ClockThứ Bảy, 12/08/2017 19:28

“Bàn tay” của quy hoạch

TTH - Có một buổi sáng hoặc một buổi chiều nào đó, khi trời dịu mát, hãy một lần rảo bước trên con đường Lê Ngô Cát - đường dẫn đến lăng Tự Đức, tin rằng bạn sẽ có một cảm giác hết sức nhẹ nhàng.

Đây là một con đường rất đẹp ở vùng phía tây TP. Huế. Nó có hình dáng đồi dốc và uốn lượn mềm mại. Hai bên là nhà lẩn khuất dưới những tán cây xanh. Rồi như tình cờ rẽ vào bất cứ con đường nhỏ nào vào xóm, cây xanh càng nhiều hơn, dốc lên dốc xuống. Những ngôi nhà ba gian như được ru ngủ bình yên.

Bây giờ thì chắc chậm mất rồi. Nhưng trong hình dung của tôi, một người chẳng am hiểu gì về kiến trúc, với địa hình đồi dốc ở vùng này hoàn toàn có thể tạo ra một hình dáng đô thị độc đáo dựa vào thế đất. Người ta thích Đà Lạt, ngoài khí hậu còn là những con phố không đèn xanh đèn đỏ. Đô thị như cứ từng lớp chồng lên nhau, dẫn nhau chạy ngoằn ngoèo như rong chơi. Đến Pleiku ta cũng có cảm giác như vậy. Thế nó mới sinh ra những cảm xúc để nhà thơ Vũ Hữu Định có những câu thơ: “Anh khách lạ đi lên đi xuống… một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng” , mà sau được Phạm Duy phổ nhạc và trở thành bài hát “Vượt thời gian”. 

Cùng với quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị là một việc làm cần thiết. Muốn cho không gian đô thị phát triển bài bản, đẹp thì chắc chắn phải có sự tham gia của kiến trúc đô thị. Ở các nước phát triển, người ta có kiến trúc sư trưởng và cả hội đồng kiến trúc để làm việc này.

Đối với Huế, thời gian gần đây, một số khu đô thị mới, chúng ta đã thấy vóc dáng kiến trúc không gian đô thị. Ở đây chưa nói chuyện đẹp hay không đẹp nhưng những người định sống trong những khu đô thị như thế này, ít ra họ biết được một cách rõ ràng hơn nơi mình sống trong tương lai sẽ như thế nào. Người dân thành phố cũng sẽ biết được một cách tương đối là thành phố mình đang sống tương lai sẽ như thế nào.

Quy hoạch đô thị và kiến trúc đô thị rất quan trọng cho việc phát triển đô thị trong tương lai. Thế nhưng, cũng không hiểu vì sao các khu đô thị mới vẫn được phép diễn ra tình trạng san nền, chia lô, chuyển nhượng rồi người dân tự xây dựng như thế nào thì xây. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng đô thị Huế trở thành đô thị cảnh quan, sinh thái…, thiết nghĩ cũng nên quản lý chặt điều này.

Trở lại vùng Thủy Xuân. Đây là một vùng đồi. Không dám chắc bây giờ có thực hiện được không nhưng nếu có một quy hoạch bài bản và định hướng phát triển không gian rõ ràng, thì chắc sẽ tạo ra một vóc dáng đô thị đẹp ở vùng này. Nếu như xây dựng Huế thành đô thị cảnh quan, sinh thái thì tôi nghĩ rằng, vùng này là cần lưu ý nhất. Cách đây chừng 20 năm, khi thành phố Huế chưa phát triển mạnh như bây giờ, cái “lõi phố” ở phía tây thậm chí chưa phát triển đến vùng Trường An thì Thủy Xuân là làng quê. Chuyện mỗi hộ gia đình “sở hữu” vài trăm thậm chí vài ngàn mét vuông đất là chuyện thường. Lúc đó đất được tính bằng sào chứ không phải khan hiếm tính bằng mét vuông như bây giờ. Giá như lúc đó, chúng ta nhận biết và quy hoạch ngay một vùng đô thị, chỗ nào là đường, đường chạy như thế nào, nhà dân được kiến trúc và phát triển ra sao… chắc bây giờ nó đã trở thành một vùng đô thị rất đẹp.

Trong vòng 20 năm, có hai thời điểm việc chuyển nhượng đất ở vùng Thủy Xuân diễn ra sôi động, đó là những năm sau năm 2000 và bây giờ. Với việc nắm giữ một diện tích đất đai lớn như vậy, nếu xét về tài sản, nhiều gia đình đã nắm giữ một tài sản lớn. Với nền tảng như vậy, cùng với “bàn tay” của quy hoạch, kiến trúc, người dân hoàn toàn có thể tham gia vào việc hình thành một vùng đô thị đẹp.

Đấy là trộm nghĩ vậy...

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top