ClockThứ Tư, 28/11/2012 14:03

Bám trụ với cây tiêu

TTH - Vùng đồi Phú Lộc những ngày cuối tháng 10 trời đỏng đảnh mưa và kèm theo những tia nắng khô nóng. Nhưng khi chúng tôi bước vào ngôi vườn đồi của anh Nguyễn Phước, thôn Quê Chữ, Lộc Điền (Phú Lộc) lại thấy dễ chịu khác thường.

Nỗ lực sở hữu 1 ngàn gốc tiêu

 

Nghe kỹ sư Dũng, cán bộ Phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn huyện Phú Lộc giới thiệu, anh Phước cởi mở mời khách và nở nụ cười tươi làm cho tôi cảm nhận sự thân mật, gần gũi dù mới chỉ gặp lần đầu. “Thời tiết thế này năm nay vườn tiêu nhà em say hạt lắm. Mấy hôm nay cứ loay hoay bám miết vườn lo cho tiêu ra hoa vụ mới....” - Anh Phước nói khi mời tôi dùng trà. Kỹ sư Dũng vào chuyện như khoe: “Anh Phước là nông dân vượt khó ở xã Lộc Điền đấy. Một người đang báo hiệu niềm vui cho vùng đồi Phú Lộc bằng cây tiêu”.

 

Nguyễn Phước bên vườn tiêu của mình

 

Theo lối mòn ra thăm vườn, anh Phước lại cười sang sảng và kể ngày trước ở Độn Diêu nơi anh đang đứng chân hôm nay là vùng đồi sỏi đá của xã Lộc Điền. Nhắc đến Độn Diêu, ngày đó, nhiều người trẻ trong làng chẳng rõ. Hồi ấy, gia đình bố mẹ nghèo, anh Phước không được học hành tử tế như bạn bè trang lứa. Năm 1992, anh lập gia đình nhưng tài sản duy nhất chỉ là chiếc xe đạp tàn để theo làm nghề đá. Lương làm đá mỗi tháng không lo nổi hai miệng ăn cho đôi vợ chồng son. Cuộc sống vất vả, anh đành bỏ nghề đá lên Độn Diêu lập nghiệp. Ở đất mới, điện không, đường chẳng có, cuộc sống như biệt lập với bên ngoài. Biết làm sao, thân phận trai nghèo ít học không cho phép anh mơ xa hơn. Vợ chồng anh chỉ biết bám vườn bám đồi ở Độn Diêu để sống qua ngày...

 

Lời Phước thực tình, ngày đó khổ quá nên hễ nghe ai bày mô hình gì cũng theo, miễn là thấy phù hợp với hoàn cảnh. Có bận, nghe cán bộ huyện, xã đưa cây tiêu lên vùng đồi với mục tiêu đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho người dân, anh đã không bỏ qua. Thế nhưng khi đăng ký, đưa cây tiêu vào trồng tại vườn chỉ một thời gian lại nhận kết quả buồn - cây tiêu còi cọc không cho trái... Bao đêm, vợ chồng anh mất ăn, mất ngủ vì tiêu và nhiều lần anh mang chuyện buồn của tiêu đi tìm hiểu nhiều nơi, nhưng chỉ nhận những câu trả lời chẳng gì khác như anh đã làm, đã áp dụng.

 

Cuối năm 2006, ông Trần Chỉnh, một người cậu họ đang sống ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) có kinh nghiệm trồng tiêu về thăm quê. Anh tìm đến gặp ông Chỉnh để trao đổi về chuyện trồng tiêu ở vùng đồi Phú Lộc. Được sự hướng dẫn tỷ mẩn của ông Chỉnh về kỹ thuật đào hố, chọn giống, bón phân, đầu năm 2007, anh mạnh dạn cải tạo đất đưa 200 gốc tiêu từ Quảng Trị về trồng trong vườn. Chỉ một thời gian ngắn, tiêu phát triển tốt. Năm sau, anh tiếp tục trồng thêm và đến bây giờ trong vườn có hơn 1 ha trồng hơn 1 ngàn gốc tiêu xanh tốt. Anh Phước tính, trong số tiêu ở vườn hiện có 200 gốc trồng trong thời gian đầu nay đã cho thu hoạch vụ đầu trong tháng 6 vừa qua được 6 tạ. Tính giá tại thời điểm tiêu 150 nghìn đồng/kg. Số tiền thu vào chưa nhiều, nhưng vợ chồng cảm thấy phấn khởi sau bao năm nỗ lực - cây tiêu đã báo hiệu những “mùa vàng” trong thời gian đến.

Cây tiêu vẫn là chủ lực

 

Lòng vòng quanh vườn, Phước vẫn xoay quanh đề tài cây tiêu, dù ở thời điểm này vợ chồng anh đã sở hữu hơn 2ha cây tràm, đàn bò 15 con lớn nhỏ và trong chuồng lợn sau nhà có 7 con béo núc. Anh nói, bây giờ vợ chồng anh ăn ngủ theo tiêu. Chăm bón cho vườn tiêu mà nhiều lúc quên cả bữa. Lách qua khóm này, lối kia cả không gian vườn tiêu của anh Phước thật sướng mắt, tốt bời bời, luống ra luống, hàng ra hàng, lá xanh rì.

 

Theo lời anh Phước, qua chắt bóp dành dụm vốn của vợ chồng và vay ngân hàng, đến nay gia đình đã đầu tư gần 600 triệu đồng vào vườn tiêu. Cụ thể là cải tạo đất, cây giống, đúc trụ bê tông, dàn che nắng... Từ một người lơ- tơ- mơ, chưa phân biệt rõ giữa cây tiêu- cây trầu, nhưng bây giờ anh đã có đầy kinh nghiệm với cây lâu nay tạo cơ hội làm giàu cho nhiều người dân ở vùng đất Tây Nguyên. Anh Phước cũng nói chắc, khi cây tiêu đã bén rễ, việc chăm sóc cũng đơn giản, ít tốn kém, chủ yếu là tưới nước, làm cỏ; còn bón phân thường dùng phân hữu cơ, ủ hoai mục. Mỗi năm, bình quân bón 2 lần, thời điểm trước lúc tiêu ra hoa và sau khi kết thúc mùa thu hoạch. Anh Phước còn diễn giải, cây tiêu trồng 4 năm là cho trái bói và đến năm thứ năm thì cho thu hoạch chính. Cây tiêu trồng ở vùng đồi Phú Lộc thường cho thu hoạch vào khoảng tháng 6 hàng năm và dự kiến năm đến vườn nhà anh có 250 gốc tiêu cho thu hoạch. Chỉ tính phỏng, mỗi gốc thu bình quân khoảng 4 kg với giá bán hiện nay là 150 ngàn đồng/kg, anh thu về khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, nước tưới, công làm cỏ... còn lại hơn 100 triệu đồng. Đà này, trong 4 năm đến khi hơn 1 ngàn gốc tiêu đưa vào thu hoạch, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm. Chưa kể, hàng năm anh còn có nguồn thu từ việc cắt cành nhâm giống bán cho người có nhu cầu...

 

Kỹ sư Dũng nói bóng bẩy: “Cây tiêu cũng như gái đẹp. Nó đỏng đảnh khó tính vô cùng. Nếu không biết kỹ thuật chăm bón khi thay đổi thời tiết, sâu bệnh thâm nhập là dở khóc dở cười. Tuy nhiên, với cách trồng, chăm bón tỷ mẫn của anh Phước qua từng thời kỳ, giai đoạn sinh trưởng của cây tiêu trong năm thì việc dịch bệnh rất khó xâm nhập”. Kỹ sư Dũng cũng thông tin thêm, hiện tại vùng đồi Phú Lộc có hơn 30ha tiêu, tập trung ở Lộc Điền, Lộc Hòa và một số hộ ở thôn Bến Ván, Lộc Bổn. Vườn tiêu của anh Phước được xem là mẫu mực nhất, có cơ hội mang lại sự giàu có cho đôi vợ chồng trẻ này.

 

Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Return to top