ClockThứ Ba, 02/06/2015 16:36

Bám rừng phòng “giặc lửa”

TTH - Dưới cái nắng gay gắt với nhiệt độ có lúc lên đến 39, 40 độ C, những người làm nhiệm vụ canh lửa, giữ rừng vẫn bám chốt ở các vùng trọng điểm dễ cháy, nhất là khu rừng thông cảnh quan của T.P Huế, để thông tin, huy động dập tắt lửa kịp thời.

Không chủ quan

Như thường lệ, sắp đến ngày rằm, ba mươi, mồng một âm lịch, ông Nguyễn Văn Thành, sống ở khu vực phía Bắc T.P Huế lại lên nghĩa trang thành phố để phát dọn cỏ, làm vệ sinh các ngôi mộ gia đình, đốt nén nhang, một ít vàng bạc tỏ lòng thành. Trò chuyện với ông Thành, chúng tôi cố tình nhắc khéo: “Bác để ý kẻo cháy nhé!”. Ông Thành cười đáp: “Đã có lòng đi thăm viếng thì vội vã làm chi, mình hãy đợi hương tàn, vàng bạc cháy xong rồi thu dọn sạch sẽ, vừa thể hiện cái tâm và ý thức trong việc chấp hành nội quy bảo vệ rừng”. Chỉ vào những tấm bảng cảnh báo đề phòng cháy rừng được dựng và treo rất nhiều nơi, ông Thành bảo: “Cơ quan chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở đến tận nơi như vậy thì không lý do gì mình lại không chấp hành nghiêm túc. Việc đốt vàng mã tại mộ cũng nên đốt rất ít và đốt trong khuôn viên ngôi mộ, tránh trường hợp lửa cháy xém ra thảm lá thông xung quanh”.
Trực chiến tại các chòi canh để phát hiện lửa và cấp báo chữa cháy kịp thời
Dạo quanh khu vực có rừng thông cảnh quan, lưu lượng người dân đi tảo mộ ở các khu nghĩa trang nằm xen lẫn diện tích rừng thông Tam Thai, Thiên Thai, Ngự Bình... khá đông. Ông Dương Văn Liễu, Tổ Trưởng Tổ Bảo vệ rừng Chín Hầm - Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong nói rằng, không phải ai đến thắp hương, viếng mộ cũng có ý thức trong việc giữ lửa, bảo vệ rừng. Do đó, các khu vực này được đơn vị đưa vào danh sách có nguy cơ cháy rừng cao. Ngay từ đầu mùa nắng nóng, anh em các tổ bảo vệ rừng phải thay phiên nhau trực các chòi canh, tuần tra canh gác lưu động từ sáng sớm cho đến khuya. Người nào trúng ca trực chòi canh ban ngày đều phải bới theo cơm, nước để ăn trưa tại chỗ, vì thời gian từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, ca trực tuyệt đối không được rời chòi canh.
Ông Liễu trò chuyện: “Tưởng thảnh thơi vậy đó, nhưng anh em phải căng mắt quan sát mọi hướng. Nhất là những ngày có gió phơn, anh em trực chòi nóng rát cả da thịt, rất khó chịu, nhưng vẫn phải bám trụ, vì chỉ cần lơ là, thiếu phối hợp là cháy lớn như chơi”. Cách đây chưa lâu, tại khu vực nghĩa trang, do bất cẩn của người dân khi thắp hương viếng mộ đã xảy ra đám cháy nhỏ trong phạm vi diện tích khoảng 8 đến 10m2. Nhưng nhờ anh em trực chòi canh phát hiện và cấp báo nhanh nên đã dập tắt lửa kịp thời, không ảnh hưởng đến rừng cảnh quan.
 
Ăn ngủ với rừng
Qua kinh nghiệm những năm trước, ngay từ đầu mùa khô, Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong và một số đơn vị chủ rừng trên địa bàn phường An Tây, An Cựu, Trường An, Thủy Biều, Hương Long đã huy động lực lượng bảo vệ rừng ra quân cào dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa. Nhất là những khu vực như Ngự Bình, Tam Thai, Thiên Thai, Động Tranh, Huyền Trân công chúa, Tượng đài Quán Thế Âm... được xác định là những vùng trọng điểm dễ cháy nên thường xuyên có lực lượng tuần tra, canh gác, nhắc nhở các hoạt động của người dân có sử dụng lửa. Điểm thuận lợi trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố cũng như các tiểu khu lân cận ở Hương Thủy, Hương Trà là hệ thống chòi canh lửa rừng của các đơn vị chủ rừng luôn được bố trí người canh gác thường xuyên, có tầm quan sát tốt, nên dễ phát hiện cháy rừng. Với 8 chòi canh của Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong đóng ở khu vực Núi Vung, Tân Ba, Chín Hầm, Hải Cát, Bình Điền, Hương Bình, cùng các chòi canh của các Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, Sông Bồ đã hỗ trợ cho nhau trong việc giữ rừng rất tốt. Trong đó phải kể đến chòi canh Kim Phụng của đội Hải Cát, đóng tại xã Hương Thọ (Hương Trà), đây là chòi canh cao nhất trong hệ thống chòi canh của Công ty LN Tiền Phong, cao 380m so với mực nước biển, quan sát được hết diện tích rừng của công ty và một số diện tích rừng của thị xã Hương Thủy, Hương Trà, T.P Huế.
Tuy là nhiệm vụ thường niên, nhưng lực lượng bảo vệ rừng vẫn luôn đề cao cảnh giác, canh giữ hơn 380ha rừng thông cảnh quan thuộc khu vực T.P Huế, nhất là trong thời điểm dự báo cấp cháy rừng cực kỳ nguy hiểm,... Lực lượng bảo vệ rừng phải tăng cường phối hợp, thực hiện tốt 4 sẵn sàng, 4 tại chỗ; tổ chức tuyên truyền lưu động hằng ngày tại các cửa ra vào rừng, khu vực nghĩa trang...
Ông Lê Bá Đức, người có thâm niên lâu năm của Hạt Kiểm lâm T.P Huế vừa chạy quanh một vòng kiểm tra tình hình canh gác, PCCCR của anh em các đơn vị tại các khu vực nghĩa trang cũng tranh thủ ghé vào nhà dân xin nước sôi để pha gói mì tôm đem theo. Ông Đức nhiệt tình bắt chuyện: “Những ngày này, anh em đều phải bám rừng, ăn, ngủ cùng rừng. Buổi trưa chỉ dám tranh thủ ăn qua loa, vì đây là thời gian cao điểm, đề phòng nếu xảy ra sự cố cháy rừng còn kịp thời xử lý, chỉ huy”.
Ông Đức cho biết, Hạt Kiểm lâm T.P Huế đã triển khai phương án bảo vệ từ thành phố xuống tận cơ sở; tổ chức họp bàn với các đơn vị chủ rừng, các phường có rừng tăng cường kế hoạch trực liên ngành, xây dựng các cụm bảo vệ liên ngành. Trong đó tập trung chủ yếu ở các khu vực trường bắn Trà Am; Thủy Dương - Tự Đức về đến phường An Tây; các chốt cơ động như Núi Bân, ngã tư Chín Hầm, đồi Vọng Cảnh, đàn Nam Giao và một số bộ phận lưu động ở Hương Long, Thủy Biều. Lực lượng bảo vệ liên ngành huy động trong dịp này khoảng 65 người thuộc các chủ rừng, Ban chỉ huy Quân sự T.P Huế, các địa phương có rừng và lực lượng kiểm lâm. Ngoài ra, còn có một lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ được thành lập tại các tổ, cụm dân cư để sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có huy động.
Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng
Return to top