ClockChủ Nhật, 26/01/2020 06:45

Bác sĩ của quê nhà

TTH - Giới y khoa ai cũng bảo bác sĩ cộng đồng vừa khó, vừa khổ. Thế mà bác sĩ Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Vang gần 30 năm nay đã gắn bó, đam mê nghề và xem đó là nguồn vui, mạch sống không bao giờ vơi ...

Chăm sóc sức khỏe chủ độngChia sẻ nhiều kiến thức chuyên ngành tai mũi họng

Nhắc nhở đồng nghiệp thận trọng trước khi xét nghiệm các bệnh phẩm

Quê nhà vẫn hơn

Nhiều lần về công tác, tôi thường nghe lãnh đạo huyện Phú Vang ví von bác sĩ Đặng Văn Tuấn là người “giữ cửa” phòng dịch ở vùng đất ven chân phá Tam Giang. Thế rồi có dịp theo chân cán bộ y tế ở tỉnh về giám sát dịch sốt xuất huyết ở vùng biển Vinh Thanh, tôi may mắn gặp anh và nghe anh trải lòng.

Bác sĩ Tuấn sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang. Vừa lọt lòng thì cha hy sinh. Mất cha, anh lớn lên trong nỗi khó nhọc với những gánh hàng rong vào phiên chợ sớm của mẹ. Gian khó ngày đó đã hun đúc cho anh có lý tưởng sống tự tin, thương người và không cam phận đứa trẻ mồ côi cha...

Chuyện trở thành bác sĩ là ngoài niềm đam mê từ nhỏ của anh còn là tâm nguyện của cha anh. Với khao khát ấy, năm 1985 anh thi đỗ vào Trường đại học Y dược - Đại học Huế. Sáu năm sau, nhận tấm bằng bác sĩ đa khoa, dẫu thời điểm này có nhiều điều kiện lựa chọn việc làm thuận lợi chốn thành đô, nhưng anh quyết định về quê trước sự tiếc nuối của bạn bè, thầy cô.

Khi hỏi lý do gì đã thôi thúc anh về quê? Anh nhẹ nhàng, lúc đó bà con ở Phú Xuân nghèo khó, giao thông đi lại khó khăn, bệnh tật nhiều. Thế nên, anh nghĩ nếu bác sĩ nào cũng ở thành phố thì ai về quê chữa bệnh cho dân; trong khi tuyến tỉnh, tuyến trung ương ngày càng quá tải...

Năm 1991, anh được giao vị trí Trưởng trạm Y tế xã Phú Xuân. Sau thời gian ngắn, bà con hễ đau dù nặng hay nhẹ đều đến trạm y tế nhờ bác sĩ Tuấn tư vấn, điều trị. Các dịch bệnh hàng năm thường xảy ra ở Phú Xuân đều được anh chú trọng tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, sát dân nên giảm dần. Giai đoạn này, anh đã đưa TYT Phú Xuân trở thành đơn vị điển hình y tế cơ sở trong toàn quốc được báo cáo chia sẻ kinh nghiệm tại Hà Nội.

Nhớ lại chuyện cũ, anh Hồ Quang Ngọc, thôn Diên Đại, Phú Xuân nói: “Mỗi lần ghé trạm thăm khám đều thấy bác sĩ Tuấn vui cười chào hỏi thân thiện. Những năm bác sĩ Tuấn công tác ở trạm, từ già đến trẻ nơi đây đều gửi lòng tin gọi anh bằng lời trìu mến- bác sĩ của dân”.

Năm 2003, anh được lãnh đạo cấp trên điều về Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Vang và giao nhiệm vụ Đội phó Y tế dự phòng (YTDP). Thời điểm này, nhiều bạn bè, đồng nghiệp “khó hiểu” khi anh chấp nhận từ bác sĩ đa khoa sang lĩnh vực dự phòng dịch bệnh, đa mang “việc khó, việc khổ”. Nhưng, anh không vướng bận.

Vào công việc mới, anh nỗ lực học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp đi trước, theo các khóa học liên quan đến chuyên khoa YTDP. Từ đây, anh lại nghĩ nhiều về hệ thống y tế công cộng, nghĩ về nghề y chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân từ cộng đồng.

Gần dân, sát cơ sở

Năm 2011, anh được bổ nhiệm Phó Giám đốc TTYT Phú Vang, phụ trách lĩnh vực YTDP. Với vai trò quản lý, anh càng thấy rõ lĩnh vực YTDP ở Phú Vang thời điểm này vừa yếu và thiếu. Vì thế, anh không ngần ngại tham vấn với lãnh đạo lập kế sách đề ra hành động cụ thể, bổ sung đào tạo cán bộ YTDP, nâng cấp mở rộng các khoa phòng chức năng, đầu tư thêm thiết bị y tế, nhất là địa bàn vùng xa. Nhờ đó, các bệnh tật thông thường được khám điều trị ngay tại tuyến cơ sở...

Ngoài lo chuyên môn tại cơ quan, song, không tuần nào anh vắng mặt ở cơ sở. Khi thì đi để thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch chủ động phòng dịch theo mùa, theo năm. Lúc thì phối hợp cán bộ địa phương tuyên truyền vận động người dân vệ sinh môi trường, lúc lại tập huấn phòng dịch vì đa phần người dân ở vùng ven phá, ven biển. Bất chấp mưa gió, khi nhận thông tin ở cơ sở xuất hiện bệnh, dịch mới, anh và các đồng nghiệp đều nhanh chóng tiếp cận ổ dịch, điều tra dịch tễ, tìm ra nguyên nhân để khống chế, xử lý.

Năm 2012, thị trấn Thuận An xuất hiện dịch sốt xuất huyết kéo dài trong một xóm nhỏ có gần 100 trường hợp, nguy cơ đe dọa tính mạng. Chống dịch lúc này như chống hỏa, bác sĩ Tuấn và đồng nghiệp quần quật mấy ngày liền vừa xử lý ổ dịch vừa chủ động mọi phương tiện, thuốc men, mượn tạm các trường học làm “trạm dã chiến” phối hợp để điều trị và chuyển viện an toàn cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phan Nguyễn Văn Triều, cán bộ khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV, TTYT Phú Vang chia sẻ: “Bác sĩ Tuấn là người có tâm, không nề hà lẩn tránh việc khó, đã nói là làm, đã hứa là hành động. Những lần về cơ sở xử lý điểm nóng dịch bệnh, tôi đã học được bác sĩ Tuấn tính quyết đoán, gần dân, không biệt phân biệt sang hèn. Đó là tấm gương để tôi học tập theo”.

Trong lĩnh y tế dự phòng, công tác tiêm chủng ở Phú Vang ngày trước vô cùng gian nan. Nhiều gia đình không muốn cho con đi tiêm chủng, không tin vào tiêm chủng. Để làm tốt công việc chung, anh cùng với các cán bộ trạm y tế thảo luận, tuyên truyền vận động, thuyết phục, có khi đưa vắc xin đến tiêm chủng tại nhà cho trẻ. Mỗi đợt tiêm chủng, anh xây dựng kế hoạch, số lượng trẻ, lịch tiêm và giám sát đảm bảo chất lượng tiêm chủng...

Đến nay, Phú Vang đã thiết lập hệ thống kiểm soát TCMR toàn huyện, giữ tỷ lệ TCMR trong những năm gần đây luôn nằm trong top cao nhất tỉnh. Theo bác sĩ Tuấn, thực tế nhờ tiêm chủng vắc xin đã làm giảm đáng kể tỷ lệ người mắc bệnh cũng như tiết kiệm chi phí trong điều trị và giảm chi phí chăm sóc đối với gia đình.

Tuy nhiên, để dự phòng bệnh tật ở Phú Vang có hiệu quả, bền vững cần có sự kết hợp lồng ghép các chiến lược can thiệp liên quan nhiều yếu tố làm thay đổi hành vi, lối sống của cộng đồng. Làm được điều này, anh đã kêu gọi xây dựng và hình thành nhiều mô hình, sáng kiến hay, như truyền thông dịch bệnh theo mùa, tổ chức những bữa ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân, mạng lưới tổ nhóm phòng chống dịch bệnh ở cơ sở... Nhiều tổ chức, địa phương đang tìm đến đây để học tập, trao đổi kinh nghiệm.

Nói về đồng nghiệp của mình, Bác sĩ CK II Phan Đăng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ngắn gọn, những việc làm của bác sĩ Tuấn được xem hiếm hoi của ngành y tế. Nhiều năm qua bác sĩ Tuấn được trao tặng hàng chục danh hiệu, giấy khen, bằng khen của Bộ Y tế và tỉnh...

Bài, ảnh: Minh Trường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế

“Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển...”. Thực hiện quan điểm ấy của Đảng, những năm qua, ngành y tế Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến yếu tố con người, chú trọng việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế nói chung, nguồn nhân lực bác sĩ nói riêng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế
Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

TIN MỚI

Return to top