ClockThứ Bảy, 01/12/2018 07:00

Bài học “lấy dân làm gốc” ở Phú Diên

TTH - Sau thời gian Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc vận động, tuyên truyền, gần 100 hộ dân chuyên khai thác rong câu bằng thuyền máy ở xã Phú Diên (Phú Vang) đã chuyển đổi nghề, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm trên đầm phá Tam Giang.

Lòng dân, bài học không cũ – bài 2: Không để “mất” dânTrọng dân, thương dân, lấy dân làm gốcĐổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “dân làm gốc”Xây dựng đất nước bền vững: Lấy giáo dục làm đầu, nhân tài làm gốc

Người dân Phú Diên khai thác rong câu bằng thủ công để tránh ô nhiễm môi trường sinh thái

Khai thác chưa hợp lý

Ông Hoàng Trọng Đoài, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Diên thông tin: “Nghề khai thác rong câu bằng thuyền máy trên địa bàn xã có cách đây khoảng 20 năm, phát triển mạnh trong giai đoạn từ 2015 -2017, với 39 thuyền máy, 4 thuyền không máy, 32 thúng chài của 86 hộ/164 lao động hành nghề. Người dân dùng thuyền máy có công suất lớn để khai thác rong câu nên ảnh hưởng đến môi sinh của các loại thủy sản trên đầm phá Tam Giang”.

Rong câu là loài thủy sinh, mọc sâu trong vùng nước lợ, nhiều nhất ở vùng đầm phá, ngã ba các cửa sông. Loại rong này là nguồn thức ăn phong phú cho các loài thủy sản trên đầm phá. Ở vùng nào rong câu nhiều thì cá tôm sinh sôi. Bình quân mỗi năm người dân Phú Diên khai thác hơn 1.422 tấn rong câu, bán cho các thương lái, cho tổng thu nhập gần 5 tỷ đồng. Đó là lý do nhiều hộ dân làm nghề này kinh tế khá lên.

“Tuy nhiên, việc khai thác rong câu bằng thuyền máy dẫn đến hệ lụy là hủy diệt môi trường sinh thái. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang phản ứng gay gắt cách khai thác này, dẫn đến những tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trên địa bàn”, ông Lê Viết Bá, Trưởng thôn Kế Sung giãi bày.

Từ thực tế trên, Đảng ủy xã tổ chức họp bàn, tìm ra giải pháp tối ưu nhất để vận động người dân không hành nghề khai thác rong câu bằng thuyền máy trên đầm phá nhưng thực tế không hề dễ dàng. 

Vận động người dân chuyển đổi nghề 

“Sau nhiều phiên họp, Đảng ủy thống nhất phương án tập trung lãnh, chỉ đạo Khối Dân vận cùng phối hợp với UBND xã phân công đội ngũ cán bộ, đảng viên về tận hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, thuyết phục; đồng thời, mời các hộ làm nghề khai thác rong câu bằng thuyền máy lên UBND xã để quán triệt, cam kết”, Bí thư Đảng ủy xã Phú Diên Nguyễn Bá Tán cho biết.

“Không hành nghề khai thác rong câu bằng thuyền máy ở xã Phú Diên là một trong nhiều mô hình điển hình mang lại hiệu quả của tỉnh được lựa chọn trình bày tại Hội nghị chuyên đề phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2018 do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức tháng 10/2018. Đây không chỉ là cách làm hay, mà là bài học kinh nghiệm để các địa phương khác học tập, triển khai thực hiện tại địa phương mình”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn đánh giá.

“Kế Sung có số dân đông nhất xã, với 818 hộ, 3.653 nhân khẩu. Chi bộ thôn Kế Sung cũng có số lượng đảng viên đông nhất, với 23 đảng viên. Được sự giúp sức trong công tác tuyên truyền của đội ngũ cán bộ thôn, những người có uy tín trong thôn, trong làng, nên lâu dần người dân cũng hiểu và thống nhất chuyển đổi ngành nghề phù hợp”, ông Lê Viết Kế, Bí thư Chi bộ thôn Kế Sung chia sẻ.

Bước đầu người dân cam kết chỉ khai thác rong câu mỗi tuần 3 ngày. Dần dần, 100% số hộ làm nghề khai thác rong câu trên phá Tam Giang đã chấp hành chuyển đổi nghề, không khai thác rong câu bằng thuyền máy.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Khánh tự hào: “Kế Sung, Kế Sung Thượng và Mỹ Khánh là những thôn có người làm nghề khai thác rong câu bằng thuyền máy lớn, nhưng nay ngoài trồng lúa, các hộ này đã chuyển sang làm nghề thợ xây, phụ thợ nề hay là đặt lừ trên đầm phá. Những hộ nào có nhu cầu vay vốn, được UBND xã tạo điều kiện cho vay vốn để mua sắm ngư lưới cụ làm ăn.

Nhiều bài học được Đảng ủy, chính quyền xã Phú Diên đúc rút từ thực tế vận động người dân không hành nghề khai thác rong câu bằng thuyền máy trên đầm phá. Trong đó, bài học xuyên suốt được Đảng ủy, chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu chính là “lấy dân làm gốc”. Dù chủ trương, chính sách đưa ra đúng, nhưng không được sự đồng thuận của người dân thì khó thực hiện. Muốn vậy, phải kiên trì vận động, thuyết phục. “Lấy sức dân chăm lo cho dân làm phương châm; lấy đoàn kết toàn dân làm chìa khóa để thực hiện dân chủ, cải thiện đời sống dân sinh nhằm huy động sự quyết tâm và tinh thần tự giác của mọi người dân”, Bí thư Đảng ủy xã Phú Diên Nguyễn Bá Tán đúc rút.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ

Ngành Tổ chức xây dựng (TCXD) Đảng của tỉnh nhận thấy, quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao có rất nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút, nhưng bài học xuyên suốt nhất, mang ý nghĩa quyết định nhất chính là sự đoàn kết, thống nhất cao về tư tưởng và hành động.

Thêm bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa chức trách, nhiệm vụ
Triển khai mô hình điểm nông dân phân loại thu gom vận chuyển rác thải

Ngày 29/1, tại xã Phú Diên (Phú Vang), Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia thu gom, phân loại và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” năm 2024. Tham dự hội nghị có các ông: Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam; Phạm Văn Thiện – Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn - TW Hội Nông dân Việt Nam.

Triển khai mô hình điểm nông dân phân loại thu gom vận chuyển rác thải
Return to top