ClockThứ Tư, 28/09/2016 08:56

Bàn giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL

TTH.VN - Sáng 27/9, tại tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với việc sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL và kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi là vấn đề cấp bách với ĐBSCL trước những thách thức của biến đổi khí hậu và năng lực phát triển nông nghiệp của vùng đã “tới hạn”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải tiếp tục nhận diện, đánh giá về cách làm của Đồng Tháp để làm sao tái cơ cấu nông nghiệp đạt được mục tiêu quan trọng hơn là gia tăng giá trị cây trồng vật nuôi đi liền với nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác, bảo đảm cuộc sống người nông dân phát triển bền vững, xóa cảnh “được mùa mất giá”.

Trong đó, một nội dung của tái cơ cấu nông nghiệp là chuyển đổi đất trồng lúa (cho hiệu quả thấp) sang trồng cây, con khác. Phó Thủ tướng nhận định, diện tích chuyển đổi này của toàn vùng còn ít so với kế hoạch và nhiều địa phương cũng không “mặn mà” với việc này vì liên quan tới thị trường.

Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng, cùng với các bộ, ngành cần xác định lại bản đồ sử dụng đất lúa sát với thực tiễn của ĐBSCL, gắn với việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, các giải pháp hỗ trợ về vốn, chính sách, cơ chế của Nhà nước cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Đi liền với đó, các địa phương cần lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, bảo đảm không chồng chéo, cạnh tranh với nhau và phát triển sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu bằng chương trình, đề án cụ thể như tỉnh Đồng Tháp đã làm. Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ địa phương trong phát triển các sản phẩm chủ lực này. Các địa phương cũng phải rà soát, cập nhật quy hoạch, chủ động thực hiện liên kết vùng, liên kết tiểu vùng trong cả quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp để tránh lãng phí, tập trung hiệu quả nguồn lực kinh tế.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là rất quan trọng đối với cộng đồng dân cư và từng hộ gia đình.

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ TN&MT, trên cơ sở đó Bộ KH&ĐT rà soát, hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL; Bộ NN&PTNT sớm có quy hoạch sản xuất cho vùng gắn chặt với đặc điểm từng tiểu vùng, hay đặc điểm tài nguyên nước của vùng để triển khai.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Return to top