ClockThứ Sáu, 15/06/2012 21:20

Chín năm đứt ruột theo con

TTH - Nhìn hai đứa con gái sinh đôi ngày càng héo hon vì căn bệnh thiếu máu huyết tán từ lúc mới sinh, lòng người mẹ trẻ ấy như đứt từng khúc. Đồng lương ít ỏi của một giáo viên cấp một có thể giúp chị cầm cự được với căn bệnh hiểm nghèo của con trong bao lâu?

Chúng tôi đến thăm bé Trần Thị Bảo Hiếu và Trần Thị Bảo Hạnh khi cả hai vừa được mẹ chở xe máy vượt 60km từ Phú Lộc lên Bệnh viện Trung ương Huế truyền máu. Dù vừa truyền máu xong nhưng các cháu vẫn xanh lét như tàu lá. Nhìn bụng con ngày càng to trướng lên, chị Nhi lại khóc đến húp mắt.

Chị Nhi và hai con gái sinh đôi Hiếu, Hạnh đang vật lộn với căn bệnh thiếu máu huyết tán tai ác

Năm 2003, chị Nhi sinh đôi được hai cô con gái đầu lòng kháu khỉnh. Được vài tháng thì hai con bắt đầu xuất hiện vàng da. Đi khám, bác sĩ bảo bọn trẻ bị thiếu máu nên chỉ cần bổ sung thêm thuốc bổ và sắt. Thế nhưng càng uống thuốc, da các cháu lại càng vàng thêm. Qua xét nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Huế, hai con của chị không may đã mắc bệnh thiếu máu huyết tán (Thalasemie).

 18 tháng tuổi, hai bé bắt đầu hành trình chống chọi với bệnh tật. Ròng rã suốt 9 năm qua, đều đặn hàng tháng, chị Nhi lại phải xin nhà trường thu xếp công việc để đèo con lên Huế tiếp máu. Bố làm công nhân xa, thi thoảng mới cùng đi được với các con một vài lần.
 
Đồng lương giáo viên cấp một ít ỏi, chị dành hết để thuốc thang hàng tháng cho con vẫn không đủ. Mỗi tháng, chi phí truyền máu cho hai em mất trên 1 triệu đồng. Chưa kể, ba năm nay, ngày nào các cháu cũng phải uống thuốc thải sắt, chi phí mỗi cháu trên dưới 300.000 đồng/tháng. Để có tiền chạy chữa cho con, chị Nhi phải chật vật vay chỗ này, mượn chỗ kia. Chín năm chạy chữa cho con, ngoài gánh nặng chi phí, lòng người mẹ như héo hon vì bệnh tiến triển của con ngày càng nặng.
 
Biến chứng của bệnh Thalasemie làm cho lách của hai cháu Hiếu và Hạnh ngày càng lớn khiến việc đi lại, vận động khó khăn. Bệnh từng ngày làm cho xương biến dạng. Hằng đêm, sờ nắn từng nơi trên cơ thể con, chị Nhi như đứt từng khúc ruột vì gương mặt vốn xinh xắn của chúng ngày nào cứ méo mó dần. Mệt mỏi vì căn bệnh, hai cháu nhiều lần hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao mũi con lại bị tẹt”. “Mẹ ơi, sao đầu con lại bị méo”. “Mẹ ơi, vì sao con không chạy nhảy được như các bạn”. Khi ấy, người mẹ chỉ còn biết ôm con mà khóc.
 
Ngoài bé Hiếu và Hạnh, chị Nhi còn có thêm cô con gái thứ ba năm nay đã lên bốn. Theo bác sĩ, bệnh Thalasemie có tính di truyền nên xác suất mắc bệnh của cô con gái thứ ba rất cao. Biết vậy nhưng chị Nhi đến nay vẫn không dám đưa con đi khám. Chị sợ rằng, nỗi bất hạnh một lần nữa lại giáng xuống núm ruột của chị.
 
Gánh nặng suốt đời
 
Theo BS Châu Văn Hà, Khoa Nhi - Bệnh viện Trung ương Huế, Thalasemie là bệnh hiếm, trong đó hồng cầu non không tổng hợp đủ lượng Hb nên gây ra các triệu chứng thiếu máu. Về phương diện điều trị có thể truyền máu, cắt lách và dùng các thuốc thải sắt nhưng các phương cách này cũng chỉ là điều trị triệu chứng. Phương pháp điều trị tích cực nhất có tính chất tiệt căn là ghép dị thân tế bào gốc tạo máu. Tuy nhiên đây là 1 kỹ thuật cao có nhiều biến chứng nguy hiểm và chi phí rất cao nên tại Việt Nam đến nay chỉ mới tiến hành trên một vài bệnh nhân.
 
Với thể bệnh nặng như cháu Hiếu và Hạnh, việc điều trị phải truyền máu hàng tháng, nếu không sẽ dẫn đến tử vong. Đặc biệt, biến chứng của bệnh do thừa sắt sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến lách, tim, gan, thận và gây biến dạng xương. Người bệnh vì thế phải chống chọi với bệnh tật và gánh nặng chi phí suốt đời. Đó sẽ là một cuộc chạy marathon cực nhọc, được đo bằng nước mắt và nỗi đau. Một cuộc đua với số phận mà ở đó, ngoài nghị lực bản thân, cô giáo Nhi và hai cô bé bất hạnh ấy đang rất cần sự tiếp sức của cộng đồng.
 
Mọi sự liên hệ, giúp đỡ, sẻ chia xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Thị Yến Nhi - Giáo viên Trường tiểu học Nước Ngọt - xã Lộc Thủy - huyện Phú Lộc - Thừa Thiên Huế. Điện thoại 01648658981, hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn - TP Huế.
 
 Kim Oanh
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xin giữ lại tương lai cho Hải bằng máy hỗ trợ nhịp tim

Từ nhỏ, Phan Thị Hải đã bị bệnh tim bẩm sinh. Tưởng chừng tương lai tươi đẹp của em đã được mở ra khi em được phẫu thuật đặt máy hỗ trợ nhịp tim thành công lúc 9 tuổi và trở thành cô sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Nhưng khi cuộc sống vốn dĩ trôi qua bình thường, thì sóng gió ập tới, căn bệnh tim của em lại tái phát.

Xin giữ lại tương lai cho Hải bằng máy hỗ trợ nhịp tim
4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà

Khi màn đêm buông xuống, trong lúc ai nấy quây quần bên mâm cơm gia đình, thì có 4 đứa trẻ mồ côi (ở thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang), không nhà cửa, không bố, người mẹ vừa quẫn trí treo cổ tự tử, ngơ ngác trước bàn thờ mẹ bảng lảng khói hương. Chiếc bàn thờ cũng đặt nhờ trong căn nhà bé xíu của một người họ hàng.

4 đứa trẻ mồ côi cần lắm một mái nhà
Xin yêu thương đến với hoàn cảnh cháu Thanh Phúc

Gia đình anh Hồ Văn Sơn là hộ nghèo của xã Lâm Đớt, huyện A Lưới. Hai vợ chồng đi làm thuê thu nhập không được ổn định. Cuộc sống khốn khó như vậy nhưng vợ chồng anh Sơn vẫn luôn cố gắng, nhất là khi cách nay 2 năm chị sinh hạ được một bé trai. Đặt tên con là Hồ Thanh Phúc với mong muốn con lớn lên may mắn…

Xin yêu thương đến với hoàn cảnh cháu Thanh Phúc
Xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chăm sóc bố mẹ

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến thăm gia đình cháu Nguyễn Đoàn Lan Anh (SN 2002) - sinh viên năm 3 Trường đại học Ngoại ngữ Huế, ở tổ dân phố Trạch Thượng 2, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), một gia đình có hoàn cảnh thật đáng thương.

Xin bảo lưu kết quả học tập để ở nhà chăm sóc bố mẹ
Return to top