ClockThứ Ba, 30/07/2019 09:40

Bạn cũ.

Bạn cũ

Theo phân công của lãnh đạo cơ quan, tôi cùng một đồng nghiệp từ Huế ra TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tác nghiệp phóng sự ảnh báo chí do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức. Buổi học đầu tiên, ngồi “chưa ấm chỗ”, tôi nhận cuộc gọi đến của H., hiện là nhà báo, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh Quảng Trị. H. nói, vợ cậu ấy (là phóng viên Báo Quảng Trị) cũng là học viên khóa bồi dưỡng, nhìn thấy tôi trong lớp học nên nhắn với chồng. Vợ chồng H. mời tôi cùng ăn trưa. H. trách tôi ra Quảng Trị mà không báo cho cậu ấy, trong khi H. coi tôi như một người thân từ hơn hai chục năm nay…

Kỷ niệm lại có dịp ùa về. Hồi đó tôi mới tốt nghiệp đại học, được tuyển dụng vào Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc. Một hôm tôi gặp H. (học cùng trường đại học, nhưng sau tôi 2 khóa) đến tìm mấy chị đánh máy (hồi đó chỉ có máy đánh chữ, chưa có máy vi tính) để thuê đánh máy luận văn tốt nghiệp. Các chị ra giá, đánh máy mỗi trang 3 nghìn đồng. 3 nghìn đồng hồi ấy khá “to”, mà luận văn cũng phải vài chục trang, nên sẽ mất khoản tiền lớn so với túi tiền của một sinh viên nghèo chưa làm gì ra tiền, đang sống nhờ vào bố mẹ.

Mặc dù không chơi với H., chỉ biết mặt nhau, nhưng trong hoàn cảnh ấy tôi cứ thấy thương, muốn giúp. Sợ mất lòng các chị nên tôi không dám nói mà viết vào mảnh giấy nhỏ dúi vào tay H. nội dung: chữ tôi khá đẹp, nếu H. đồng ý tôi sẽ chép tay toàn bộ luận văn cho H. để đỡ tốn kém. Vậy là mấy ngày nghỉ và cả những lúc sau giờ làm việc của tôi, H. đến nhà tôi, đọc để tôi chép. Miệt mài một thời gian, 80 trang luận văn chép tay cũng hoàn thành. Sau khi H. tốt nghiệp đại học, chúng tôi hầu như bặt tin nhau. Tôi quên luôn chuyện giúp H. chép luận văn, càng không nhớ đến mảnh giấy nhỏ dúi vào tay H. thuở đó.

Cách đây mấy năm, tôi và H. tình cờ gặp lại. H. bảo bao nhiêu năm qua rồi nhưng cậu vẫn còn cất giữ mảnh giấy nhỏ ấy, lòng vẫn nguyên cảm xúc ấm áp khi nghĩ về hình ảnh tôi ngồi cặm cụi, nắn nót chép từng dòng luận văn, không những vậy lại còn lo nấu đồ ăn “tiếp tế” cho cái dạ dày đói meo của cậu. Cho nên dù không gặp, nhưng H. lúc nào cũng coi tôi là một người thân. Sau này từ lúc gặp lại, mỗi lần biết tôi đi ngang qua Đông Hà, bao giờ vợ chồng H. cũng giữ tôi lại, ân cần tiếp đón. Trong bữa cơm tại nhà hàng mà vợ chồng H. thiết đãi, H. gọi một món cá và bảo: “Món cá này chị đã từng mua về nấu cho em ăn trong những ngày chị chép luận văn cho em đó”.

Tôi xúc động tận đáy lòng. Việc nhỏ giúp H., tôi đã quên từ lâu. Vậy nhưng em vẫn nhớ, vẫn trân trọng, chứng tỏ em là con người rất coi trọng tình nghĩa. Điều đó thật đáng quý, khiến cuộc sống đẹp đẽ hơn. Một cô bạn nhỏ tốt nghiệp Khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học- Đại học Huế, hiện làm báo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, từng kể với tôi, cô được H. tận tình giúp đỡ trong thời gian đầu mới bước vào nghề còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Tôi tin, những người biết coi trọng tình nghĩa như H. sẽ giúp đỡ người khác, mà không cần báo đáp.

DUY TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cuộc hội ngộ của tình bạn

Cả hai bức tranh được họa sĩ Đinh Cường vẽ về hai người bạn thân của mình: Trịnh Công Sơn và Ngô Kha như duyên định cuối cùng cũng về chung dưới mái nhà bảo tàng mỹ thuật Huế.

Cuộc hội ngộ của tình bạn
Một người lạc quan

Trên 75 tuổi, bạn tôi sướng khổ đã từng nhưng đây lần đầu tiên tôi nghe anh bộc bạch cảm nhận đầy lạc quan.

Một người lạc quan
Phải biết ý khách hàng

Thỉnh thoảng tôi ghé quán bún chả cá của chị khi cần đổi khẩu vị cho những bữa sáng.

Phải biết ý khách hàng
Return to top