ClockThứ Ba, 04/06/2019 06:30

Băn khoăn học phí đại học

TTH - Học phí điều chỉnh mỗi năm trở thành mối băn khoăn của sinh viên (SV). Lý do phải điều chỉnh và liệu có ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục đại học (ĐH) với người nghèo là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.

Không dễ tăng học phí dù... “có quyền”Nhiều chính sách thu hút thí sinh

Cán bộ Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế hướng dẫn các thủ tục, cách đóng học phí cho tân sinh viên năm 2018

Mỗi năm mỗi điều chỉnh

Thu Phương, SV một trường ĐH tại Huế chia sẻ, cứ sau mỗi năm học, học phí lại tăng, từ vài trăm nghìn đến gần cả triệu đồng so với năm trước. Xa quê đủ thứ chi phí phải trang trải, cộng thêm học phí tăng khiến SV khó khăn.

Tăng học phí mỗi năm xảy ra khá phổ biến với hầu hết các trường ĐH trên toàn quốc. Tuy nhiên, khá nhiều SV thắc mắc lý do và cơ sở tăng học phí. Theo đại diện ĐH Huế, mức học phí các năm học được quy định rõ trong Nghị định 86 của Chính phủ (Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015). Hiện nay, lộ trình tăng học phí của các trường được xây dựng bám sát quy định trên và đảm bảo không vượt trần so với khung cho phép.

Đối với hình thức đào theo niên chế, ĐH Huế xây dựng học phí theo 3 nhóm ngành đào tạo, gồm: nhóm các ngành nông, lâm, thủy sản, khoa học xã hội, kinh tế, luật; nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, du lịch; nhóm ngành y, dược. Nhìn chung tất cả các nhóm ngành tăng khoảng hơn 10% mỗi năm học.

Khi chuyển sang đào tạo theo hệ tín chỉ, học phí được xây dựng theo mức tương đương với mức học phí của hình thức niên chế, nhưng tính toán cụ thể ra đơn vị tín chỉ và mức tăng cũng tương đương theo khung. Tùy thuộc vào số lượng tín chỉ của mỗi ngành, ĐH Huế có cách xây dựng mức học phí phù hợp. “Trong các nhóm ngành, ngoại ngữ có mức học phí mỗi tín chỉ thấp nhất, lý do là thông thường SV học 4 năm học khoảng 120 tín chỉ, nhưng SV ngoại ngữ phải học gần 140 tín chỉ”, ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng phòng Công tác SV ĐH Huế nói.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế nộp học phí khi nhập học

Theo các chuyên gia giáo dục, học phí tăng đều qua các năm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng đủ nhu cầu chi trả cho giáo dục ĐH, trong đó có lương cán bộ, giảng viên, đầu tư phục vụ giảng dạy cho SV... Nguồn thu hiện nay của các trường (cả trường công lẫn trường tư thục) chủ yếu từ học phí của SV. Do đó, nếu không tăng chi phí đào tạo (trong đó, có tăng học phí), chắc chắn sẽ có những khó khăn và ảnh hưởng chất lượng.

Đảm bảo cơ hội học tập cho sinh viên nghèo

Tin vui cho SV và các thí sinh chuẩn bị bước vào “cánh cửa” ĐH là năm học 2019 - 2020 là các cơ sở giáo dục thuộc ĐH Huế sẽ chưa tăng vọt học phí theo lộ trình tự chủ. Lý do là đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên thời gian tự chủ của các trường sẽ chậm hơn. Tuy nhiên, phải xác định xu hướng tự chủ là tất yếu và trong bối cảnh ấy, mức học phí trong tương lai có thể sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện nay. Điều này chắc chắn ảnh hưởng lớn đến người học.

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế nhấn mạnh, vấn đề tăng học phí rất quan trọng và cần phải thận trọng để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho những SV có hoàn cảnh khó khăn. Nếu tự chủ, cũng không thể đồng loạt tăng học phí ở tất cả các ngành, việc định giá học phí cần được tính toán kỹ. Các trường nên xác định những ngành mũi nhọn để nâng chất lượng và có thể tăng học phí ở những ngành này. Học phí phải tương xứng với chất lượng và cơ sở vật chất. “Quy định cho phép nhưng không thể tăng mạnh, bởi nếu tăng cao cũng sẽ khó thu hút người học. Mức tăng học phí khi tăng theo hướng tự chủ cũng phải được thẩm định kỹ. Quan điểm chung là sẽ không tăng đột ngột làm khó người học”, TS. Trương Quý Tùng khẳng định.

Học phí có thể khác nhau cho từng khóa, nhưng cần giữ nguyên từ lúc SV vào trường cho đến khi SV tốt nghiệp (tức là không áp dụng mức học phí tự chủ cho SV khóa cũ). Điều này giúp SV có thể lên kế hoạch về chi phí học ĐH của mình, đồng thời nhà trường cũng có một mức độ linh hoạt cần thiết để đáp ứng nhu cầu và bù đắp giữa các ngành và các khóa.

Để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH với người nghèo cần có những chính sách học bổng, hỗ trợ, vay vốn để trang trải việc học. Các hỗ trợ hiện nay đang ở mức trung bình, trong trường hợp học phí tăng cao, các trường cần có trách nhiệm trong việc phối hợp các ban ngành, chức năng, kết nối để giúp SV tiếp cận các chính sách hỗ trợ tốt hơn, tương ứng với mức học phí.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Đặt mục tiêu có được học bổng

Nhiều sinh viên đặt mục tiêu học tập, rèn luyện thật tốt để có thể nhận học bổng, đó là cách để các em phụ giúp gia đình.

Đặt mục tiêu có được học bổng
Return to top