ClockThứ Sáu, 19/02/2016 05:54

“Bài học” dạy trẻ kỹ năng tránh bị kẻ xấu làm hại

TTH - Cháu gái (12 tuổi) đi lấy nước gạo về nuôi heo thì bị ông hàng xóm sàm sỡ. 8 tháng tù về tội “dâm ô với trẻ em” là bài học, là cái giá cho người có hành vi vi phạm pháp luật. Câu chuyện đáng tiếc cũng là “lời cảnh tỉnh” cho các gia đình, các bậc cha mẹ trong việc bảo vệ con trẻ, tránh bị kẻ xấu làm hại.

Nhà bé gái (bị hại) nghèo, cha phải vào Nam làm thuê, mẹ ở nhà làm ruộng nuôi 3 con nhỏ. Cách đây mấy năm, người mẹ bị bệnh tai biến, sau thời gian nằm liệt may mắn cũng gượng dậy được nhưng sức khỏe yếu, nói năng khó khăn, việc mưu sinh càng thêm vất vả. Còn ít tuổi nhưng là chị cả nên cô bé thường giúp mẹ việc nhà, bao gồm cả việc sang nhà hàng xóm lấy nước gạo về nuôi heo. Nhà hàng xóm là đôi vợ chồng (ông chồng hơn 60 tuổi) sinh sống bằng nghề lượm ve chai. Buổi chiều hôm đó, lúc cháu bé vào bếp lúi húi lấy nước gạo, một mình ông hàng xóm đang uống bia ở nhà trên. Sẵn có men bia rượu, nảy sinh tà ý, ông này liền xuống bếp sàm sỡ nạn nhân. Cháu bé chạy về nhà vừa khóc vừa kể lại sự việc với mẹ. Sau đó gia đình gửi đơn đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Chỉ có người mẹ và những người họ hàng đi cùng cháu bé đến phiên xử. Hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, người cha không về được để ở cạnh con. Ngồi sau chiếc bàn dành cho người bị hại, cháu bé vẫn tỏ ra sợ hãi khi thấy “ông” hàng xóm ngồi trên ghế bị cáo cách đó không xa, khiến người thân phải trấn an mãi. Bị cáo tóc đã điểm bạc, cúi đầu tỏ vẻ rất ăn năn hối hận: “Lúc đó trong người có men bia nên bị cáo không làm chủ được. Nhưng chợt nhận ra hành vi của mình là vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật nên bị cáo đã dừng lại”. Tòa phân tích, may mà bị cáo dừng lại, nếu không hậu quả gây ra cho nạn nhân là khôn lường. Bản thân bị cáo cũng sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn rất nhiều. Dù vậy, bị cáo cũng đã làm tổn thương đến tinh thần cháu bé. Bị cáo đã hơn 60 tuổi mà có hành vi như vậy là không thể chấp nhận được. Giờ bị cáo có hối hận cũng quá muộn. Là người giám hộ cho con nhưng do bệnh tình nên người mẹ phải viết sẵn những ý kiến của mình vào tờ giấy. Chứng kiến cảnh bị hại nhỏ thó đứng chỉ cao hơn mặt bàn, cầm giấy đọc giúp mẹ “Đề nghị tòa xét xử công bằng cho con tôi, bảo vệ danh dự cho con tôi” ai nấy không khỏi cám cảnh xót xa.

Trong căn nhà tuềnh toàng, người mẹ bị di chứng của căn bệnh tai biến ngồi ủ rũ. Mức án 8 tháng tù tòa tuyên đối với bị cáo cũng chẳng khiến bà cất đi được nỗi đau đớn vò xé tâm can. Bà ú ớ trong giàn giụa nước mắt. Người phụ nữ họ hàng “dịch” rằng, bà thương con đứt ruột. Từ khi sự việc xảy ra, bị một số bạn bè trêu chọc nên con gái bà (đang học lớp 6) nhiều lần đòi bỏ học. Gia đình phải động viên nhiều lắm cháu mới có can đảm tiếp tục đến trường. Thương con bao nhiêu bà càng giận ông hàng xóm, đồng thời cũng tự trách bản thân mình đã vô tình không bảo vệ được con. Bà không lường trước được. Không ngờ...

Nhiều hàng xóm láng giềng trong thôn vừa đi dự phiên tòa cũng về cùng gia đình người bị hại. Họ cũng có cùng suy nghĩ với người mẹ tội nghiệp. Không ngờ... “Chồng đi làm thuê xa, cô ấy bệnh tật như vậy nên cậy nhờ con bé việc nhà nhiều lắm. Ngày nào cháu cũng sang “nhà kia” lấy nước gạo mà có xảy ra chuyện gì đâu. Ai ngờ được... Sau sự việc này, nhiều bậc làm cha làm mẹ trong xóm tui phải giật mình. Cứ mải miết làm ăn và tin tưởng người ta nên thiếu đề phòng cảnh giác. Sự việc này âu cũng là một “bài học” cho tất cả mọi người, phải luôn luôn căn dặn và dạy con nhỏ các kỹ năng để biết phòng tránh rủi ro, tránh bị kẻ xấu làm hại” - Một phụ nữ cùng xóm lo lắng bày tỏ.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top