ClockThứ Bảy, 15/04/2017 13:31

Bãi tập kết cát tại 372 Bùi Thị Xuân là trái phép

TTH - “Bãi tập kết cát tại 372 Bùi Thị Xuân (phường Đúc, TP. Huế) của Công ty cổ phần Xây dựng 939 gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe của người dân”... Đó là phản ánh của người dân tổ 16, 17 phường Đúc.

Bãi tập kết cát trái phép tại 372 Bùi Thị Xuân-TP Huế ngang nhiên tồn tại

Gây ô nhiễm môi trường

Theo đơn và phản ánh của người dân: Trước đây, đường Bùi Thị Xuân nắng thì bụi mù, mưa thì lầy lội, nên Nhà nước đầu tư xây dựng sạch, đẹp. Đồng thời, theo chủ trương của UBND tỉnh, tất cả các bãi cát sạn nằm dọc đường Bùi Thị Xuân đều được “xóa sổ” hoặc di dời, trả lại môi trường sạch cho khu dân cư. Thế nhưng gần đây, tại địa chỉ 372 Bùi Thị Xuân “mọc” lên một kho vật liệu xây dựng thuộc Công ty cổ phần Xây dựng 939, nhưng thực chất là bãi trung chuyển cát trá hình và khai thác cát trái phép. Người dân khu vực này phải chịu cảnh cát bụi mù mịt suốt ngày, tiếng ồn từ việc chạy máy hút cát dưới sông lên, nước phèn ứ đọng. Việc hàng trăm lượt xe ben lớn, nhỏ ra vào bãi chở cát mỗi ngày, lượng cát rơi vãi trên đường ngày càng nhiều gây bụi mù, nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đã từng xảy ra không ít vụ trượt xe té ngã vì cát, thậm chí có người tham gia giao thông bị xe chở cát tông thiệt mạng. Khi người dân phản đối dữ dội thì chủ bãi cát cho tưới nước “gọi là”, không những không giải quyết nạn bụi mà còn gây tình trạng hơi đất bốc lên trong những ngày nắng nóng, làm ảnh hưởng sức khỏe các cháu nhỏ, người già.

Có mặt tại khu vực nêu trên, chúng tôi chứng kiến nhiều lượt xe vào ra bãi chở cát. Hôm đó trời không nắng, nhưng tình trạng bụi vẫn rất kinh khủng. Dù nhiều nhà phải che chắn xung quanh, luôn đóng cửa kín mít, thế nhưng, bàn ghế, vật dụng vẫn bám bụi. Trên những mặt bàn tại quán ăn đối diện bãi cát là một lớp bụi khá dày. Vợ chồng anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ quán cho biết, từ khi bãi cát đi  vào hoạt động, việc kinh doanh, làm ăn của gia đình anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vắng khách. “Bụi bặm thế này thì khách nào dám ngồi đây ăn uống. Mỗi ngày tui chùi bàn hàng chục lần nhưng lau xong bụi lại bám. Trước đây, mỗi lần tiếp xúc cử tri, phường, khu vực họp dân, chúng tôi đều có ý kiến phản ánh, yêu cầu giải quyết nhưng thực tế vẫn tồn tại", anh Hiếu bức xúc.

Trái pháp luật vẫn tồn tại

Ông Nguyễn Thanh Hiệp (78 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBMT, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Phường Đúc) cũng cho biết, người dân khu vực này đã có rất nhiều ý kiến, đơn phản ánh nhưng việc giải quyết không thấu đáo. Bãi cát trung chuyển và khai thác cát trái phép “đội lốt” kho vật liệu xây dựng vẫn ngang nhiên hoạt động. “Người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ trong khu vực hầu như ai cũng bị bệnh về hô hấp vì hàng ngày hít bụi. Mùa mưa, hệ thống vệ sinh sân vườn nhiều nhà bị ngập, ô nhiễm nghiêm trọng, nguyên nhân vì cát, nước phèn từ hoạt động của bãi cát gây tắc hệ thống cống rãnh. Có gia đình chết cả vườn cây ăn trái vì tình trạng ngập phèn này. "Chúng tôi không có đêm nào ngủ ngon vì tiếng ồn hầu như suốt đêm do động cơ máy hút cát gây ra. Nguy hiểm hơn, việc hút cát là nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng tài sản, tính mạng con người...”-vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hiệp phản ánh.

Việc xử lý thuộc thẩm quyền UBND phường

Theo ông Trần Minh Tuấn, cán bộ địa chính xây dựng UBND phường Phường Đúc: Giấy phép hoạt động, địa điểm nêu trên là kho vật liệu xây dựng (cát, sạn, xi măng, sắt thép...) của Công ty cổ phần Xây dựng 939, nhưng đúng như người dân phản ánh, trên thực tế đây là bãi tập kết, trung chuyển cát. Từ năm 2009, UBND tỉnh có chủ trương, văn bản cấm hoạt động bến bãi cát sạn trên nhiều địa bàn, trong đó có địa bàn phường Phường Đúc. Tuy nhiên, việc xử lý không thuộc thẩm quyền của UBND phường, do đó UBND phường chỉ (nhiều lần) phối hợp công an phường yêu cầu xe trọng tải lớn không hoạt động, đồng thời nhắc nhở, lập biên bản về việc gây bụi, tiếng ồn. Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Xây dựng chủ trì đã kiểm tra đối với hoạt động tại địa điểm này, đã lập biên bản. Phường đang đợi kết luận, thông báo của đoàn kiểm tra. UBND phường cũng mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền chấm dứt hoạt động của bãi trung chuyển cát nêu trên.

Trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế,  ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, Đoàn kiểm tra còn phải kiểm tra trên nhiều địa bàn khác, lúc nào kết thúc mới có thông báo chung gửi về các địa phương.

Riêng đối với bãi tập kết kho vật liệu nêu trên, Đoàn kiểm tra đã có biên bản (trong đó có UBND phường Phường Đúc là thành viên) nêu rõ kho vật liệu “không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, không có giấy phép xây dựng bãi tập kết theo quy định, không có văn bản cam kết bảo vệ môi trường...” và kết luận “đề nghị chủ bãi tập kết chấm dứt hoạt động tập kết bãi vật liệu...”.

Ông Hùng nhấn mạnh, nếu chủ bãi không chấp hành, việc xử lý thuộc thẩm quyền UBND phường, hoặc UBND phường kiến nghị UBND TP.Huế xử lý cưỡng chế, giải tỏa bến bãi trái phép, theo quy định tại Quyết định 936 ngày 29/5/2012 của UBND tỉnh.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm tại KCN Phú Bài

Ngày 9/12, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV đầu tư & phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN Phú Bài - TX. Hương Thủy) do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm tại KCN Phú Bài
Hệ lụy của thời trang nhanh

Thuật ngữ “thời trang nhanh” hay thời trang “mì ăn liền” dùng để chỉ những loại hàng may mặc giá rẻ, sản xuất hàng loạt và nhanh chóng để bắt kịp các xu hướng thời trang mới nhất. Ngày càng có nhiều bạn trẻ sử dụng thời trang nhanh đã gây nên một sức ép lớn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hệ lụy của thời trang nhanh
Sạch sẽ, gọn gàng, chợ sẽ có sức hút

Tuyên truyền vận động là cần thiết và đương nhiên. Tuy nhiên, nếu không kết hợp với chế tài thích đáng, nghiêm túc thì có lẽ vấn nạn rác thải nơi các ngôi chợ sẽ... “muôn đời vẫn thế”.

Sạch sẽ, gọn gàng, chợ sẽ có sức hút
Nhựa dùng một lần trở thành mối đe dọa lớn

Những chiếc túi nhựa, hộp xốp, chai nước… (gọi chung là đồ nhựa dùng một lần) là những vật dụng mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày bởi sự tiện dụng và giá thành rẻ. Tuy vậy, chúng lại tiềm ẩn mối đe dọa đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường.

Nhựa dùng một lần trở thành mối đe dọa lớn
Chống nắng, chống luôn san hô

Dặm một chút son, trước đó là một lớp kem chống nắng mỏng để ra đường – đó là cách mà tôi thường dùng mỗi ngày. Thâm tâm, tôi luôn nghĩ mình là người đơn giản và bằng cách này, có lẽ cũng thuộc dạng thân thiện với môi trường. Vài năm trở lại, đó cũng là hai thứ mà tôi luôn mang theo trong túi xách của mình mỗi ngày.

Chống nắng, chống luôn san hô
Return to top