ClockThứ Bảy, 21/06/2014 04:37

Bám biển “nuôi chữ” cho con

TTH - Ngư dân làng biển An Dương (Phú Thuận, Phú Vang) không ai là không yêu biển... Biển mang lại nhiều thứ, trong đó có cả việc giúp con em làng chài nuôi ước mơ con chữ.

Ngư dân Nguyễn Văn Chiến trên chiếc tàu cá mới tu sửa và lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh

Làm giàu trên vùng biển quê hương

Có lẽ gần mười năm rồi, tình cờ vào đầu tháng 5 năm 2014 tôi gặp lại ông Nguyễn Văn Chiến tại trụ sở UBND xã Phú Thuận. Ông Chiến ôm chầm lấy tôi, đầy xúc động. Sau vài phút hàn huyên, ông bảo: “Bài chú viết về tôi đăng trên báo dạo nọ, hiện giờ tôi vẫn còn lưu giữ trong tủ. Thỉnh thoảng rỗi thời gian tôi lại giở ra xem...”. Bất chợt những ký ức về ông Chiến thời trẻ và khí thế làm ăn của Hợp tác xã đánh cá An Dương thuở trước lại ùa về. Ông Chiến kể: “Tháng 8/1987, hợp tác xã đánh cá của xã Phú Thuận, làm ăn thịnh vượng nhất tỉnh. Lúc đó thuyền ông Chiến, ông Dũng và 20 thuyền của bà con trong thôn có công suất không lớn, nhưng nhờ kinh nghiệm đánh bắt, nên các đội tàu cá của làng ông Chiến bao giờ cũng “dò đúng” theo luồng cá đi... 20 đội thuyền của thôn An Dương lúc đó trở thành “lá cờ đầu” với sản lượng đánh bắt hàng trăm tấn cá, bao giờ cũng vượt sản lượng và về đích trước thời gian.

Kể về ký ức của những ngày đầu tiên bám biển, ông Chiến xởi lởi: “Tui năm ni gần 60 tuổi rồi, cũng mừng là con cái làm ăn được. Mình ra biển để động viên con và các anh em mần ăn cho khấm khá. Cố gắng kiếm tiền để nuôi con cái ăn học thành tài”. Bác Liệu, đứng cạnh phụ họa thêm: “Ở làng ni vào thời điểm hiện ni thuyền mô cũng làm ăn khấm khá. Được rứa nhờ ông Chiến, ông Dũng, ông Ngô Đức Tâm và mấy em trong tổ đội đoàn kết gầy dựng suốt hơn hai mươi năm nay”. Theo bác Liệu, ngư dân An Dương đam mê nghề nghiệp không kể chi trẻ già, trừ những người ốm đau nằm dính chiếu chứ còn sức họ còn ra biển...

Không để con em làng chài thất học

Dẫn tôi ra thăm con tàu vừa cải hoán công suất máy lên gần 200CV cách đây chừng một năm, ông Ngô Đức Xuyên, Tổ trưởng Tổ tàu đoàn kết số 4 xã Phú Thuận, luôn miệng nói: “Làm răng cũng không để con em làng chài thất học. Nếu để bọn trẻ mù chữ thì chính những người có trách nhiệm ở làng này và cả tôi có lỗi với tiền nhân”. Ông Xuyên tâm sự: “Hồi ấy, kinh tế còn khó khăn lắm, rứa mà vợ chồng tui “trót” sinh đến 5 đứa con. Quyết không vì cái nghèo, cái khó mà hạn chế sự học của các con nên sau nhiều lần bàn tính, vợ chồng tui quyết định đầu tư tất cả tài sản vào tàu thuyền, mua sắm thêm nhiều ngư lưới cụ để vươn khơi xa...”. Thế rồi, như có duyên phận với biển cả nên sau nhiều chuyến biển trúng đậm tôm, cá, mực... vợ chồng ông Xuyên phất lên nhanh chóng trước sự ngỡ ngàng của bà con thôn xóm. Ông Xuyên tiếp tục cải hoán máy móc để gọi thêm 7 thanh niên đang thất nghiệp trong thôn đi theo phụ tàu với thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.

Từ việc tiên phong tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp ở trong thôn, cộng với trên 30 năm kinh nghiệm đi biển, tháng 10-2008, lão ngư Ngô Đức Xuyên được Chi hội nghề cá xã Phú Thuận bầu làm Tổ trưởng Tổ tàu đoàn kết số 4 khi xã có chủ trương thành lập các tổ tàu đoàn kết trên biển. “Đến giờ, tui vẫn không tin rằng chính con cá, con tôm trên biển đã đem lại của cải và giúp vợ chồng tui nuôi được 5 người con ăn học thành người. Trong đó, cu Phước và bé Ny thi đỗ vào ngành Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Hiện mỗi năm, bình quân tàu cá của gia đình thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng”, ông Xuyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Chường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) không giấu được niềm vui, khi trên địa bàn có nhiều ngư dân làm kinh tế giỏi và nuôi được nhiều con em học đến đại học. Nhờ quyết tâm bám biển, bám ngư trường của ngư dân mà sản lượng đánh bắt hải sản của toàn xã năm 2013 đạt 8.950 tấn, góp phần phát triển kinh tế địa phương. “Không những nỗ lực bám biển, nuôi 5 người con ăn học, trong đó có 2 người học đại học mà với quyết tâm giữ gìn, bảo vệ ngư trường nên năm 2010, ngư dân Ngô Đức Xuyên cùng Tổ tàu đoàn kết của ông đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Bằng khen về thành tích “6 năm tham gia tự quản đường biên, cột mốc quốc giới và ANTT khu vực biên giới trên biển”.

Bài và ảnh: Ngọc Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng

Ngày 20/4, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh, Xã đoàn Hương Thọ (TP. Huế) và Trường tiểu học Hương Thọ tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam cho đoàn viên thanh niên các đơn vị và chiến sĩ mới.

Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7: Điểm hẹn đảo đá Tây A

Đảo Đá Tây A nhìn từ xa như một chiếc bè lớn giữa biển khơi, nhưng khi đến gần, nhận ra ngay sự sống sôi động, sung túc từ những vườn cây, cho đến ánh mắt người và nụ cười của trẻ thơ. Điều bất ngờ là khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo, tiếng gà gáy sáng chợt vang lên kiêu hãnh. Từ lâu, đảo Đá Tây A được xem là điểm hẹn của ngư dân Việt Nam trên biển.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7 Điểm hẹn đảo đá Tây A
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Return to top