ClockThứ Năm, 30/08/2012 05:55

Bạch Lê Quang - Nhà văn của những phận người bé mọn

TTH - Tôi biết Bạch Lê Quang cách đây đã hơn mười năm, qua sự giới thiệu của Thái Ngọc San và những truyện ngắn của Quang thỉnh thoảng in trên báo Thanh Niên, thời anh San còn làm “tư lệnh” miền Trung cho báo này, chứ chưa rũ sạch nợ đờ, rẽ về cõi khác.

Đọc riêng từng truyện trên báo, không mấy chú ý, nay được đọc liền mạch 12 truyện, in thành tập Thỏng tay vào chợ (Nxb Thuận Hóa, 2009), tôi mới phát hiện thế giới nghệ thuật của anh là hình tượng những con người bé nhỏ, bé mọn, những con người cần lao thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội... Thậm chí, cao hơn, những người có nghề nghiệp, có chuyên môn hẳn hoi, được xã hội khẳng định, cũng chỉ khiêm tốn là những người nghèo khó như nông dân, họa sĩ, thầy giáo, sinh viên. Có thể nói, những con người hiện ra qua từng con chữ luôn động đậy, dậy lên trong sự chở che từ hơi ấm tâm hồn của tác giả. Một ông giáo nghèo, luôn bị áp lực bởi việc kiếm tiền, luôn đối mặt với nhà dột, con đói, vợ luôn trong tư thế thường trực đòi ly hôn, đành tự lừa dối mình với những mảnh vỡ của trò chơi ảo ảnh, bởi “Thầy là một kẻ hèn. Thầy tự lừa dối, nên chẳng bao giờ bắt gặp sự thật. Nếu có, đó là một sự thật mù lòa. Một thứ ảo ảnh đúng nghĩa (...) Trí thức vốn hèn mà thầy lại là người hèn nhất...”(Ảo ảnh, tr.14). Ông Năm xóm Vạn, bị vợ bỏ lúc thằng con mới lên năm, “gà trống nuôi con cực hơn chó (...), lúc cơ cực, cua đồng gạo bữa nó hẩm hút cùng mình. Lúc lớn khôn, nghe bạn bè, nó bỏ tôi đi (...) Ai nhìn vào cũng nói tôi bây giờ sướng. Xuân thu nhị kỳ có tiền Mỹ. Chó thật, cái tôi cần là tình cha con. Bận gì thì bận, công nghiệp máy móc gì đi nữa chứ mỗi năm phải cho tôi vài lá thư. Đằng này, từ lúc đó đến giờ, gom lại, nó gởi cho tôi đúng 72 chữ. Ngắn thua một khúc hành của lão Bạch Cư Dị. Sầu vạn cổ chú ạ! May mà xóm Vạn này còn có chú, còn có thơ Đường. Nói chú đừng giận, ngẫm đời này, gan ruột, sơn cùng thủy tận nhất cũng là bọn văn nhân mà đểu cáng nhất cũng là văn nhân...” (Trò chơi cuối, tr.110-111). Cho đến khi hấp hối, ông vẫn nhờ chở ra bưu điện để gọi điện cho con, nhưng không gặp được và ông đã chết gục ở quầy điện thoại. 

 

Tác giả Bạch Lê Quang (phải) nhận giải thưởng của Tạp chí Sông Hương năm 2011. Ảnh: Internet

 

Cuộc mưu sinh của thế giới cần lao hiện lên trong trang văn của Bạch Lê Quang như là quá trình điều kiện hóa của sự sống, mà dường như đã là người, để được tồn tại làm người ai cũng phải nỗ lực vượt qua. Cô Bích, một cô gái nghèo làng Nón, yêu chàng Mưng bán kẹo kéo, nhưng không lấy nhau được vì Mưng lỗi hẹn cũng bởi quá nghèo (Đất quê). Đó cũng là nỗi niềm của cô Yên, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, yêu Nguyên nhưng phải lấy Vũ, vì gia thế người này có thể cho cô có cuộc sống và việc làm ổn định (Lông chông biển). Là cuộc sống của những người đào vàng cực nhọc và những tay anh chị giang hồ ở quán Lục Lâm, nhưng sống với nhau bằng tấm lòng nghĩa khí, đằng sau những bụi bặm, eo sèo của đời sống, mà dưới nhiều hình thức khác nhau, ở tầng lớp xã hội nào cũng có, là hơi ấm của tình người, là phẩm chất con người với tất cả ý nghĩa toàn vẹn của từ này (Đom đóm núi)... Đặc biệt, với truyện ngắn Cổ tích không bụt, anh đặc tả cận cảnh về thế giới của những thằng Ve chai, thằng Tư cò, thằng Vĩnh sắt vụn, mụ Chín lên đồng, gã cụt ăn mày, là những tiện dân hạng bét trong xã hội thực dụng, nhưng họ vẫn mang những đồng tiền nhàu nát, ướt đẫm mồ hôi mà họ kiếm được vào cuộc đỏ đen sát phạt lẫn nhau, đến nỗi gã cụt ăn mày thua đến mức cầm cả áo quần, rồi cầm luôn cả cái nạn gỗ, đến nỗi phải bò về cái “cộng đồng ngụ cư dưới gầm cầu” của mình thua cả loài chó, bởi “chúng còn có chân để chạy theo đồng loại (...). Nhìn sang thế giới chật chội trong tâm hồn Bạch Lê Quang ta cũng thấy lố nhố những thằng Ve chai, Vĩnh sắt vụn, Tư cò, Chín đồng bóng, bên cạnh những Mưng, lão Mía, thằng Côi, sống trong những làng Mã, làng Nón, làng Cói, xóm Vạn; cầm đồ thì hết thứ cầm đi cầm nạng gỗ; đối với những con vật nhỏ như con đom đóm cũng chỉ là đom đóm núi, đến giấc mơ cũng không dám mơ gì to tát mà chỉ là giấc mơ chim, thậm chí còn khiêm tốn hơn, chỉ dừng lại ở loài chim bé nhất là chim sâu, nơi bám víu duy nhất trong cuộc đời và trong giấc mơ của cô bé bị cụt cả hai chân: “Từ rất lâu, cháu đã mơ một ngày như thế này đây. Và con bé hát, một bài hát mục đồng tràn ngập tiếng chim, nắng, xanh biếc, lục hồng, cỏ non. Tiếng hát của con chim sâu, từ chối những hiểm nguy rình rập, vang động núi, trong trẻo như suối, vượt lên trên những vết rớm của đá tai mèo. Tiếng hát như một dòng sông khát chảy từ lâu, vỡ òa, hòa tan giữa vạn hoa âm thanh” (tr.58). Nhưng rồi, cái ác vẫn tồn tại ở đời, sự thực dụng và dối trá đã không tha cho bất kỳ sinh linh nào, cho dù là chú chim sâu nhỏ bé, khiến cô bé tật nguyền sụp đổ cả niềm tin nhỏ nhoi cuối cùng của sự sống : “Không phải như chú nói, một con chim sâu khác lại bị giết. Chẳng ai thèm thương con chim sâu cả. Và chú nữa, chú cũng dối cháu...” (tr.59).

 

Là thầy giáo dạy văn, Bạch Lê Quang không chỉ có khả năng am tường những thành tựu văn chương thế giới một cách rộng rãi, mà còn có trình độ kiến văn sâu sắc. Người sáng tạo văn chương không phải bao giờ cũng có ý thức đầy đủ, hoặc cố ý viết theo một thứ lý thuyết văn chương nào mà có thể dễ dàng đạt được, nếu không có những xung lực, những va đập, bùng nổ từ bên trong tâm hồn, và Bạch Lê Quang không phải là một trường hợp ngoại lệ. Dưới sự tác động của những thành tự tri thức văn chương hiện đại thời đổi mới và hội nhập, tác phẩm của anh cũng thể hiện ít nhiều dấu vết của đời sống văn chương hiện đại. Nếu đem các lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại ra soi chiếu, có thể thấy rằng, truyện ngắn Ảo ảnh tuy có sườn, có truyện và cốt truyện hẳn hoi nhưng lại là những mảnh vỡ ghép lại, cho đến kết thúc truyện lại là sự mở đầu cho những vỡ vụn tiếp theo: “Tờ giấy vụn nát trong tay Nhụy. Nàng vung tay. Những mảnh giấy vụn tung tóe thành hàng trăm con bướm trắng, thành hàng ngàn mảnh của một cánh buồm. Một cánh buồm thất bại, mê muội đường về. Tiếng khép cửa dịu dàng và cả tiếng chim. Tiếng của chấm dứt và tiếng của bắt đầu...” (tr.14). Rõ ràng hơn, nếu vận dụng lý thuyết liên văn bản, ta sẽ thấy xuất hiện đậm đặc trong truyện ngắn của anh, không chỉ là chi tiết, là sự kiện, mà còn là không khí của truyện, là sự viết tiếp, viết thêm những gì đã có...

 

Bạch Lê Quang đánh đu với văn chương như một kẻ dạ du, một cuộc lãng du giang hồ bất định. Anh không phải là người lấy văn chương làm sự nghiệp ở đời. Anh viết như một nhu cầu tự thân trong cuộc rong chơi. Do đó, không phải tất cả các truyện của anh đều hay, đều được gọt dũa một cách chỉnh chu, đều thể hiện một ý thức sáng tạo có mục đích tự thân. Nhiều truyện của anh ý tưởng còn lộ liễu, chưa chuyển hóa thành hình tượng, hoặc nhiều hình tượng còn chưa rõ nét, chưa biến thành tư tưởng - nghệ thuật, đem lại hiệu ứng thẩm mỹ mang giá trị lâu bền trong tâm tưởng người đọc (Gái nghê thường, Giấc mơ chim, Lông chông biển, Ngọc Phật). Nhưng anh có một giọng điệu văn chương sắc cạnh, lành lạnh, tỉnh táo không trộn lẫn vào bất kỳ ai khác. Đó là vốn quí, là mong muốn, là khát vọng của bất kỳ người nào muốn dan díu với văn chương.

 

Phạm Phú Phong

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top