ClockThứ Bảy, 03/11/2018 12:44
GIẢI TỎA KHU VỰC I, KINH THÀNH HUẾ:

Bài toán di dân – kỳ 2: “Cần sự đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm”

TTH - Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Thừa Thiên Huế đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế đặc thù để di dời giải tỏa dân cư trong các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, trước mắt là khu vực Kinh thành. Nếu có cơ chế này, hàng ngàn hộ dân được an cư, đô thị Huế được chỉnh trang và Thừa Thiên Huế có sức bật mới.

Giải tỏa khu vực I, Kinh thành Huế: Bài toán di dân - Kỳ 1: “Đi sớm, về muộn”

Đất cát, rác, cỏ ngập hộ thành hào đoạn qua phường Phú Hòa

Cần vốn

Công tác giải tỏa, di dời dân cư ra khỏi khu vực I, Kinh thành đã “nóng” từ 20 năm trước khi Thừa Thiên Huế trùng tu Kỳ đài. Hiện còn khoảng 4.200 hộ dân (hơn 20.000 nhân khẩu) cần phải di dời, giải tỏa. Trong đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I, Kinh thành, Thừa Thiên Huế tính toán việc thu hồi đất một lần cho toàn bộ diện tích 96,2 ha (gồm 24,7 ha thuộc khu vực I, Kinh thành và 71,5 ha phục vụ tái định cư ở khu quy hoạch Bắc Hương Sơ). Đồng thời, xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án giải tỏa khu vực I, Kinh thành.

Trong các dự án di dời, giải tỏa dân cư vùng di tích, khó khăn của Thừa Thiên Huế là đất sau thu hồi không thể trở thành đất thương mại, nên không có nguồn thu để bù đắp. Vì vậy, trong tổng số 2.234 tỷ đồng cần đến để bồi thường, hỗ trợ đối với 96,2 ha (1.398 tỷ đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư khu vực I, Kinh thành; 946 tỷ đồng giải tỏa, bồi thường hỗ trợ tái định cư ở khu quy hoạch Bắc Hương Sơ), Thừa Thiên Huế mong muốn được Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ phần kinh phí giải tỏa, di dời, tái định cư người dân khu vực I, Kinh thành. Phần liên quan đến khu quy hoạch Bắc Hương Sơ, tỉnh sẽ huy động ngân sách và từ nhiều nguồn khác. Dự kiến, sẽ có khoảng 30% dự án trùng tu di tích ở Thừa Thiên Huế bị cắt giảm để tập trung nguồn lực cho dự án này.

Nếu được cho phép áp dụng khung chính sách này, Thừa Thiên Huế có điều kiện bảo đảm người dân bị ảnh hưởng có chất lượng cuộc sống cao hơn nơi ở cũ. Khung chính sách nhất quán sẽ giúp Thừa Thiên Huế hạn chế khiếu nại, tố cáo, so bì giữa các đối tượng, đồng thời tránh trượt giá do kéo dài công tác giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tâm huyết: “Di dời, giải tỏa dân cư ra khỏi khu vực I, Kinh thành là nguyện vọng của người dân, cũng là mong muốn lớn nhất của tỉnh và tỉnh rất quyết tâm để thực hiện. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, về chính sách nên có thể khởi động dự án vào thời điểm nào thì phải tính toán kỹ”.

"Không quay đầu trở lại"

Hình ảnh người dân sống khổ trong điều kiện nhà cửa tạm bợ, nhếch nhác, ô nhiễm gắn với các công trình di tích ở Cố đô Huế đã không còn quá xa lạ. Nhưng phải một lần tận thấy nơi người dân ăn ở và giải quyết những nhu cầu cơ bản nhất của con người, mới cảm nhận được sự thống khổ, mòn mỏi trong cuộc sống của họ. 

Đi sâu vào đường Trần Huy Liệu (phường Phú Hòa), nhiều đoạn có chiều rộng như một lối kiệt nhỏ và nhiều kiệt chỉ đủ rộng cho hai người đi bộ. Nằm sâu trong kiệt 145 Trần Huy Liệu, nhà bà Lê Thị Vân chỉ rộng khoảng 5m2. Đang ngủ dưới nền nhà, thấy có khách, cậu con trai của chủ nhà đứng dậy, đứng cuộn trong góc nhà nhường chỗ cho khách. Thật khó để gọi không gian ấy là nhà. Nhưng đó nơi “qua ngày” của 7 còn người trong gia đình bà Vân. Hỏi về nguyện vọng nếu được di dời, bà Vân xúc động: Đó là mong ước cả đời, mong thành hiện thực để cuối đời có chỗ ở đàng hoàng.

Lối vào kiệt 299 Trần Huy Liệu cũng chỉ là một lối đi nhỏ và có bậc cấp thấp dần sát hộ thành hào. Ông Nguyễn Văn Quý “giới thiệu”: Mùa ni còn khô ráo, chơ gặp trận mưa to là bao nhiêu hôi thối rác rưởi ngoài hào “tìm đường” vô đây hết. Khi biết sắp có dự án di dân về nơi khác thoáng rộng hơn nhưng Nhà nước cần dân đồng tình ủng hộ, ông Quý phấn khích: Ai mô không biết chơ tui là nói thiệt, nếu ngày mai có miếng đất để đi, tui nguyện vứt lại hết và đi luôn.

Sống ở kiệt 1/Xuân 68, ông Nguyễn Hữu Lai là một trong những người chứng kiến khá đầy đủ sự “đầy” lên mỗi ngày của dân cư trên Kinh thành, khi ông đã gắn bó với nó 78 năm. Chừng ấy thời gian, rất nhiều lần ông được nghe đến chuyện di dời dân ra khỏi di tích. Nguyên là cán bộ tổ dân phố, ông cũng nhiều lần hỗ trợ chính quyền cơ sở điều tra, thống kê, khảo sát hiện trạng cuộc sống của người dân trong khu vực. Nhưng rồi mọi việc lại đâu vào đó. Ở tuổi gần đất xa trời, điều ông trăn trở nhất là sớm có được chỗ an cư đúng nghĩa: “Mình thì xong rồi nhưng còn con, cháu và cuộc đời dài phía trước của chúng”. Nói về dự án di dời, giải tỏa hàng ngàn hộ dân trên Kinh thành đang được Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ quyết liệt triển khai, ông Nguyễn Hữu Lai rõ ràng: “Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã hứa, dân chúng tôi đều tin tưởng và ủng hộ. Tỉnh nói đi là đi, không níu kéo dùng dằng”.

Lãnh đạo tỉnh quyết tâm rất cao để thực hiện dự án di dân ra khỏi khu vực I, Kinh thành. Nhưng để sự quyết tâm ấy có thể trở thành hiện thực, hoàn thành chủ trương lớn, tỉnh rất cần sự đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm từ phía người dân và chính quyền các cấp. Sự đồng thuận quan trọng nhất là trong quá trình giải tỏa, di dân, không dễ để những vướng mắc nhỏ trở thành lực cản lớn.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới

Từ ngày 14 đến 17/11, trên địa bàn tỉnh có mưa to, mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Cần đề phòng sạt trượt ở vùng núi, ngập úng vùng thấp trũng.

Tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới
Rà soát di dân, hạ mực nước hồ chứa ứng phó mưa lớn

Dự báo từ đêm 12 đến ngày 17/11, trên địa bàn tỉnh có mưa to, mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 250-500mm, có nơi trên 800mm. Hồ đập tiếp tục điều tiết nước, các địa phương rà soát di dân, chủ động phương án ứng phó.

Rà soát di dân, hạ mực nước hồ chứa ứng phó mưa lớn
Tìm hướng giải tỏa áp lực giao thông cho Kinh thành Huế

Cần tính toán phân luồng giao thông bên trong Kinh thành Huế một cách khoa học, hợp lý để vừa bảo tồn, vừa phát triển. Cùng với đó, nghiên cứu để phát triển hệ thống du lịch đường thủy bên trong Kinh thành tạo một điểm du lịch hấp dẫn…

Tìm hướng giải tỏa áp lực giao thông cho Kinh thành Huế
Giải tỏa “cơn khát” vốn mùa cao điểm

Cuối năm là lúc doanh nghiệp (DN) vào cuộc đua cao điểm sản xuất, kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán. Nhu cầu vốn của DN do vậy cũng tăng. Song theo phản ánh của DN, việc tiếp cận vốn thông qua các tổ chức tín dụng không hề dễ dàng như mọi năm.

Giải tỏa “cơn khát” vốn mùa cao điểm
Return to top