ClockChủ Nhật, 08/05/2016 06:57

Bài học từ một vụ hủy hôn nhân trái pháp luật

TTH - Người trong cuộc không tìm hiểu kỹ. Chính quyền địa phương sở tại “lơ đễnh” khi xác nhận tình trạng hôn nhân. Hai yếu tố đó dẫn đến một bi kịch hôn nhân và gia đình, khiến tòa án phải giải quyết việc “hủy kết hôn trái pháp luật”. Hệ lụy nặng nề.

Ngày 22/4, TAND TP Huế mở phiên họp để giải quyết việc “hủy kết hôn trái pháp luật” giữa chị T.T.M.H (24 tuổi, đăng ký nhân khẩu thường trú tại Phường Đúc, TP Huế) và anh T.T.A (29 tuổi, đăng ký nhân khẩu thường trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Kể từ thời điểm thụ lý đơn yêu cầu của chị H, quá trình giải quyết, nhiều lần tòa án tống đạt giấy triệu tập nhưng anh A cố tình không hợp tác. Sau khi tiến hành niêm yết các thủ tục tố tụng tại địa phương nơi anh A đăng ký nhân khẩu thường trú theo quy định, tòa án mở phiên họp nêu trên. Chỉ chị H và mẹ ruột có mặt.

Qua lời khai của chị H tại phiên họp, các tài liệu mà tòa án điều tra xác minh được, nội dung vụ việc như sau: Từ sự giới thiệu của bạn bè, chị H và anh A (làm nghề bỏ các loại hàng hóa bia, bánh kẹo cho nhiều đại lý trên địa bàn tỉnh) quen biết và nảy sinh tình cảm. Được UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) xác nhận chưa kết hôn lần nào, anh A cầm giấy xác nhận nói trên ra Huế, đến UBND phường Đúc làm thủ tục đăng ký kết hôn với chị H. Sau đó hai bên gia đình tổ chức lễ cưới cho anh A chị H. Cưới xong, vợ chồng thuê nhà trọ ở gần nhà cha mẹ chị H tại Phường Đúc, TP Huế. Chị H sinh con trai (nay hơn 2 tuổi).

Nhưng thật oái oăm, mấy tháng sau khi cưới, chị H mới phát hiện, trước khi đăng ký kết hôn với chị, anh A đã đăng ký kết hôn với chị D (ở Hà Nội, hiện vẫn chưa ly hôn). Như vậy, anh A chị D mới là vợ chồng hợp pháp. Về mặt pháp lý, chị H rơi vào tình trạng “dở khóc dở mếu”. Đã vậy, anh A còn “dụ” cô ruột của chị H góp vốn với số tiền 500 triệu đồng, để làm ăn. Sau khi phát hiện sự lừa dối của “cháu rể” đối với cháu gái mình, người cô yêu cầu rút vốn, nhưng anh A viện lý do làm ăn thua lỗ, không hoàn lại. Bị tổn thương nghiêm trọng về tình cảm, lại chẳng chính danh về mặt pháp lý, do đó chị H “đâm” đơn ra tòa yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật, yêu cầu được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con. Hệ lụy: “Bỗng dưng” cuộc đời chị H dang dở “lỡ một lần đò”. Con thơ “không” cha, phải gánh chịu biết bao khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thẩm phán hỏi trong quá trình yêu đương, chị có bao giờ vào thăm nhà anh A ở Đà Nẵng, có tìm hiểu kỹ về các mối quan hệ của anh A? Chị H trả lời “có tìm hiểu sơ sơ”. Đến gần ngày cưới chị mới vào nhà anh A. Quê anh A ở Hà Nội. Chị D vợ anh A cũng quê ngoài đó. Anh A và gia đình chuyển vào Đà Nẵng sinh sống thời gian sau này. Vốn dĩ cha mẹ, họ hàng anh A cùng vào hùa với con trai lừa dối, nên thời gian chị và anh A gần tổ chức đám cưới, gia đình bên anh A “dụ” chị D đưa con nhỏ trở ra Hà Nội sống. Vì thế chị và gia đình không thể phát hiện được anh A đã có vợ.

Mẹ của chị H cũng trình bày trước tòa, gia đình bà chưa lần nào “qua lại” với sui gia tương lai cho đến lúc cha mẹ A ra Huế đặt vấn đề xin cưới. Gần ngày cưới của hai đứa, gia đình bà vào thăm nhà sui gia. Chưa ngồi được bao lâu, “bên kia” đã vội vã mời ra nhà hàng dùng cơm, nên vợ chồng bà không có cơ hội tiếp cận hàng xóm láng giềng để tìm hiểu. Hơn nữa, A có trong tay giấy xác nhận của UBND phường Hòa Minh, xác nhận A chưa kết hôn lần nào, nên gia đình bà không hề nghi ngờ điều gì. Cũng do bản xác nhận “hợp pháp” này, nên UBND Phường Đúc đã tiến hành thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn giữa chị H với anh A.

Sau quá trình điều tra xác minh của tòa án, kết quả: Trước khi đăng ký kết hôn với chị H, anh A đã đăng ký kết hôn với chị D tại Hà Nội (đến nay vẫn chưa ly hôn). Ý kiến thẩm phán: Lẽ ra khi anh A đến UBND phường Hòa Minh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) yêu cầu xác nhận về tình trạng hôn nhân của mình, thì UBND phường này chỉ được phép xác nhận trong khoảng thời gian bắt đầu từ khi anh này đến đăng ký hộ khẩu tại địa phương. Thời gian trước khi A đến sinh sống tại Đà Nẵng, A đăng ký hộ khẩu ở đâu, thì địa phương nơi đó có trách nhiệm xác nhận. Nếu UBND phường Hòa Minh thực hiện đúng quy trình nêu trên, việc xác nhận mới chặt chẽ và đúng theo quy định, không xảy ra hậu quả như trường hợp này. Thẩm phán cũng cho rằng, dù sai sót nêu trên xảy ra tại UBND một địa phương khác, nhưng thông qua “kênh” báo chí,  mong rằng vụ việc này là sự cảnh báo cho các UBND phường, xã trên địa bàn Thừa Thiên Huế, tránh rơi vào sai sót đáng tiếc, dẫn đến hậu quả và hệ lụy như trong trường hợp này.

Duy Trí   

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xử lý hành vi tố cáo không đúng sự thật, trái pháp luật

Trước kỳ Đại hội Đảng hoặc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp thường có hiện tượng đơn thư tố cáo đối với người được quy hoạch hoặc giới thiệu ứng cử. Có thể đơn thư chính danh hoặc nặc danh, nhưng nguy hiểm nhất là tố cáo nặc danh, tố cáo không đúng sự thật.

Xử lý hành vi tố cáo không đúng sự thật, trái pháp luật

TIN MỚI

Return to top