ClockThứ Năm, 28/02/2019 13:45

“Bài học” từ “vụ án Hợp tác xã thương mại dịch vụ Thuận Thành”

TTH - TAND tỉnh đã xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Lê Thị Hương (nguyên Chủ nhiệm hợp tác xã thương mại dịch vụ Thuận Thành); Phạm Thị Minh Hoa (nguyên kế toán trưởng), Tôn Nữ Thu Huệ (nguyên thủ quỹ), Võ Lập và Phạm Hữu Bảo (nguyên Phó chủ nhiệm), phạm tội “kinh doanh trái phép”. Vụ án là “bài học” đắt giá trong việc không tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh.

Cần quan tâm giải quyết quyền lợi người lao động

Theo nội dung vụ án: Trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2011 đến tháng 12/2013, do cần nguồn vốn để hoạt động kinh doanh, bà Hương với tư cách là Chủ nhiệm, người đại diện theo pháp luật của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Thuận Thành (gọi tắt là HTX) soạn thảo sổ tiết kiệm (STK), ký tên và đóng dấu của HTX để phát hành STK có thời hạn, nhằm mục đích huy động vốn nhàn rỗi trong dân, mặc dù khi Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực, HTX sẽ không được cấp giấy phép tổ chức các hoạt động huy động vốn bằng hình thức phát hành STK có thời hạn.

Bà Hương đã phát hành trái phép 117 STK, huy động vốn của 88 trường hợp, với tổng số tiền 11.298.682.100 đồng. Bà Hoa, bà Huệ, ông Lập, ông Bảo thực hiện theo sự chỉ đạo, ủy quyền của bà Hương, đã trực tiếp ký các STK. (Việc phát hành STK, huy động vốn với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng, nhằm mục đích đưa vào quỹ hoạt động kinh doanh của HTX, dùng để trả lãi suất và giảm vốn vay của người trước; lấy số vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn dẫn đến thua lỗ, mất khả năng thanh khoản và không có tiền trả lại cho người dân).

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các bị cáo Hương, Hoa, Huệ, Lập, Bảo cùng với HTX đã nộp lại số tiền 150.000.000 đồng, nhằm khắc phục một phần hậu quả cho các người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo hội đồng xét xử: Các bị cáo Hương, Hoa, Huệ, Lập và Bảo đều là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS), nhận thức được việc HTX không được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép kinh doanh các hoạt động huy động vốn bằng hình thức phát hành STK; việc phát hành STK có thời hạn sau thời điểm Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực (ngày 01/01/2011) là trái pháp luật, nhưng các bị cáo vẫn thực hiện. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế của nhà nước.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định của pháp luật như: Các bị cáo chưa có tiền án tiền sự; khắc phục một phần hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với CQĐT trong quá trình giải quyết vụ án, có nhân thân tốt, từng có nhiều thành tích (bà Hương được Thủ tướng Chính phủ tặng “Bằng khen” vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, công tác; ông Bảo được Bộ Thương mại tặng “Bằng khen” vì đã có thành tích xây dựng ngành Thương mại Việt Nam; bà Hoa có bố mẹ được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Kháng chiến hạng Nhì”; ông Lập có bố được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba”) để lượng hình phù hợp. Do đó, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Hương 9 tháng tù; bị cáo Hoa 5 tháng tù; bị cáo Huệ 5 tháng tù; bị cáo Lập 4 tháng tù, bị cáo Bảo 3 tháng tù (các bị cáo Hoa, Huệ, Lập, Bảo cho hưởng án treo). Tòa buộc HTX phải bồi thường toàn bộ số tiền gốc đã huy động trái pháp luật từ 88 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tổng cộng 11.298.682.100 đồng. HTX đã nộp cho CQĐT 150.000.000 đồng, còn phải bồi thường 11.148.682.100 đồng. 

Ngoài 117 STK phát hành trái phép nêu trên, còn có 15 STK với tổng số tiền 2.106.144.000 đồng, do HTX phát hành, huy động vốn nhằm mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, các STK này được phát hành huy động vốn trước ngày 1/1/2011 (trước khi Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực) và hết thời hiệu truy cứu TNHS, nên xác định đây là quan hệ dân sự. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện bằng một vụ án dân sự.

Như vậy từ vụ án nêu trên cho thấy, cần tuân thủ nghiêm mọi quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh để tránh “mất trắng” quá trình  nỗ lực cố gắng đóng góp của bản thân trước đó đã được xã hội và Nhà nước ghi nhận; gây nguy hiểm cho xã hội. Bởi biết bao gia đình người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này tan nát vì số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, có những người gần cả tỷ đồng, biết đến bao giờ mới lấy lại được?

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vỉa hè đâu của riêng ai ?

Điều 36 Luật Giao thông đường bộ nêu rõ: “Lòng đường và hè phố chỉ dành cho mục đích giao thông” và lâu nay ai cũng hiểu đường và vỉa hè là sở hữu công cộng do Nhà nước quản lý, vậy nhưng một thực tế nghịch lý là nó đang “được quản lý” bởi những người kinh doanh trên vỉa hè trái phép.

Vỉa hè đâu của riêng ai
Phổ biến pháp luật về kinh doanh khí

Ngày 9/6, Sở Công thương tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật về kinh doanh khí nhằm tuyên truyền các văn bản pháp luật mới để các DN, cơ sở kinh doanh thực thi có hiệu quả trong công tác quản lý, hoạt động kinh doanh khí trên địa bàn.

Phổ biến pháp luật về kinh doanh khí

TIN MỚI

Return to top