ClockThứ Hai, 25/05/2015 10:02

Bác sĩ vùng cao giàu y đức

TTH - Xuất thân từ gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm, anh Nguyễn Ngọc A Rưn, Trưởng Trạm y tế xã Hương Sơn (Nam Đông) ý thức được tầm quan trọng của việc học. Ra trường và chuyển về công tác ở địa phương, anh trở thành vị bác sĩ giàu y đức, được người dân yêu quý.

Vượt khó

Bác sĩ A Rưn sinh năm 1970, là người con của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Bố mẹ đều mất sớm, các anh em trong gia đình phải chật vật mưu sinh. Anh nhớ mãi câu hỏi của người cha lúc ông còn sống: “Lớn lên con muốn học hay đi làm rẫy?”. Biết cha muốn mình vươn lên, cũng từ lúc đó việc học đã trở thành suy nghĩ bất di bất dịch trong anh.
Bác sĩ A Rưn ân cần thăm hỏi bệnh nhân
Quyết tâm đến trường được mọi người ủng hộ, các anh em trong gia đình ngồi lại bàn bạc, cuối cùng Nguyễn Ngọc A Rưn được “miễn” lao động những ngày đến trường, chỉ tranh thủ về nhà làm rẫy thứ bảy, chủ nhật. Năm 1988, anh được Nhà nước cho đi học ở Trường THCS Đông Hà (Quảng Trị) theo diện con thương binh. Trở về Huế học tiếp Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh rồi học trung cấp y, năm 1996 anh ra trường với tấm bằng y sĩ. Bác sĩ A Rưn kể, những ngày đi học, anh gặp phải muôn vàn khó khăn. Huyện Nam Đông thời đó chỉ có 3 người đi học trung cấp, cuộc sống xa nhà đã vất vả, rào cản về ngôn ngữ càng khó hơn. Hỏi về cách vượt qua khó khăn, anh trả lời: “Việc giao tiếp ban đầu hơi khó, có khi thầy cô nói mình không hiểu. Cuối cùng, cách tốt nhất là tìm tòi ở sách vở, hỏi thêm bạn bè, tập giao tiếp dần mới quen”.
Năm 1996, A Rưn đem kiến thức học được về quê giúp đỡ người dân. Buổi đầu còn bỡ ngỡ, trạm y tế lại không có nữ hộ sinh. Bản thân lại là y sĩ đa khoa phụ trách về sinh sản nhưng khi làm nhiệm vụ, bệnh nhân lắc đầu từ chối. “Họ ngại, nói mình là nam giới nên không cho tiếp cận, thăm khám. Phải thuyết phục mãi mới được”, anh A Rưn kể.
Năm 2002, Trung tâm Y tế huyện Nam Đông tạo điều kiện để anh A Rưn học chuyên tu 4 năm tại Trường đại học Y dược Huế. Sau khi ra trường được 2 năm, anh được bổ nhiệm làm Trưởng trạm y tế xã Hương Sơn và tiếp tục học lên bác sĩ chuyên khoa I – Y học gia đình đến năm 2011. Anh A Rưn chia sẻ: “Cũng chính những ngày tháng vay mượn tiền để học, được nhà nước ưu ái và anh chị em trong nhà tạo điều kiện để mình quyết tâm hơn. Cố gắng trở thành người cán bộ y tế giỏi”.
 
Dân yêu mến
Bác sĩ A Rưn khám bệnh tận tình như chăm sóc người thân, giải thích cách dùng thuốc, tư vấn sức khỏe cặn kẽ. Những bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, anh cũng giúp họ đo huyết áp thường xuyên. Bsc sĩ A Rưn quan niệm, một người cán bộ y tế luôn phải có hai yếu tố song song là cái tâm và chuyên môn. Anh giải thích: “Có tâm mà không có chuyên môn thì không giúp được ai, nhưng có chuyên môn mà mất đi cái tâm thì đó cũng chỉ là một kẻ lơ là, kém trách nhiệm với người bệnh”. Do vậy, trong công tác khám chữa bệnh, liệu pháp tâm lý là phương châm được vị trưởng trạm đặt lên hàng đầu. Khi chúng tôi hỏi đâu là cái anh cảm thấy hài lòng về mình?, bác sĩ A Rưn dứt khoát: “Đằm tính!”. Anh bảo, phải đằm tính với cả đồng nghiệp và bệnh nhân. “Phải chịu khó nhỏ nhẹ, tận tình với bệnh nhân. Nhiều khi mình nói đúng mà lớn giọng thì ai mà tìm đến với mình”, bác sĩ A Rưn bày tỏ.
Anh A Rưn còn được biết đến là một người gương mẫu, đặc biệt là trong công tác kế hoạch hóa gia đình. Anh kể: “Công tác vận động dân số trước đây rất khó, họ chưa biết sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và chưa ý thức được hệ lụy của việc sinh con đông nên khi đi tuyên truyền, vận động họ cứ bảo mình sinh thì mình nuôi chứ nhà nước có nuôi đâu. Do vậy, mình quyết định sinh hai đứa, cách nhau đến 15 năm để làm gương cho người dân”.
Chị Nguyễn Thị Bạch, nữ hộ sinh của Trạm y tế xã Hương Sơn bày tỏ: “Người dân ở đây rất thích bác sĩ A Rưn. Một phần vì anh là người địa phương, nhưng phần khác vì anh rất tâm huyết. Trong đội ngũ cán bộ tại trạm, bác sĩ cũng là người tâm lý, không áp đặt công việc nhưng lại quản lý rất tốt cấp dưới của mình”.
Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

TIN MỚI

Return to top