ClockChủ Nhật, 18/02/2018 11:41

Bác sĩ của cún

TTH - Với những bệnh nhân cún, B.S, Th.S thú y Hoàng Chung, giảng viên thực hành Khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường đại học Nông lâm Huế không chỉ hết lòng chữa bệnh mà còn cưu mang, yêu thương khi các “bé” bị lạc, bị bỏ rơi.

Mất chó thương... mèo

Bác sĩ Chung với bệnh nhân. Ảnh: Anh Xuân

Ngoài giờ làm việc, điện thoại của Chung reo liên tục. Đó là những cuộc gọi của các “gia chủ”, yêu cầu anh đến chữa bệnh tại nhà cho chú chó cưng. Bắt bệnh. Cấp cứu. Điều trị. Phẫu thuật. Đỡ đẻ... Một ngày chạy ngược chạy xuôi chữa bệnh cho các chú chó kết thúc vào hai, ba giờ sáng không còn là hiếm đối với Chung. Thâm niên chữa bệnh cho cún cưng càng lâu, tình yêu thương mà chàng bác sĩ thú y 33 tuổi dành cho bạn của con người càng đậm.

“Bà đỡ”

Năm 2009, Chung mới tốt nghiệp ra trường một năm rưỡi, là giáo viên thực hành còn rất trẻ. Một hôm, đang trực tại bệnh xá thú y của trường, Chung tiếp nhận “sản phụ cún” là con chó fox trong tình trạng sinh khó. Một chú chó con thòi đầu ra khỏi bụng mẹ, đã chết. Chó mẹ thở nặng nhọc, vẻ đau đớn. Không có người phụ, nhưng phải mổ gấp, nếu không tính mạng của chó mẹ và các chú chó còn lại trong bụng sẽ nguy hiểm. Ông chủ của fox luôn miệng ra chiều lo lắng căng thẳng: “Mổ hắn chết răng”? Chung trấn an:  “Chú yên tâm”! Chủ nó vẫn hoài nghi: “Mi mặt búng ra sữa, mổ xẻ chi”? Thêm lần nữa, Chung khẳng định sẽ chịu trách nhiệm về “ca” này rồi bắt tay gây mê mổ gấp.

Chủ fox bên ngoài ló đầu nhìn vào, thấy Chung mở ổ bụng thú cưng của mình, mặt mày tái xanh tái xám, lắp bắp: “Mổ ri chết chó tau rồi”! Sau khi lấy cún con còn lại trong bụng mẹ fox ra ngoài an toàn, khâu vết thương và dùng đèn điện sưởi ấm, Chung thở phào nhẹ nhõm, ra gọi bác chủ. Thế nhưng, người này đã bỏ đi từ lúc nào. Dán thông báo: “Đã cứu sống thành công mẹ con fox, đề nghị chủ nuôi đến nhận” trước cổng bệnh xá một tuần, nhưng người đàn ông hôm trước vẫn “một đi không trở lại”.

Bác sĩ Chung hướng dẫn cho sinh viên thực hành. Ảnh: Anh Xuân

Chung đưa hai mẹ con fox về nhà nuôi. “Khi cún con cứng cáp, tôi để một người có tình yêu thương đối với chó mèo nhận về chăm sóc. Còn chó mẹ vẫn ở cùng gia đình tôi từ đó đến nay. Đối với nó, tôi chính là người thân nhất. Và tôi cũng nặng tình cảm với nó”. Chung chia sẻ, tiêm chích, mổ xẻ cho hàng ngàn ca bệnh chó mèo, nhưng mỗi lần con fox này bệnh, anh không tự tay tiêm thuốc được, vì “phần thì hắn giận lẫy, mắt rưng rưng nhìn tôi, miệng la làng, phần thương quá nên... run”. Fox có thai, đẻ mổ, Chung phải nhờ đồng nghiệp mổ giúp, còn mình đứng phụ mà vẫn... run.

Những “ca” đặc biệt

Cách đây mấy năm, Chung tiếp nhận ca bệnh rất đặc biệt. Đó là chú chó bị xe tông nát chân, máu chảy đầm đìa. Người đưa “bệnh nhân” đến bệnh xá thú y không phải là chủ của nó mà chỉ là một người qua đường làm nghề chạy xe thồ, thấy thương. Nghe bác xe thồ nói giọng khẩn khoản, nhờ bác sĩ cứu con chó kẻo nó chết, tội nghiệp, ngoài trách nhiệm chuyên môn của một bác sĩ thú y (BSTY), Chung còn tự nhủ phải cố hết sức đối với “bệnh nhân” này để đáp lại một tấm lòng nhân hậu. Sau khi thăm khám, Chung buộc phải tháo khớp bả vai. Trước khi Chung tiến hành gây mê, bác xe thồ mua sữa cho chú chó. Vừa liếm sữa, chú ta vừa nhìn hai người bằng ánh mắt biết ơn, như thể hiểu được đây là những ân nhân cứu mạng.

Phẫu thuật thành công. Bác xe thồ đưa Chung 100 nghìn đồng, bảo: “Bác không nuôi được, bác chỉ có chừng ni trả viện phí, thiếu thì con bù vô cho hắn”. Chung thương nên bảo bọc cho chú chó chỉ còn 3 chân. “Nhà của nó là khu vực khoa. Tôi tiếp tục điều trị vết thương, chăm sóc chừng 6 tháng. Hàng ngày tôi mang thức ăn đến. Món khoái khẩu của nó là cháo lòng. Hễ thấy bóng dáng, hoặc nghe tiếng xe của tôi từ xa, nó đã mừng quýnh, vẫy đuôi rối rít, cười “híp mắt”. Chung lại trở thành “người thân” của một chú chó kém may mắn. “Về sau có bác làm nghề đạp xích lô, được một gia đình thuê đưa cún cưng của họ đến bệnh xá thú y chữa bệnh. Suốt tuần liền, ngày nào chở “khách” đến, bác cũng mua đồ ăn cho chú chó 3 chân và vuốt ve, chơi đùa với nó. Quan sát bác xích lô có tình thương yêu động vật, tôi gửi gắm bác chú chó, để nó có một mái ấm thực sự. Hôm chia tay, mắt nó rưng rưng, quyến luyến không chịu rời”, Chung thuật lại.

Thâm niên chữa bệnh cho cún cưng càng lâu, tình yêu thương chàng BSTY dành cho “bạn của con người” càng sâu đậm. Nhiều người yêu thương động vật, mỗi lần cứu những chú chó ghẻ lở, bệnh nặng bị bỏ rơi đều “a lô” hoặc đưa cún bệnh đến nhà riêng BSTY Hoàng Chung. Đối với những “ca” này, Chung miễn phí tiền công lẫn tiền thuốc. Đáng nhớ nhất là trường hợp chú chó có bộ lông màu bạc (nên được gọi là Bạc), bị khối u đầy người, kiệt sức, bị bỏ rơi ở khu vực xã Thủy Thanh (Hương Thủy), được thanh niên hảo tâm tên Sơn cứu. Anh Sơn đưa nó đến nhà Chung hơn mười giờ đêm. Ca mổ bắt đầu từ 0 giờ cho đến 3 giờ sáng thì thành công. Hai tuần điều trị, ca mổ lần hai tiếp tục. Đến bây giờ, Bạc đã được phẫu thuật 3 lần. Khối u mỗi lần cắt bỏ nặng hơn 1kg. “Sức khỏe của Bạc tốt hơn nhiều. Sức sống của nó thật kiên cường. Nó sống vui vẻ bên những người cưu mang tốt bụng”.

Chung chia sẻ: “Có khi đang trên đường chạy đến chữa bệnh cho cún này lại nhận điện thoại “ca” khác nặng hơn, tôi và học trò phải đổi lộ trình. Rồi những cuộc gọi giữa đêm, những lời kêu cứu khi tiết trời bên ngoài giá rét... tôi lập tức xách xe, đến với các bệnh nhân của mình”...

Nhìn các “bé” cún mạnh khỏe vui đùa trở lại, với tôi, đó là niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những trái tim ấm áp

“Mọi người ơi giúp em với. Ngã từ độ cao 1 mét xuống đất, “bé” mèo Mun nhà em không đứng dậy, đi lại được nữa. Em lại là người khuyết tật, không thể tự đi ra ngoài, cầu xin sự giúp đỡ của mọi người”.

Những trái tim ấm áp
Phải có quy định phương thức xét tuyển riêng đối với ngành Y

Tại hội nghị góp ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH diễn ra vào chiều 21/8, GS. TS Phạm Văn Lình - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y dược Cần Thơ bày tỏ băn khoăn về chất lượng đào tạo ngành Y dược.

Phải có quy định phương thức xét tuyển riêng đối với ngành Y

TIN MỚI

Return to top