ClockThứ Năm, 05/12/2013 10:47

“Bác sĩ trưởng khoa”- cuộc “mổ xẻ” ngành y đau đớn

TTH - Giữa lúc các “vụ” tai tiếng động trời trong ngành y xôn xao dư luận, nhà văn - bác sĩ Vũ Oanh cho xuất bản cuốn tiểu thuyết 500 trang “Bác sĩ trưởng khoa” (BSTK - NXB Hội Nhà văn, 2013). Nhà văn Vũ Oanh đã in 20 truyện ngắn, truyện vừa hầu hết về ngành y, trong đó có 3 truyện đã đạt giải cao trong các cuộc thi, truyện“Nhân tài” dữ dội và đau đớn vì sự tha hóa của con người trong “cơ chế thị trường” có khi còn hơn cả truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp. 

“Bác sĩ trưởng khoa” là những chuyện mổ xẻ kinh người. Từ những ca mổ dưới ánh đèn ắc-quy xe đạp trong hầm cứu thương ở Trường Sơn đến chuyện mổ cắt gan, nối ruột.. cho đến vá màng trinh các cô gái trẻ giỏi cách lừa để hốt tiền hạng “đại gia”. Rồi các sự cố “cắt đứt cuống gan người bệnh mổ dạ dày… mở bàng quang lấy sỏi cũng rạch đứt cả ba quai ruột người xấu số”…Bác sĩ trưởng khoa ngoại - sản Lã Hồng Quân với nhiều danh hiệu, học vị “chạy” được, chỉ không biết cầm dao mổ, nhưng muốn ra oai, chứng tỏ khả năng với cấp dưới, đã nhận đứng mổ chính một ca loét bờ cong nhỏ dạ dày và đã làm chết bệnh nhân, khiến người nhà phẫn nộ kéo đến chửi rủa không tiếc lời.

Kể ra, nếu chỉ là chuyện mổ xẻ thì đó là sách dành cho các khoa ngoại của các bệnh viện và các trường y khoa. Cũng như hầu hết các tiểu thuyết khác, BSTK cũng đã chú ý đến thân phận và nhân cách con người với rất nhiều chuyện yêu đương. Nhân vật chính - bác sĩ quân y Trần Tử Khang, trưởng thành từ chiến trường, một “bàn tay vàng” hết lòng với bệnh nhân, coi khinh thói nịnh hót và những kẻ đố kị, tham lam tuy mang danh “lãnh đạo” nhưng chỉ chờ cơ hội để cướp công, cướp cả tiền bồi dưỡng qua những ca mổ khó khăn làm ông kiệt sức. Ba cuộc tình đến với ông cũng khá lãng mạn, nhưng rốt cuộc ông là người trắng tay, gánh chịu mọi đau khổ…

Hẳn là những bạn đọc ngành y không vui lòng vì Trần Tử Khang là “điểm sáng” duy nhất của tác phẩm, còn nữa đều là những bác sĩ vừa kém chuyên môn, vừa tham danh lợi, thậm chí dám làm những điều bất nhân như giám đốc Bùi Cường và cả bác sĩ Ngân Hà - người vợ không hôn thú, cuộc tình cuối đời của Trần Tử Khang. Đã đành, tác phẩm văn học không phải là bản “phô-tô” hiện thực ngoài đời - có lẽ tác giả đã phần nào vận dụng thủ pháp của nhiều truyện cổ tích (người thiện thường yếu thế so với kẻ ác), chỉ khác là cuối cùng không có “Bụt” hiện ra để cứu bác sĩ Khang, nhất là khi chính người mẹ già của ông, sau khi bị Ngân Hà đến sỉ nhục, đã uất ức mà chết. Tuy vậy, cái mảng đen tối khá đậm đặc trong tác phẩm – có thể là do tác giả “cường điệu” (một thủ pháp của rất nhiều tiểu thuyết nổi tiếng thế giới) vẫn cứ làm ta nghĩ tới thực trạng có nhiều vụ bê bối hiện nay trong ngành y tế.

Một điều đáng ghi nhận là nhà văn - bác sĩ Vũ Oanh, với cách nhìn của một người trong cuộc, không chỉ phơi bày hiện trạng đáng buồn của ngành y, mà đã tìm đến những căn nguyên của nó.

“…Cái gì cần chú trọng và tăng cường hơn trong việc dạy và học ở đại học y khoa? Phương pháp tự học, tự nghiên cứu của sinh viên? Trình độ và phương pháp truyền thụ, hướng dẫn thật sự đúng đắn, khoa học, tiên tiến và mô phạm của thầy… Nhưng vấn đề hình như không chỉ có thế. Những gì tốt đẹp có được của người thầy thuốc, phải có cơ sở đầu tiên từ một nếp giáo dục gia đình và từ những năm đầu của bậc học phổ thông. Sự hình thành nhân cách, kiến tạo phẩm giá, luyện đúc ý chí, rèn giũa đạo đức từ thời ấu thơ… là hết sức quan trọng của mỗi đời người…” (Trang 362)

Cũng do là “người trong cuộc”, trước những vụ bê bối trong bệnh viện, tác giả đã gửi gắm qua nhân vật Trần Tử Khang một cách nhìn công bằng và thông cảm với cái nghề “khó nhất trong các nghề. Khó ở công việc phải làm sao cho đúng và an toàn với mỗi một con người cụ thể… Người bác sĩ chưa tốt, bác sĩ sai lầm không phải không có. Nhưng các sự việc không hay, liên quan đến cơ thể người bệnh, đều ngoài ý muốn của họ. Họ đều ân hận, đau xót, trước mọi tổn thất xảy ra… Sự phê phán thái quá, dù chỉ nhằm vào một vài người cũng sẽ làm cho số đông bác sĩ tìm đến cái mộc, cái khiên… Tâm lý đề phòng, chống đỡ … và sự giả dối có khoảng cách rất gần. Thiệt cho người bệnh…” (Trang 73) Những dòng này, có lẽ cũng là lời nhắc những ai gặp điều không may, chịu mất mát khi phải trao sinh mạng cho ngành y hãy thật bình tĩnh và khách quan.

Với BSTK, có thể vì “ôm” một đề tài quá “nặng”, cũng như sức ép của dư luận xã hội về ngành y những năm gần đây, nên tác giả hẳn là chưa làm thỏa mãn bạn đọc có yêu cầu cao về nghệ thuật tiểu thuyết. Và cả về mặt đề tài, ngành y tế với đặc trưng “va chạm” trực tiếp với con người ở mọi tầng lớp, với sự sống và cái chết - những vấn đề đặt cả nhân loại trước những thử thách, chọn lựa không hề dễ dàng… là “mảnh đất” giàu chất liệu mà người viết có thể khai thác những vấn đề có tính nhân văn sâu sắc, chứ không chỉ là cuộc đấu tranh với những hành vi tiêu cực, với những kẻ khoác “áo trắng” nhưng đã phản bội lời thề Hippocrates. Tuy vậy, BSTK mới là tiểu thuyết “đầu tay” của ông, chúng ta chờ đợi và hy vọng ở tác phẩm mới của ông…

Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Return to top