ClockThứ Hai, 05/11/2018 14:24

Bàn giải pháp trao quyền bảo vệ di sản phi vật thể cho cộng đồng

TTH.VN - Sáng 5/11, đại diện 2 cơ quan phối hợp tổ chức Hội nghị là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về DSVHPVT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ICHCAP) đã có buổi họp báo để đưa ra những thông tin chính thức của Hội nghị.

Trao di sản trong tay thế hệ trẻ một cách tốt hơnThay đổi cơ chế, tạo đà để phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế

Điều hành buổi họp báo có: TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; ông Kwon Huh, Tổng Giám đốc ICHCAP và ông Seong – Yong Park, Trợ lý Tổng Giám đốc ICHCAP.

Rất ý nghĩa với Cố đô Huế

Đây là lần thứ hai ICHCAP tổ chức Hội nghị tổ chức phi chính phủ về bảo tồn DSVHPVT khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sau hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Jeonju, Hàn Quốc, vào năm 2016. Hội nghị năm nay có chủ đề: “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ DSVHPVT vì sự phát triển cộng đồng bền vững”, thu hút đại diện 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ DSVHPVT từ 16 quốc gia khác nhau tham dự và có báo cáo chuyên môn. Mục tiêu lớn nhất của Hội nghị là chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ trong khu vực và tìm hiểu hướng đi phù hợp trong tương lai, nhằm trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ tham gia bảo tồn DSVHPVT trong khu vực. Trong đó tập trung đặc biệt vào giáo dục chất lượng và cộng đồng, cũng như mối quan hệ của những vấn đề này với việc bảo vệ DSVHPVT.

Ông Kwon Huh phát biểu tại buổi họp báo

Hội nghị lần này sẽ thảo luận về các vấn đề: Vai trò của tổ chức phi chính phủ đối với bảo tồn DSVHPVT; Giáo dục DSVHPVT vì sự phát triển bền vững; Bảo tồn DSVHPVT và phát triển cộng đồng; Làm thế nào các tổ chức phi chính phủ đóng góp vào công tác hiện thực hóa phát triển bền vững thông qua giáo dục về DSVHPVT cho thế hệ trẻ và các nhóm yếu thế?; Cần sử dụng những chiến lược gì để trao quyền cho các cộng đồng để họ trở nên bền vững, sáng tạo và hòa nhập? và cuối cùng là phiên thảo luận đặc biệt về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam.

TS. Phan Thanh Hải cung cấp thông tin cho báo chí

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên Huế nỗ lực hợp tác và phối hợp với ICHCAP tổ chức Hội nghị này thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Chính phủ và tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc sẵn sàng chung tay, đồng hành với ICHCAP và các quốc gia trong khu vực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các DSVHPVT vì mục tiêu phát triển bền vững. Việc lựa chọn tổ chức Hội nghị DSVHPVT tại Châu Á – Thái Bình Dương 2018 tại TP. Huế nhân kỷ niệm 15 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO công nhận, là điều hết sức có ý nghĩa. Hội nghị sẽ giúp Huế bằng những đánh giá chính xác, khách quan, từ đó đưa ra các chính sách và hướng phát triển bền vững cho các DSVHPVT trong thời gian tới, trong đó có Nhã nhạc.

Trao quyền bằng cách nào?

Theo Tổng Giám đốc ICHCAP Kwon Huh: Để có thể bảo vệ được di sản văn hóa nói chung, DSVHPVT nói riêng, rất cần sự chung tay của rất nhiều tổ chức có liên quan trong xã hội, bao gồm: chính quyền, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ… Trong đó, các tổ chức phi chính phủ là những nhân tố khách quan có vai trò đặc biệt quan trọng. Hiện nay, vai trò của các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam cũng như trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực bảo tồn DSVHPVT hoạt động vẫn chưa mạnh như các nước ở khu vực Châu Âu. Hy vọng thời gian tới, các tổ chức phi chính phủ trong khu vực sẽ có nhiều đóng góp hơn trong lĩnh vực này.

Báo chí đặt câu hỏi về hội nghị với Ban tổ chức

“Cách đây 2 năm, vào năm 2016, trong hội nghị ICHCAP đầu tiên, các đại biểu đã rất quan tâm việc làm thế nào để thiết lập một mạng lưới các tổ chức phi chính phủ để có thể thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các tổ chức này trong việc bảo tồn DSVHPVT. Do vậy, tôi tin tưởng rằng, trong hội nghị này chúng ta sẽ có những cam kết mang tính quốc tế đối với việc làm thế nào để thúc đẩy và trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ, cũng như hỗ trợ họ có thêm nhiều hoạt động tham gia vào công cuộc bảo vệ DSVHPVT trong khu vực”, ông Hub nói.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về vai trò của các tổ chức phi chính phủ từ trước đến nay trong bảo tồn DSVHPVT, cũng như làm cách nào để hỗ trợ họ về mặt kinh phí và nghiệp vụ, ông Kwon Hub và cộng sự đã đưa ra rất nhiều ví dụ điển hình về hiệu quả hoạt động của các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực này. Đồng thời ông nói rõ: Bản thân ICHCAP không phải là một cơ quan tài trợ về tài chính. Nhưng sẽ có nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa được thảo luận và chia sẻ tại Hội nghị ICHCAP. Qua đó, sẽ định hướng những giải pháp phù hợp trong thời gian tới, đồng thời xây dựng mạng lưới các tổ chức phi chính phủ để thực hiện được điều này. Mong rằng, chúng ta sẽ có những hợp tác, những cam kết nhằm tăng cường hơn nữa việc trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, hướng đến bảo tồn và phát huy DSVHPVT một cách tốt nhất.

Cùng xem lại một số hình ảnh tại Hội nghị ICHCAP lần thứ nhất

Làm rõ hơn vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo tồn DSVHPVT, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trước đây, ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, gần như việc bảo tồn di sản văn hóa được mặc định đó là trách nhiệm của Nhà nước. Hiện nay trong các chính sách của nhà nước, Việt Nam sẽ chuyển dần vai trò của Nhà nước theo hướng quản lý, định hướng và trao các quyền cho cộng đồng. Trong đó, cộng đồng sẽ chủ động hoàn toàn việc nắm giữ di sản và vận động các nguồn lực trong xã hội để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản.

“Trong thực tế, có nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được gìn giữ đến hôm nay nhờ cộng đồng và càng ngày thực tiễn càng khẳng định, đối với DSVHPVT, cộng đồng là yếu tố quan trọng nhất. Di sản có tồn tại được hay không và nó sống trong đời sống đương đại như thế nào chắc chắn đều phải dựa vào cộng đồng. Tại Hội nghị ICHCAP lần này, từ những kinh nghiệm được chia sẻ, chắc chắn Việt Nam nói chung, Cố đô Huế nói riêng, sẽ có thêm cơ hội để nhìn nhận rõ hơn cách huy động sự vào cuộc của cộng đồng để bảo tồn tốt hơn những di sản văn hóa thế giới mà chúng ta đang nắm giữ”, TS. Phan Thanh Hải nói.

Tin, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top