiếm lối đi riêng...

Những khó khăn trên nên hiện trên địa bàn Thừa Thiên Huế với 6.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động nhưng chỉ có 3 DN được công nhận DN KHCN, là Công ty An Sinh; Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Kỹ thuật CSC (P. Vĩnh Ninh, TP. Huế); Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Minh Nhật Việt.

Theo các chuyên gia lĩnh vực KHCN, nguyên nhân DN KHCN ở địa phương ít bởi họ chưa quan tâm đến các chính sách của hoạt động KHCN, cũng như đăng ký thành lập DN KHCN. Tại các hội nghị, hội thảo khoa học gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, để công nhận DN KHCN vô cùng khó. Đặc biệt, khi đã vào vườn ươm hay đăng ký độc quyền sáng chế, DN phải khai báo chi tiết về công nghệ, mô tả sáng kiến của mình nên rất dễ bị mất thông tin, bí quyết quy trình công nghệ. Bên cạnh đó, DN chưa thấy được nhiều lợi ích khi được công nhận là DN KHCN, kể cả việc miễn giảm thuế....

Tạo môi trường để DN lớn mạnh

Ông Ngô Thuần, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành, Sở KHCN chia sẻ, ưu tiên hàng đầu hiện nay là khơi thông các nguồn lực để đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ DN nhằm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, hệ thống chính sách pháp luật về DN KHCN đang từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là Nghị định số 13 về DN KHCN được Chính phủ ban hành tháng 3/2019. Theo Nghị định này, điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận DN KHCN nhanh chóng, đơn giản hơn theo cơ chế hậu kiểm; căn cứ công nhận được mở rộng hơn về phạm vi lĩnh vực công nghệ và về loại hình kết quả nghiên cứu do tư nhân đầu tư nghiên cứu phát triển. Cơ chế ưu đãi cũng đã rõ ràng, minh bạch hơn, như miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và hưởng thuế thu nhập DN 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận DN KHCN. Các DN KHCN còn được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và một số ưu đãi khác...

Ưu đãi về chính sách đã có nhưng thực tế nêu trên, số lượng DN KHCN ở Thừa Thiên Huế còn quá ít. Để tạo môi trường cho DN KHCN lớn mạnh, tạo vai trò dẫn dắt, nối cầu đưa KHCN đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay Sở KHCN đang có nhiều chương trình kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình DN KHCN; tạo diễn đàn để các DN trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển; đơn giản hóa thủ tục thành lập DN KHCN…

 “Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, các DN cũng cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KHCN, các DN trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KHCN để xây dựng và phát triển DN KHCN bền vững”-ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở KHCN chia sẻ.

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

TIN MỚI

Return to top