ClockThứ Hai, 09/07/2018 20:30

Bám sát cơ sở, nói đi đôi với làm, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ

TTH - Đó là chỉ đạo của ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ XII (mở rộng) tổ chức ngày 9/7. Cùng dự và chủ trì hội nghị còn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Đề xuất các giải pháp đột phá nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (bìa trái) trao đổi với các đại biểu bên hành lang hội nghị

Nỗ lực trong khó khăn, thử thách

Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,12% (cùng kỳ năm 2017 đạt 7,14%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 9.080 tỷ đồng, bằng 45,4% kế hoạch. Thu ngân sách đạt 3.344 tỷ đồng, đạt 49% dự toán; tổng dư nợ cho vay đạt 41.800 tỷ đồng; đã thu hút 16 dự án trong nước với tổng mức đầu tư 3.131 tỷ đồng.

Cải cách hành chính có chuyển biến, đưa vào hoạt động đồng bộ và hiệu quả trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; triển khai đề án bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; giải quyết việc làm mới cho trên 9.300 lao động; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, nhìn lại 6 tháng đầu năm và nửa nhiệm kỳ qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với các tỉnh, thành phố trong khu vực; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn yếu; giải ngân vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng và xây dựng các kết cấu hạ tầng chậm.

Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng như thu nhập bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thấp. Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thời gian lưu trú của du khách còn thấp, thiếu bền vững và chưa phát huy hết nội lực của vùng đất di sản văn hóa. Ý thức về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng Thừa Thiên Huế sáng – xanh – sạch chuyển biến chậm. Năng lực thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế…

Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành đóng góp ý kiến thảo luận tại hội nghị

Nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2018 là tập trung rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các đề án, dự án đề ra từ đầu năm; tiếp tục rà soát, giám sát đặc biệt và kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ để xúc tiến, chuyển đổi nhà đầu tư; đôn đốc, hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm: tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế; mở rộng ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài…

Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt về việc rà soát, sắp xếp lại các bảo tàng, nhà trưng bày; xây dựng phương án sắp xếp, di dời trụ sở cơ quan ở các trục đường chính; xây dựng Đề án mở rộng không gian đô thị Huế; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị Huế, tạo động lực lan tỏa, kết nối với các đô thị vệ tinh; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư...

Tập trung các giải pháp đột phá

Hầu hết các ý kiến đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Tỉnh đã rất nỗ lực kêu gọi đầu tư, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất ít. Hiện có những doanh nghiệp lớn gặp phải những khó khăn, vướng về một số thủ tục, cần tập trung giải quyết quyết liệt hơn nữa. Việc thu hút xúc tiến đầu tư nước ngoài tuy có tín hiệu khả quan, nhưng vẫn còn yếu. Ngoài tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, thì các ngành liên quan cũng cần phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho hay, giá trị công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, quy mô nhỏ nên không tác động lớn đến nguồn thu ngân sách; chế biến thủy sản đã có bước phát triển mạnh; làng nghề có sản phẩm, nhưng sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương chưa đúng mức, chưa đa dạng được sản phẩm.

Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính, tỉnh cần xem lại nguồn lực tạo sức mạnh xã hội hóa để phát triển kinh tế - xã hội. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp dù có khăn, nhưng phải quyết tâm để thực hiện. Cần có những dự án lớn, tạo khu phố mới, bộ mặt mới để tạo môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp để tăng nguồn lực. Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành đề xuất, cần tổ chức việc xúc tiến kêu gọi đầu tư một cách bài bản, khoa học hơn để kích cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tỉnh cần sớm công bố các doanh mục nhà, đất có thể kêu gọi đầu tư để tránh việc mất thời gian tìm kiếm thông tin của nhà đầu tư và các đơn vị liên quan.

Liên quan đến công tác cải cách hành chính, ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, các ngành, địa phương đã có sự chuyển biến trong sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng việc sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế còn thấp, cần làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Cải cách hành chỉnh cần quyết liệt hơn nữa để nâng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã tiếp thu, giải trình và làm rõ hơn một số vấn đề mà các ý kiến quan tâm. Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, Tỉnh sẽ tổ chức các đoàn thanh tra công vụ đột xuất về vấn đề cải cách hành chính ở cơ sở xã, phường. Từ đó, có sự chấn chỉnh, để khắc phục tình trạng chậm trễ, làm sao để nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Sắp xếp bộ máy tỉnh đã có nghị quyết, chúng ta phải hành động quyết liệt và phải làm ngay, không chậm trễ. Đã đến lúc chúng ta cần đổi mới cách làm trong công tác sắp xếp, đổi mới công tác cán bộ, không theo kiểu xuân thu, nhị kỳ như lâu nay, có như vậy mới tạo ra được bước đột phá. 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo, các cấp ủy Đảng, đơn vị, ban, ngành cần triển khai đồng bộ có hiệu quả các kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập; quán triệt, học tập nghiêm túc các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, người đứng đầu tăng cường bám sát cơ sở nói đi đôi với làm quyết tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất; nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và cán bộ công chức, viên chức; tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công
Return to top