ClockThứ Ba, 15/09/2020 09:58

Bạn cũ

TTH - Bạn về Huế dẫn theo vợ và con. Cậu con trai chừng 7 tuổi bị khiếm thính, không nghe và nói rõ như các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng cháu vẫn rất hoà đồng, gặp con trai tôi là nhào vào chơi cùng. Nhìn hai cu cậu túm tít với nhau, Thanh cười mãn nguyện lắm. May mắn, vợ chồng bạn phát hiện con bị bệnh sớm nên vẫn có khả năng điều trị, dù lúc đó bạn phải bán hết tài sản và vay mượn khắp nơi để đưa con lên TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh.

Đừng để bạn bè thất vọng

“Khoản nợ 1,3 tỷ đồng với hai vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp được vài năm, hai bên gia đình đều khó khăn không thể giúp đỡ quả là con số làm mình không thể không cố gắng”, Thanh nói về món nợ chữa bệnh cho con. Lương giáo viên chừng hơn 5 triệu đồng/tháng, vợ thì công việc thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình Thanh có những lúc tưởng chừng như đi vào ngõ cụt. Thế rồi, trong cái khó ló cái khôn, đất Bình Phước đãi người biết vượt khó. Trong một lần cùng người nhà học trò vào rẫy trồng điều, Thanh thấy mình có thể tranh thủ thời gian phát triển kinh tế từ loại cây này. Từ đó, bạn đánh liều vay mượn thêm người quen mua rẫy trồng điều. “Tất nhiên là điều đã được người ta trồng sẵn, mình chỉ thuê người chăm sóc và thu hoạch”. Thanh giải thích.

Nhờ những ha điều này, bây giờ cuộc sống của Thanh rất ổn, không chỉ trả hết nợ chữa bệnh cho con, cho vườn điều mà còn dư được kha khá để làm được dự án riêng. Buổi cơm tối với vợ chồng tôi hôm đó, Thanh đã nói đến việc xin nghỉ làm giáo viên ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên - nơi bạn đã gắn bó 12 năm và mở trung tâm đào tạo liên quan đến giáo dục. Thanh làm quản lý và mời thêm một số thầy cô, người quen mở các lớp dạy học cho người có nhu cầu. Thời gian còn lại bạn tập trung cho vườn điều.

Tôi mừng vì người bạn ngày xưa có vẻ tồ tẹt nay đã là người đàn ông trưởng thành, biết chu toàn mọi việc. Lo cho vợ có cơ sở làm đẹp tươm tất, con cái được đầu tư học hành đàng hoàng, lại tính cả chuyện nội ngoại hai bên chu đáo.

Hỏi lý do trở về Huế, bạn nói vì đã hứa sẽ đưa vợ con về nơi bạn từng học để biết thanh xuân của chồng như thế nào. Thế là tranh thủ mùa hè, khi con nghỉ học, vợ chồng bạn đến Huế. Và họ đã có những ngày rong chơi thú vị.

Tôi chắc điều đó, khi vợ của bạn cứ hết lời khen ngợi Huế, rồi liên tục nhờ chúng tôi chụp những khung hình kỷ niệm nơi chồng đã đi qua những năm tháng thanh xuân. Cô ấy nói lần đầu đến Huế đã choáng ngợp trước vẻ đẹp yên bình, thơ mộng. Và hẹn chúng tôi trong những lần gặp gỡ tới sẽ còn ở dài ngày hơn.

Tiễn vợ chồng bạn ra sân bay, Thanh vẫn không quên nhắn sớm gửi cho bạn những hoàn cảnh kém may mắn để giúp trong khả năng của mình. Thanh bảo ở Bình Phước vợ chồng bạn thường dành ngày cuối tuần để làm thiện nguyện. Bạn cũng muốn đóng góp một chút cho Huế - nơi dù không sinh ra nhưng đã cho bạn những kỷ niệm đẹp thời sinh viên, những nền tảng tốt để bước vào đời.

Tôi chưa kịp gửi danh sách yêu cầu đã thấy bạn chuyển khoản cho lớp trưởng và nhắn các bạn tuỳ nghi xử lý khi có trường hợp cần giúp đỡ, nhất là với thầy cô giáo cũ và các bạn trong lớp gặp cảnh ngặt nghèo.

Mới đây thôi, tôi lại thấy một người bạn ở Đà Nẵng chụp màn hình điện thoại gửi trong nhóm kín của lớp về số tiền mà Thanh chuyển khoản để ủng hộ trường hợp khó khăn do COVID-19 mà bạn đăng lên facebook kêu gọi sự giúp đỡ với số tiền bằng cả tháng lương công chức mới ra trường và nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ khác.

Tôi lại nghĩ đến cô bạn hàng xóm ngày xưa, là mối tình đầu của Thanh thời đại học. Tôi không rõ lý do hai người chia tay, nhưng tôi tin rằng, nếu tình cờ gặp lại hoặc biết thông tin về Thanh bây giờ, bạn ấy cũng như tôi sẽ yên tâm lắm!

Hồng Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩa xóm

Trong khoảng hơn 5 năm sống tại nhà chồng ở Huế, tôi nhiều lần xúc động trước những mỹ tục thấm đẫm tình làng nghĩa xóm nơi đây.

Nghĩa xóm
Khi ta thành thật sống…

Xế trưa, sau trận mưa lớn kéo dài cả giờ đồng hồ, tôi trở về nhà và muốn bật khóc khi thấy toàn bộ số áo quần mang phơi từ sáng vẫn… ở nguyên ngoài trời. Dây đồ ướt sũng nằm trơ trọi bên ngoài, cách những cánh cửa đóng kín chỉ mấy bước chân. Khu tập thể nhà nối nhà sát rạt, từ ngày chuyển đến đây ở, hễ có mưa là tôi tri hô mọi người và chạy đồ giúp. Có nhà đi vắng cách nhà mình vài chục mét, tôi không ngại đội mưa giúp họ. Vậy mà…, sao họ vô tâm đến vậy?

Khi ta thành thật sống…
Bên hàng rào xanh

Bữa nọ, một người bạn facebook đăng bức ảnh những trái duối bé tròn bằng đầu ngón tay út chín vàng kèm lời khẳng định: “Dân quê thế hệ 8-9x trở về trước, ít ai không biết vị ngon huyền thoại này”. Ôi, trái duối thơm hương ký ức, gợi nhớ ngôi nhà xưa mấy mươi năm trước. Ngôi nhà có hàng rào làm bức tường phân chia địa giới, là đôi ba cây duối già cành lá lòa xòa và rặng râm bụt xanh mọng điểm xuyết những nụ hoa đỏ rói.

Bên hàng rào xanh
Cuộc hội ngộ của tình bạn

Cả hai bức tranh được họa sĩ Đinh Cường vẽ về hai người bạn thân của mình: Trịnh Công Sơn và Ngô Kha như duyên định cuối cùng cũng về chung dưới mái nhà bảo tàng mỹ thuật Huế.

Cuộc hội ngộ của tình bạn
Return to top