ClockThứ Năm, 25/04/2013 11:09

“Bạc mặt” vì vàng

TTH - Lâu nay, nhiều người dân thường có thói quen "bỏ ống" dưới dạng vàng, vừa chắc ăn lại có lời, bởi giá kim loại quý hiếm này luôn tăng. Thói quen này giờ khiến không ít người thấp thỏm lo âu.

Như ngồi trên đống lửa cả tuần nay, chị T và chồng (ở bờ Bắc sông Hương) đang bàn tính: Có nên bán vàng để xây nhà? Bán cũng sợ, ôm vàng cũng không yên, khi kênh đầu tư lý tưởng này đang “đứt phanh”. Chỉ tính trong 5 phiên giao dịch gần nhất, mỗi lượng vàng cũng rớt giá gần 3 triệu đồng. Trong khi hai vợ chồng còn trong tay gần 10 lượng vàng, mới tính sơ qua cũng “bốc hơi” mất khoảng 30 triệu đồng. Tích lũy từ nhiều năm qua, cùng với sự hỗ trợ của gia đình hai bên, vợ chồng chị T mua được lô đất trên dưới 100m2 ở Trường Bia, giờ chỉ còn xây nhà để ở. Cách đây một thời gian, sốt ruột vì vàng xuống giá, từ đỉnh cao 48-49 triệu đồng xuống quanh mốc 43-45 triệu đồng/lượng, hai vợ chồng quyết định bán dần để xây nhà. Họ nhẩm tính, xây nhà hai tầng, hết khoảng nửa tỷ đồng, cộng với phát sinh, vị chi khoảng 600 triệu đồng, ngang đâu tính đó. Giờ họ đứng ngồi không yên, bởi số vàng chắt chiu lâu nay “bốc hơi” hơn một lượng vàng. Bán ra sợ vàng lên, mà không bán sợ vàng còn giảm tiếp.

Người dân đến mua vàng ở hàng vàng chợ Bến Ngự (ảnh chụp vào lúc 11h ngày 24/4/2013). Ảnh: Minh Phương

Không như trường hợp chị T, song anh H (ở ngay trung tâm TP Huế) cũng đang như lửa đốt. Anh H mua tích cóp được vài chục lượng vàng thời giá 15-20 triệu đồng/lượng. Khi vàng lên đỉnh điểm 48-49 triệu đồng/lượng, anh cũng định bán để mua nhà, song do giá nhà đất vẫn cao nên anh chờ bất động sản giảm tiếp với nhận định vàng khó giảm, thậm chí có thể tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chìm ngập trong khủng hoảng. Anh nhẩm tính, nếu bán vàng khi đó cũng thu về gần 1,5 tỷ đồng để mua nhà, song với giá vàng hiện tại anh thất thu khoảng 20%. Những người thiệt hại như chị T, anh H rất nhiều, đặc biệt là với cá nhân không quen đầu tư, làm được đồng nào là mua vàng đồng đấy. Song, tổng giá trị và tốc độ thiệt hại của họ vẫn rất nhỏ so với con số thua lỗ mà các “ông lớn” nhà băng, doanh nghiệp mua đấu thầu vàng gần đây. Trong 9 phiên đấu thầu vừa qua, các ngân hàng và doanh nghiệp mua hơn 6 tấn vàng từ Ngân hàng Nhà nước, giá phần lớn trên 43 triệu đồng/lượng, cao hơn nhiều so với mức giá 38,8 triệu đồng/lượng doanh nghiệp mua vào trên thị trường giữa tháng 4/2013. Con số thua lỗ lên tới cả nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, quyết định mua vàng của các tổ chức này lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Chuyện tích lũy vàng của người dân ai cũng biết. Thói quen đem vàng về cất giữ hình thành từ nhiều thập kỷ qua. Để tránh sự lãng phí này, gần đây, Ngân hàng Nhà nước có cả một đề án bình ổn thị trường vàng và huy động vàng trong dân. Kế hoạch này đang được thực hiện từng bước với việc yêu cầu các ngân hàng thương mại ngưng huy động vàng và tất toán trạng thái vàng (hạn mới là cuối tháng 6/2013). Đồng thời, cơ quan này cũng liên tục tổ chức đấu thầu để cung ứng vàng ra thị trường. Nỗ lực là vậy và được nhiều chuyên gia đánh giá là “đúng hướng”, song trên thực tế tới thời điểm này, Nhà nước vẫn chưa hút được nguồn lực khổng lồ này và giá vàng trong nước vẫn vênh cao so với thế giới 5-6 triệu đồng/lượng.

Theo các chủ tiệm vàng trên địa bàn và các chuyên gia, cần có “độ trễ” để kéo giá vàng trong nước gần với giá thế giới. Điều này có thể đúng, bởi đây vẫn là thời kỳ cao điểm để các ngân hàng thực hiện yêu cầu tất toán vàng. Tuy nhiên, thực tế giao dịch trên thị trường cũng cho thấy, ngân hàng đang mua vào nhưng người dân cũng không bán ra-một chủ tiệm vàng trên đường Trần Hưng Đạo tiết lộ. Ngay cả với những người có hiểu biết và những “ông lớn” trên thị trường cũng giữ vàng. Sai lầm của các ngân hàng, doanh nghiệp trong những phiên giao dịch gần đây cũng phần nào cho thấy điều này. Nhưng đó là phản ứng của thị trường. Có lẽ, không quá khó hiểu khi người dân cứ nhất nhất giữ vàng, bởi nền kinh tế trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung có nhiều điều khó lường.

Một nhà đầu tư ở Huế phân tích: Lạm phát, sự mất giá của đồng tiền, sự trắng đen lẫn lộn của thị trường chứng khoán... khiến nhiều người không dám cầm tiền. Trong khi đó, không phải ai cũng biết đầu tư và rủi ro do đầu tư đem lại. Vì thế, nắm giữ vàng vẫn chắc thắng, mà chục năm qua đã chứng minh điều này là đúng. Nhiều người sẵn sàng cho người thân vay vàng không lãi còn hơn cho vay tiền mặt với lãi suất ngân hàng. Ngược lại, có người vay vàng để sản xuất kinh doanh, để xây nhà, mua nhà, tiêu dùng... trong một vài năm trước đây đã bị thiệt hại nặng nề và họ cũng “bạc mặt” với vàng...

Bạch Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Return to top