ClockThứ Sáu, 25/03/2011 05:10

Bác sĩ của dân bản

TTH - Bác sĩ Lê Tấn Dũng, 34 tuổi, hiện là Trưởng trạm Y tế xã Thượng Long, Nam Đông. Năm 1998, tốt nghiệp Trường trung cấp Y tế tỉnh, anh tình nguyện lên Nam Đông để chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng sâu, vùng xa. 12 năm qua, cùng đồng kham chịu khổ với đồng bào dân tộc, anh đã góp phần lớn trong công tác khám chữa bệnh, nâng cao sức khoẻ người dân, và xây dựng thành công xã đạt chuẩn quốc gia về y tế ở Thượng Long.

Từ giã thành phố, lên với vùng cao

Dũng chở tôi bằng xe máy lên Nam Đông công tác. 5h30, chúng tôi khởi hành. Với đoạn đường khá dài, nhìn Dũng nhỏ con, ban đầu, tôi không yên tâm khi ngồi sau xe Dũng. Nhưng khi đi được một lúc thì tôi đã không còn lo lắng vì tay lái vững vàng của Dũng. Xe chúng tôi chạy gần đến chân đèo La Hy, bỗng nhiên Dũng vội vàng phanh xe lại. Vừa lúc mấy hòn đá to tướng từ trên núi lăn xuống ngay trước mặt. Tôi hoảng hồn, suýt chút nữa là chúng tôi gặp nạn. Không chết, cũng chấn thương sọ não chứ chảng đùa! “Họ đang lấy đá để làm đường, có cắm cờ báo hiệu, nhưng em mải nói chuyện nên quên để ý từ xa”. Dũng trấn an tôi. “Thế này ăn thua gì. Cơn bão tháng 10-2006 vừa đổ bộ vào Thừa Thiên Huế tối hôm trước, sáng hôm sau em đã dậy từ 4 giờ sáng để lên xem trạm có bị gì không. Cả nhà em ai cũng đứng, ngồi không yên. Khi em lên đến nơi, điện thoại về, mẹ và vợ em (khi ấy mới sinh con được 3 ngày) mới bớt lo” - Dũng nói.
Thời gian này, Dũng đang học thêm chương trình bác sĩ gia đình do Trường đại học Y Dược Huế đào tạo nên mỗi tuần chỉ lên Nam Đông được 2 ngày, đây là 2 ngày Dũng vất vả nhất. Phải giải quyết các công việc trong tuần qua, sau khi kiểm tra sổ sách, tình hình hoạt động của trạm, Dũng tham gia khám bệnh. Hình như cố ý chờ bác sĩ Dũng nên những ngày cuối tuần, bà con đến khám khá đông. Thấm thoắt vậy mà 12 năm đã trôi qua. Dũng bồi hồi nhớ lại ngày mới tốt nghiệp Trường trung cấp Y tế Huế, mẹ Dũng cũng là cán bộ ngành y, có thể xin cho Dũng một công việc ở Huế. Dũng mồ côi cha, chị gái lấy chồng, em trai đi làm ăn xa tận trong nam. Chỉ còn mỗi mình Dũng trong gia đình, Dũng cũng muốn ở lại Huế để được gần gũi, chăm sóc mẹ. Nhưng sau khi gặp bác sĩ Hồ Thư, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đông, Dũng bỗng thay đổi ý định.

Bác sĩ Dũng đang khám bệnh cho người dân
Ngày ấy, Nam Đông thiếu cán bộ y tế trầm trọng. Dũng muốn góp sức mình để giúp người dân thiểu số nâng cao sức khỏe. Biết vậy, ban đầu mẹ Dũng không đồng ý. Dũng vốn sức khoẻ không được tốt, cả đời sống trong vòng tay mẹ. Bây giờ đến một nơi đầy khó khăn, thiếu thốn mọi thứ, làm sao bà có thể yên tâm được? Thấy mẹ buồn, Dũng bảo: “Bây giờ mẹ vẫn còn khỏe mạnh, có thể tự chăm sóc bản thân mình được. Con chỉ đi vài năm, khi mẹ già yếu, con sẽ trở về. Mẹ hãy cho con được làm nghĩa vụ của người thanh niên. Con không thể yên tâm khi biết rằng bà con ở những nơi khó khăn đang cần đến những người như con”. Nghe Dũng nói thế, mẹ Dũng đành để con trai dấn thân.
Vượt khó
Nơi Dũng đặt chân đầu tiên ở Nam Đông là Trạm Y tế xã Hương Hoà.Vào thời điểm năm 1998, Dũng là cán bộ y tế người Kinh đầu tiên đến với đồng bào ở địa phương này. Ở đây, gia đình người dân sống rất xa nhau. Khoảng 300 m mới có một ngôi nhà. Trạm Y tế Hương Hoà cũng heo hút, vắng vẻ, ở rất xa nhà dân. Đang ở thành phố đông vui, lên đây Dũng bị hẫng hụt và dường như bị sốc! Ban ngày khám bệnh, ban đêm một mình, dưới ngọn đèn dầu leo lét, nằm nghe tiếng thú rừng kêu, Dũng luôn sống trong cảm giác cô đơn, có lúc sợ hãi. Đèn không đủ sáng để đọc sách. Không có ti vi, không có phương tiện nghe, nhìn, Dũng mù tịt mọi thông tin. Lần đầu tiên xa nhà, người thanh niên 21 tuổi cứ luôn nhớ nhà, nhớ mẹ. Đi xa rồi mới thương mẹ vô cùng. Nhỡ đêm hôm mẹ bị đau ốm, không có ai chăm sóc thì biết làm sao? Dũng chỉ muốn bỏ việc để về lại Huế, nhưng chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân, cơm không đủ ăn, đau ốm không có tiền mua thuốc chữa bệnh, Dũng không còn ý định trở lại Huế nữa.Với mức lương ít ỏi, Dũng chi tiêu tằn tiện, bớt lại tiền để mua bông băng, thuốc đỏ giúp bà con chữa bệnh. Lần đầu tiên, người dân Hương Hoà nhìn thấy một cán bộ y tế miền xuôi xách chiếc cặp đựng vác xin đến từng gia đình để tiêm chủng cho trẻ em và cho người dân uống thuốc phòng dịch tả thì cảm động lắm. Ban ngày, Dũng bận rộn sơ cứu, chữa bệnh thông thường cho dân. Ban đêm, Dũng lại đến từng nhà để vận động họ mỗi khi đau ốm nên đến trạm y tế khám chứ không nên đi cúng ma, cúng giàng. Chính nhờ sự tận tụy, hết lòng với dân bản nên họ đã nghe theo Dũng. Mỗi khi đau ốm, họ lại đến với trạm y tế của cán bộ Dũng.
Khi đã “bén duyên”với người dân Hương Hòa, củng cố được trạm y tế, năm 2000, Trạm Y tế xã Thượng Quảng thiếu trạm trưởng. Đây là địa phương xa nhất và còn nhiều khó khăn của huyện Nam Đông. “Chỉ có Dũng mới đảm đương được trách nhiệm này”. Hễ chỗ nào khó khăn, cần người “chỉ huy” là bác sĩ Hồ Thư, Trung tâm Y tế Nam Đông lại nghĩ đến Dũng, và ông đã điều Dũng về Trạm Y tế xã Thượng Quảng. Lần này Dũng lại tiếp tục đương đầu với những khó khăn: Không điện, không có nước sinh hoạt. Đường đi chỉ toàn ổ voi, sỏi đá. Cả trạm chỉ có 2 cán bộ, Dũng và một nữ hộ sinh. Đúng thời điểm Dũng về, cán bộ nữ hộ sinh đi tập huấn 3 tháng. Vậy là Dũng phải làm tất cả mọi việc của trạm y tế. Dũng đã vượt qua những khó khăn để giúp người dân nơi đây cải thiện sức khỏe. Giải quyết nước sinh hoạt bằng cách nhờ vào nhà dân. Khi có tiền thì mua. Không có tiền thì xin. Không có điện, ban đêm Dũng vẫn thực hiện đỡ đẻ cho sản phụ bằng cách dùng đèn pin. Cứ mỗi ca đẻ, Dũng lại huy động 4 cây đèn pin của người nhà bệnh nhân để làm ánh sáng thay điện. Cứ như vậy, không biết bao nhiêu cháu bé ra đời an toàn dưới bàn tay khéo léo của “bác” Dũng. Dũng hầu như không có thời gian cho riêng mình. Ngoài khám, điều trị bệnh, Dũng còn vận động nhân dân thực hiện các chương trình y tế địa phương, quốc gia chính sách sinh đẻ kế hoạch, giữ gìn vệ sinh môi trường...
Khát khao được cống hiến, chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng cao, anh muốn học cao hơn để có kiến thức điều trị bệnh. Năm 2001, Dũng thi đỗ vào Trường đại học Y Huế (Bây giờ là Đại học Y Dược Huế), hệ đại học tập trung 4 năm. Sau 4 năm học, Dũng về làm việc tại Khoa Nội, Trung tâmY tế huyện Nam Đông. So với xã Thượng Quảng thì cuộc sống ở đây là thiên đường! Tháng 11- 2004, khi dự tổng kết công tác y tế của nghành y tế huyện Nam Đông. Một báo cáo của xã Thượng Long, địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện đã làm lòng Dũng đau nhói. 48% tỷ lệ trẻ em ở xã này bị suy dinh dưỡng (SDD). Ngay sau đó, Dũng đề nghị bác sĩ Hồ Thư, Giám đốc Trung tâm Y tế Nam Đông chuyển anh lên công tác ở xã Thượng Long với mong muốn góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy đinh dưỡng. Đúng lúc xã Thượng Long đang thiếu bác sĩ làm trưởng trạm. Một lần nữa, Giám đốc Hồ Thư lại điều động nhân viên “cưng” của mình về công tác ở địa phương thuộc vùng xa thứ nhì, sau xã Thượng Quảng. Tháng 11-2005, Dũng rời bỏ “ thiên đường” mà anh vừa dừng chân đúng 6 tháng để về làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Long. Lần này thì Dũng đã hoàn toàn yên tâm vì mẹ anh ở nhà đã có con dâu chăm sóc. “Bảy năm sau khi đi làm tôi mới cưới vợ. Vậy mà lúc ấy trong túi không có lấy một xu. Phải vay nợ ngân hàng để cưới đó. Vừa cả cưới vợ lẫn mua xe máy. Đến cuối năm 2010 tôi mới trả nợ xong. Cứ như vừa trút đựơc gánh nặng”. Dũng nói chuyện nợ nần mà cười cứ tươi rói.
Dũng đến Trạm Y tế Thượng Long, nơi chỉ có hai nhân viên, một người tốt nghiệp trung cấp y tế, một là sơ cấp. Trình độ người dân ở đây lúc bấy giờ còn thấp. Tìm một người học hết lớp 6 để đào tạo cán bộ y tế cũng không có. Vậy là cả 3 người rất vất vả với công việc.Thú thực, lúc đầu đến đây, Dũng “ngán” lắm. Bởi đường đi, lối vào các gia đình đều tràn ngập phân gia súc và cả…phân người. Việc đầu tiên là Dũng đã đề xuất với UBND xã phương án cải tạo môi trường. Vận động các già làng ở các bản nhắc nhở mọi người có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh. Mỗi quý một lần, tất cả người dân trong xã cùng tham gia dọn vệ sinh ở các ngả đường, vườn và trong nhà. Lâu dần trở thành thói quen, tình trạng phân gia súc thải bừa bãi đã được hạn chế. Việc thứ hai mà Dũng tâm huyết là tìm cách hạn chế tỷ lệ trẻ em bị SDD. Đến các gia đình để giải thích vận động, Dũng thắt lòng khi nhìn thấy bữa cơm của người dân. Đa số bữa ăn của họ chỉ có muối trắng và rau rừng. Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào thu hoạch từ nương, rẫy. Bữa ăn sáng của trẻ em vẫn thất thường, có em nhịn đói. Không biết làm sao để giúp thêm vật chất cho trẻ em nơi đây? Dũng chỉ biết cách mỗi lần về Huế lại xin áo quần cũ của bà con, hàng xóm và của con gái anh đem lên cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhất. Dũng biết tại gia đình người dân không đủ điều kiện để thực hiện phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Vậy là Dũng tập trung phòng chống SDD ở nhà mẫu giáo của xã. Ở đây các cháu được ăn bữa trưa. Dũng đã tổ chức tập huấn kiến thức phòng chống SDD cho các cô giáo, sau đó hướng dẫn họ chế biến món ăn dinh dưỡng. Bất cứ lúc nào Trung tâm Y tế Nam Đông tổ chức tập huấn phòng chống SDD, Dũng đều gửi các cô dạy mẫu giáo của xã tham gia. Nhờ vậy tỷ lệ trẻ SDD của xã đã giảm khá nhiều. Hiện chỉ còn khoảng 30%. Dũng đang có phương án sẽ cùng UBND xã cho các cháu ăn bữa sáng tại nhà mẫu giáo với sự đóng góp của phụ huynh.
Đang làm việc với bác sĩ Dũng thì có một phụ nữ đến sinh. Người phụ nữ có vẻ đau đớn lắm. Cán bộ y tế trạm đều đi tập huấn và đi cơ sở, chỉ có mình Dũng trực. Vậy là Dũng lại làm thay công việc của nữ hộ sinh. Một bé gái kháu khỉnh vừa chào đời. Dũng cho biết, hàng năm xã có trên 80% bà mẹ đến sinh tại xã. Nếu sinh ở nhà đều báo trước để cán bộ y tế đến chăm sóc. Hiện tại xã có 4 nhân viên y tế thôn bản vừa tốt nghiệp khoá học “cô đỡ miền núi” ở Bệnh viện Từ Dũ với đầy đủ dụng cụ trang bị cho nữ hộ sinh. Lực lượng này sẽ giúp đỡ người mẹ có nhu cầu sinh tại gia đình. Công tác quản lý thai sản cũng được trạm y tế nắm chắc vì bác sĩ Dũng đọc vanh vách số lượng phụ nữ mang thai, số phụ nữ sắp sinh... Năm nào Thượng Long cũng đứng nhất huyện Nam Đông về thực hiện tốt công tác sinh đẻ kế hoạch. Dũng còn nắm rất kỹ danh sách các cụ già từ 60 tuổi trở lên. Trong xã có bất cứ người già nào bị ốm, không đi khám được là Dũng đến tận nhà để khám.
Tổng thu nhập của Dũng mỗi tháng chỉ có 3 triệu đồng, tiền xăng về Huế mỗi tháng mất gần 600.000 đồng. Nếu không vì tình cảm anh đã dành cho người dân nơi đây, thì không có lý do gì để Dũng ở đây lâu đến thế, trong lúc những người bạn cùng ra trường, cùng lên Nam Đông với anh, nay đều đã “về xuôi”.
Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

Can thiệp điều trị rối loạn nhịp, can thiệp mạch vành, bệnh tim bẩm sinh bằng dụng cụ, can thiệp điều trị suy tĩnh mạch... là một trong những kỹ thuật chuyên sâu được Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai thường quy trong thời gian vừa qua, đem đến cơ hội điều trị khỏi bệnh cho những người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch
Mẹ Xinh - Chăm sóc bằng cả trái tim

Mẹ Xinh Spa là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc mẹ và bé chất lượng, uy tín hàng đầu TP. Huế. Bằng việc kết hợp sử dụng các phương pháp chăm sóc truyền thống của các bà mụ Huế xưa cùng các phương pháp chăm sóc hiện đại, Mẹ Xinh Spa tự hào đã chăm sóc hơn 5.000 mẹ và bé trong vòng 5 năm qua.

Mẹ Xinh - Chăm sóc bằng cả trái tim
An toàn vệ sinh thực phẩm cho sinh viên

Không học bán trú như học sinh, song an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho sinh viên (SV) vẫn được các đơn vị, cơ sở đào tạo chú trọng, nhất là ở các căng tin.

An toàn vệ sinh thực phẩm cho sinh viên
Uống bia giải độc rượu: Nguy hiểm!

Giới chuyên môn đã phải lên tiếng cảnh báo sau khi dư luận đang rộ lên thông tin uống bia để giải độc rượu. Đây là cách hiểu sai và rất nguy hiểm.

Uống bia giải độc rượu Nguy hiểm
Trẻ được cấp cứu sớm, cơ hội sống càng cao

Nhóm tình nguyện viên Y học cộng đồng (dự án thiện nguyện ) gồm các bác sĩ, giảng viên bộ môn Nhi và các sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế tại Huế thường tổ chức các lớp tập huấn trao đổi kiến thức y học... Thừa Thiên Huế Online đã có cuộc trao đổi với TS. BS Nguyễn Hữu Châu Đức, giảng viên bộ môn Nhi; Th.S, Bs Nguyễn Duy Nam Anh, Trường ĐH Y Dược Huế về chủ đề sơ cấp cứu được nhiều phụ huynh quan tâm...

Trẻ được cấp cứu sớm, cơ hội sống càng cao

TIN MỚI

Return to top