ClockThứ Ba, 26/09/2017 15:13

Bài học khi... xe hỏng

TTH - Buổi sáng đi làm giữa chừng xe bỗng “chết máy”, đèn xi-nhan và còi đều tắt ngúm, tôi dắt xe vào một tiệm sửa xe bên đường. Sau một hồi loay hoay, người thợ sửa xe còn khá trẻ “phán” một câu: Xe anh bị hư bình điện rồi, phải thay bình điện mới. Tôi hỏi giá cả, thợ sửa xe cho biết: Nếu thay bình nước khoảng 200 ngàn, còn thay bình khô từ 250 – 300 ngàn tùy theo từng loại bình. Nhưng xe anh là xe tay ga, thay bình khô loại xịn cho yên tâm – người thợ nói thêm. Dù mới thay bình điện không lâu, nhưng không còn cách nào khác tôi đành nghe theo lời thợ.

Thay bình mới xong, tôi phóng xe đến chỗ làm việc. Xong việc, tôi ra lấy xe về nhà thì xe lại không nổ. Thế là tôi lại phải dắt xe ra một quán sửa xe gần đó. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống dây điện của xe, người thợ sửa xe bảo: Bộ đề của xe anh bị chạm nên khi nổ khi không, còn còi và đèn xi-nhan tắt là do bình ắc quy không được nạp điện chứ bình không hư. Để chứng minh, sau khi sửa xong bộ đề, anh thợ lấy một bình ắc quy cũ bỏ vào xe, đề vẫn nổ ngon lành.

Đem câu chuyện bực mình này kể với mấy người bạn, họ cười xòa rồi bảo: Việc của cậu ăn thua gì, tụi mình còn gặp nhiều trường hợp bực tức hơn. Một người bạn kể: Thằng em mình có một chiếc Sirius mua khoảng được hai năm. Một hôm đang đi làm xe bỗng nổ cà giựt rồi tắt máy. Đem vào một tiệm sửa xe trên đường Đào Tấn, thợ hẹn đầu giờ chiều lấy. Đến khi  lấy xe, nhìn hóa đơn tính tiền mà chóng cả mặt, gần một triệu đồng, trong đó khoản lớn nhất là tiền quấn mobin lửa. Mấy ngày sau, để cân lại đầu xe em tớ đem xe vào hãng sửa và nhờ thợ ở hãng kiểm tra giùm. Người ta nói mobin lửa vẫn bình thường, không có chuyện mới quấn.

Một người bạn khác tiếp lời: Cách đây không lâu, xe của tớ nổ máy nhưng vô số không chạy. Đem đến một tiệm sửa xe ở đường Phan Chu Trinh, người thợ nói  xe bị “trường côn”, phải thay bộ côn mới. Thay xong, người thợ tính giá 800 ngàn đồng bao gồm cả tiền công và tiền phụ tùng. Tớ có một người quen làm nghề sửa xe máy, biết chuyện anh này bảo rằng: Thay bộ côn mới cũng tốt thôi. Nhưng thật ra xe ông mới mua, thợ sửa xe chỉ cần dán côn lại là được, chẳng qua nó muốn moi tiền.

Một người thợ sửa xe ở đường An Dương Vương cho biết: Hiện nay, thợ sửa xe cũng có nhiều loại. Những người tử tế thì lo giữ uy tín của tiệm mình, sửa xe đàng hoàng cho khách. Nhưng cũng có nhiều thợ bày đủ chiêu để móc tiền khách như: không hư cũng nói hư, hư lặt vặt thì nói hư nặng... Đặc biệt, hiện nay ở Huế đang có tình trạng thợ sửa xe nhập loại ruột tái chế. Loại ruột này là ruột đã qua sử dụng, bị thủng một vài lỗ, được một số người mua lại đem về hấp hơi những chỗ thủng và đánh bóng cho mới, rồi đóng gói vào bao bì. Sau công đoạn tái chế, loại ruột này trông như mới nên người mua dễ bị lẫn lộn. Thợ sửa xe hám lợi nhập loại ruột này để kiếm thêm tiền. Còn người tiêu dùng nếu thay nhầm loại ruột này thì lãnh đủ.

Khi xe máy bị hư, tốt nhất nên đem xe máy đến sửa ở chỗ quen biết cho yên tâm. Còn lỡ bị hư trên đường, hãy ngồi ở tiệm xem thợ sửa để tránh bị lừa – một người thợ sửa xe máy cho lời khuyên.

Ngự Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top