ClockThứ Bảy, 26/02/2022 15:26

Bác sĩ trẻ tư vấn, hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà

TTH - “Nhiều y, bác sĩ (BS) trẻ đang tham gia hỗ trợ điều trị F0 tại nhà theo hình thức trực tuyến. Để hỗ trợ tốt hơn cho người nhiễm COVID-19 theo hình thức này, hiện Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đang xin ý kiến UBND tỉnh để triển khai mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” trên địa bàn tỉnh”, TS. BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh thông tin.

Huy động nhân lực hỗ trợ điều trị, quản lý F0 tại nhàTiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ hơn 800 trường hợp F0 điều trị tại nhà

Bác sĩ Nguyễn Văn Anh lọc danh sách điện thoại bệnh nhân COVID-19 để tư vấn trực tuyến

Sau khi test nhanh phát hiện bị COVID-19, anh N. V. L phường Tây Lộc hoang mang, lo sợ, nhất là khi xuất hiện triệu chứng khó thở. Qua sự kết nối của người thân, anh gọi điện cho Nguyễn Văn Anh, bác sĩ điều trị tại Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Huế. Được BS. Anh trấn an, hướng dẫn đo các chỉ số, anh N. V. L. làm theo và đã ổn định tinh thần trở lại. “Sức khỏe tôi đang từng bước ổn định và chờ ngày bình phục”, anh L. nói.

BS. Nguyễn Văn Anh kể, hiện mỗi ngày anh gọi điện hỗ trợ cho 5-6 bệnh nhân F0 theo danh sách được phân công, ngoài ra tư vấn cho nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân F0 chủ động gọi đến nhờ được tư vấn, hỗ trợ. “Bệnh nhân nào tôi cũng đánh giá các chỉ số, nếu ổn thì trấn an và tiếp tục theo dõi, còn nếu trở nặng thì khuyên họ cần nhập viện gấp. Tôi cũng đưa số của tổ y tế lưu động để hỗ trợ bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp”, BS. Anh chia sẻ.

BS. Anh tham gia mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ phát động từ giữa tháng 8/2021. Sau đó, đăng ký tình nguyện vào Đồng Nai trực tiếp tham gia chống dịch. Hiện, BS. Anh đang cùng CLB Cộng đồng tình nguyện và Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh triển khai dự án mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành - chăm sóc F0 tại nhà” trên toàn tỉnh bằng hình thức online. “Mặc dù công việc chuyên môn bận rộn, nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để có thể giúp đỡ thêm cho các bệnh nhân đang cần mình hỗ trợ”, BS. Anh bộc bạch.

Nhiều bác sĩ trẻ ở Huế đã và đang tham gia mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ phát động. Họ vừa thực hiện công việc chuyên môn, vừa tham gia hỗ trợ F0 bằng hình thức trực tuyến.  BS. Đinh Thị Hồng Ngọc, Khoa Truyền máu, Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ, sau khi đăng ký tham gia mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ phát động, BS. Ngọc được cung cấp danh sách bệnh nhân cần hỗ trợ trên địa bàn huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Hàng ngày, nữ BS chủ động liên hệ với người bệnh, hỏi các triệu chứng, đánh giá mức độ bệnh, nguy cơ gặp phải và tư vấn người bệnh các dấu hiệu nhận biết diễn tiến bệnh, chế độ sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp. “Hiện, tôi đang theo dõi 10 bệnh nhân sắp bình phục tại Cần Thơ. Sau khi bàn giao xong số bệnh nhân này tôi sẽ trở về tham gia mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" tại Huế”, BS. Ngọc chia sẻ.

TS. BS. Nguyễn Thanh Xuân, cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều y, BS trẻ đang tham gia hỗ trợ điều trị F0 tại nhà theo hình thức trực tuyến. Đây là những thành viên đã đăng ký mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành” do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát động.

Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đang xin ý kiến UBND tỉnh để triển khai mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành” trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ thành lập các nhóm trong đó có bác sĩ điều trị và các tình nguyện viên, phụ trách từng địa phương. Họ chủ động gọi điện đến tư vấn và theo dõi tình hình sức khỏe của người bệnh COVID-19 đang điều trị tại nhà theo số tổng đài cố định và ngược lại khi thắc mắc về các vấn đề sức khỏe khác chưa tiếp cận được dịch vụ y tế, các F0 cũng có thể gọi bất cứ thời gian nào.

Đối tượng chính là bệnh nhân COVID-19 cần hỗ trợ khẩn cấp và các F0 đã có kết quả PCR khẳng định dương tính đang được cách ly và điều trị tại nhà, F0 test nhanh dương tính đang cách ly tại nhà chờ kết quả PCR. “Đây là nhóm đối tượng dễ tổn thương do chưa biết tình trạng của mình ở mức độ nào, khi nào thì mình cần được đưa đi bệnh viện điều trị, chưa biết phải gọi cho chuyên gia y tế nào và ở đâu để hỏi ý kiến khi đang tự cách ly tại nhà; chưa liên hệ được cơ cở y tế khi bệnh trở nặng hơn và dễ mang tâm lý hoang mang dẫn đến hoảng loạn”, BS. Xuân nói.

Về lực lượng, ngoài kêu gọi những thành viên từng tham gia mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, vận động thêm cán bộ, y, BS, sinh viên tại Trường đại học Y Dược, Đại học Huế, Trường cao đẳng Y tế Huế, đồng thời, cử đại diện lãnh đạo đơn vị tham gia ban điều hành. Để hoạt động hiệu quả, các tình nguyện viên đều trải qua vòng kiểm tra kiến thức nền, nếu đủ điều kiện sẽ được dự lớp tập huấn trực tuyến do mạng lưới tổ chức.

“Khi kích hoạt, mạng lưới sẽ hỗ trợ cho ngành y tế trong vấn đề theo dõi, tư vấn cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, xử lý chuyển viện kịp thời khi bệnh chuyển nặng, hạn chế tỷ lệ tử vong. Mạng lưới này tiếp sức cho hệ thống y tế cơ sở, nơi đang chịu áp lực nặng nề vì quá tải, thiếu nhân lực”, TS. BS. Nguyễn Thanh Xuân cho biết.

 Bài: Hải Thuận

Ảnh: Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh cungcấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
AgriDrone tư vấn máy bay phun thuốc sạ lúa rải phân DJI T50

Máy bay phun thuốc sạ lúa rải phân DJI T50 là một công cụ không thể thiếu cho ngành nông nghiệp hiện đại. Với công nghệ tiên tiến và hiệu quả vượt trội, máy bay DJI T50 giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Hãy cùng AgriDrone tìm hiểu chi tiết về sản phẩm này nhé.

AgriDrone tư vấn máy bay phun thuốc sạ lúa rải phân DJI T50
Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

TIN MỚI

Return to top