ClockThứ Tư, 04/05/2016 04:56

Bàn cách phát triển ẩm thực Huế

TTH - Nhận rõ tầm quan trọng của những giá trị đặc trưng của ẩm thực Huế - một trong những thế mạnh hiện có của ngành du lịch Việt Nam cần được chung sức giữ gìn và phát huy, hôm qua (3/5) Công ty TNHH Phú Đạt Gia chủ trì cùng với các sở, ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp liên quan phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Ẩm thực cung đình và dân gian Huế”.

Định vị ẩm thực Huế

Chỉ ra những hạn chế trong việc bảo tồn, khai thác một cách pha tạp, dẫn đến hạ thấp giá trị ẩm thực Huế, nhất là ẩm thực cung đình, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng: “Từ ý tưởng độc đáo ban đầu, đến nay, ẩm thực cung đình nhan nhản khắp nơi, hầu như nhà hàng, khách sạn nào ở Huế cũng làm cơm cung đình. Cơm Vua đang dần trở thành sản phẩm du lịch tùy tiện và rẻ tiền, cả về giá trị vật chất lẫn hàm lượng văn hóa. Nhiều nơi chỉ có vài cái lọng, ít bộ trang phục, nguồn nguyên liệu tùy tiện mà vẫn tổ chức bữa tiệc cơm cung đình nên sản phẩm này ngày càng giảm thương hiệu. Trong khi đó, món ăn cung đình cần thể hiện sự trang nhã, tinh tế, đòi hỏi được chế biến công phu, khoa học”.

Ký kết liên kết giữa khối phát triển liên kết quan hệ và tương tác sử dụng sản phẩm sạch

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, Huế là nơi hội tụ những của ngon vật lạ tiến vua. Những tinh hoa này đã phát huy vai trò,  được lưu truyền, gìn giữ, phát triển qua nhiều thế hệ, tạo thành giá trị riêng biệt, độc đáo. Tuy nhiên, cần có sự định vị trở lại đối với ẩm thực Huế. Ông Kỳ nói: “Chúng ta có thể gặp quán ăn Huế ở bất kỳ đâu nhưng mỗi nơi một vẻ, lộn xộn, làm mai một dần món ăn Huế. Đơn cử, bún bò Huế mỗi quán nấu một kiểu, nên thế nào là bún bò Huế thực sự thì không định vị được, trong khi du khách đến Huế mong muốn được cảm nhận món ăn Huế thực sự”.

Ông Kỳ đề xuất, Huế cần xây dựng thương hiệu ẩm thực Huế, trong đó có ẩm thực cung đình, như: xây dựng hệ thống nhà hàng Huế chuẩn với thiết kế, màu sắc, món ăn, bàn ghế có quy chuẩn đồng bộ, để nhìn vào người ta nhận ngay ra đó là quán ăn, món ăn Huế.

TS. Trần Thị Mai, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế cho rằng: “Huế nên xác định chọn món ăn đặc trưng như cách làm của Hàn Quốc chọn món kim chi là di sản phi vật thể thế giới, chuẩn bị tiến tới đăng ký ẩm thực Hàn Quốc là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Ẩm thực sạch

Trước thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm báo động như hiện nay, TS. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Trưởng đề án Bếp Việt – Bếp của thế giới, đặt vấn đề: “Một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu của ẩm thực cung đình là phải sạch, lành. Ngày xưa vua ăn, nếu không lành thì bị phạt ngay. Trước tình hình thực phẩm không an toàn như hiện nay, cần phục dựng cách nuôi, trồng như ngày xưa để đảm bảo tính an toàn của món ăn cung đình”.

Bác sĩ Bùi Minh Đức cũng đề nghị: “Những người có trách nhiệm phục dựng món ăn cung đình cần tìm được những loại cây trái an toàn như ngày xưa. Có thể hình thành những khu vườn sinh thái trồng được những loại cây trái không cần chất hóa học, chất bảo quản để đưa vào thực đơn các món ăn cung đình, như: Thanh trà Thủy Biều, quýt Hương Cần…”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mậu Chi, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cho biết, hội đang thành lập chuỗi cung ứng thực phẩm sạch đưa ra thị trường.

Lên án việc sử dụng hóa chất tạo màu cho thực phẩm, nghệ nhân ẩm thực Hoàng Thị Như Huy bày cách nhuộm màu tự nhiên cho thực phẩm từ cây trái, như: màu tím được tạo ra từ khoai tía, lá cẩm; màu hồng từ quả dâu tằm; màu đỏ từ quả gấc; màu trắng thủy tinh từ bột lọc…

Nhà nghiên cứu Bửu Ý gợi ý: “Trong thời buổi an toàn vệ sinh thực phẩm báo động như hiện nay, tôi nghĩ nên áp dụng thuyết “vì người khác”. Nếu người sản xuất nghĩ đến người khác thì sẽ thận trọng hơn trong chế biến, sản xuất. Nếu cả dây chuyền từ người sản xuất, chế biến, tiêu dùng ai cũng vì người khác thì thế giới thái hòa”.

Đưa ẩm thực Huế ra thế giới

Ẩm thực Huế là tinh hoa, tiêu biểu của ẩm thực Việt Nam. “Đã đến lúc ẩm thực Việt Nam nói chung và Huế nói riêng đưa nhiều món ngon đi chinh phục thế giới. Nem (ram) và phở đã thành công trên con đường đi chinh phục thực khách thế giới, cần tiến hành vài “trận” nữa bởi Việt Nam có rất nhiều món đặc sắc. Không có nơi nào trên thế giới giỏi làm nước chấm như ở Huế, phong phú và rất đặc biệt. Ta nên chinh phục thế giới bằng nhiều loại nước chấm khác nhau, bằng các loại chè tráng miệng, món chả tôm của Huế cũng ngon kỳ lạ. Nhiều giới, nhiều ngành phải cùng chung tay đưa ẩm thực Huế chinh phục thế giới” - Nhà nghiên cứu Bửu Ý nói.

Để bảo tồn ẩm thực cung đình, một đại biểu đề xuất các nghệ nhân, các gia đình không nên giấu nghề. Cũng vì tư tưởng này mà nhiều món ăn đã mất dấu, thất truyền. Đây cùng là trở ngại lớn trong việc tìm lại, sưu tầm những món ăn xưa.

Có ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích như hỗ trợ giảm, miễn thuế thời gian đầu cho những cửa hàng mở cửa hàng ăn sạch, nhà hàng ẩm thực cung đình đúng chất.  

Để quảng bá ẩm thực ra thế giới, cần thành lập Hội Ẩm thực Việt Nam, sau đó là Hội Ẩm thực Huế, như cách làm của Thái Lan thành lập ban bệ để quảng bá ẩm thực Thái ra thế giới. Hội này sẽ tập hợp những người giỏi ở khắp thế giới, những người đã làm giàu nhờ ẩm thực Huế ở xứ người, như bún bò mụ Rớt ở Mỹ, nem lụi Huế ở Thái Lan, món ăn Huế ở Đức... Không chỉ làm giàu cho chính mình, họ đã góp phần quảng bá ẩm thực Huế ra thế giới.

Ông Lê Tân, Giám đốc Công ty TNHH Phú Đạt Gia, Trưởng BTC hội thảo kỳ vọng, sau hội thảo này tất cả sẽ chung tay, có những hành động thiết thực, để ẩm thực Huế không chỉ của người Huế mà còn là của Việt Nam và cả thế giới. Những tư liệu trong hội thảo sẽ góp phần làm cơ sở khoa học cho bộ hồ sơ Ẩm thực Huế để trình các ngành chức năng và UNESCO công nhận Ẩm thực Huế - Ẩm thực Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu cùng nối kết để xây dựng ẩm thực Huế đồng hành cùng du lịch.

Dịp này, đại diện một số đơn vị đã ký kết liên kết để phát triển ẩm thực Huế giữa khối du lịch, lữ hành, khách sạn; khối phát triển liên kết quan hệ và tương tác sử dụng sản phẩm sạch. Đồng thời, ra mắt các thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam.

Trên tinh thần xã hội hóa về nguồn tài chính, đây là lần đầu tiên hội thảo do các doanh nghiệp đứng ra tổ chức tại Huế với quy mô quốc tế có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực, những vị khách quan tâm đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Lào, Nhật Bản. Đại diện lãnh đạo tỉnh có ông Nguyễn Thái Sơn, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Hội thảo là một hoạt động văn hóa, khoa học trong chương trình Festival Huế 2016.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top