ClockThứ Tư, 04/01/2017 05:46

“Bàn tay nặn bột” phương pháp giảng dạy cần được nhân rộng

TTH - “Bàn tay nặn bột” (BTNB) là một phương pháp dạy học thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên, nhất là đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Trong giờ học theo phương pháp BTNB ở Trường TH số 1 Hương Vinh (Hương Trà)

Khả quan

Được triển khai từ năm học 2011 - 2012 với đợt tập huấn đầu tiên dành cho giáo viên cốt cán do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) tổ chức, Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh, thành được Bộ “ngắm” tham gia thí điểm và là địa phương triển khai sớm phương pháp BTNB, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc đổi phương pháp dạy học ở bậc tiểu học. Sau 2 năm thực hiện, ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT khẳng định: “Nhiều giáo viên rất tích cực tìm hiểu về phương pháp này nên việc lĩnh hội những điều cơ bản của phương pháp BTNB không khó khăn, hiệu quả qua chất lượng giáo dục khá rõ”.

Việc áp dụng phương pháp BTNB giúp học sinh được trải nghiệm nhiều hơn. Giáo viên có thể khai thác kiến thức trong đời sống thực tế theo lứa tuổi giúp học sinh tự tìm hiểu và hình thành kiến thức mới của bài học. Tính chân thực của đời sống tạo được sự hứng thú vì bản thân học sinh tự tìm tòi, rút ra được tri thức. Phương pháp này phát huy được tối đa tinh thần làm việc theo nhóm, học sinh có cơ hội để thực hành kỹ năng nói, viết nên nắm chắc kiến thức, đáp ứng xu hướng đánh giá kết quả học tập mới của HS tiểu học hiện nay.

Vận dụng phương pháp BTNB trong dạy học các môn tự nhiên, xã hội và khoa học có thể phát huy tối đa khả năng tự học và sáng tạo của học sinh, giúp các em tự phát hiện và giải quyết vấn đề thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra. Học sinh hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ, góp phần hình thành tác phong và phương pháp làm việc của một nhà khoa học khi các em trưởng thành.

Điều kiện vận hành… còn khó

Việc tiến hành phương pháp BTNB được quy thành 5 bước: Đưa ra tình huống có vấn đề cần tìm hiểu, học sinh bộc lộ quan điểm ban đầu, đặt câu hỏi và đề xuất phương án thí nghiệm, tiến hành thực nghiệm, so sánh kết quả sau thực nghiệm với dự đoán và rút ra kết luận. Để thực hiện phương pháp, giáo viên phải có kiến thức vững vàng, có khả năng linh hoạt để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra trong tiết học, nên công tác tập huấn đã được Sở GD&ĐT chú trọng, các phòng GD&ĐT cũng đầu tư khá tập trung cho các giáo viên tham gia.

Ông Hải cho biết: “Thời gian 35 - 40 phút/tiết sẽ khó áp dụng cho phương pháp. Trang thiết bị hiện cũng chưa đáp ứng đầy đủ để triển khai là bất cập khá lớn, nhất là ở khối 4, 5. Trường nào tham gia mô hình cũng phải đầu tư thêm”. Ngoài ra, giáo viên trực tiếp dạy phương pháp BTNB cho rằng phương pháp này “làm khó” học sinh năng lực trung bình, trung bình yếu trong việc tiếp thu bài giảng. Đối với khối 1, 2 và 3 dạy theo phương pháp BTNB cũng gặp hạn chế trong khâu tổ chức vì các em còn nhỏ, chưa biết cách đặt câu hỏi.

Thừa Thiên Huế được Bộ GD & ĐT đánh giá cao trong quá trình triển khai dạy học theo phương pháp BTNB. Đã có giáo viên của tỉnh được chọn dạy minh họa cho toàn quốc (cô giáo Thủy An, giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi Huế), nhiều cán bộ, giáo viên tham gia chương trình được Bộ trao tặng bằng khen. Hiện, Sở GD&ĐT khuyến khích giáo viên viết bài, đưa tin về dạy học theo phương pháp BTNB tại website của đơn vị, của Sở GD&ĐT và trường học kết nối… Đây chính là sự chuẩn bị để tiếp tục nhân rộng phương pháp BTNB ra toàn bậc học trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình kinh tế

Các cấp Hội Nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế thông qua việc phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân (HVND) tham gia các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình kinh tế
Từng bước nhân rộng mô hình khuyến nông mới

Năm vừa qua, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh thực hiện thành công nhiều mô hình khuyến nông. Tuy vậy, làm thế nào để nhân rộng mô hình mới là điều cần quan tâm đối với ngành nông nghiệp, các địa phương và người dân.

Từng bước nhân rộng mô hình khuyến nông mới
Đổi mới phương pháp dạy môn lịch sử bắt đầu từ đâu?

Vai trò của người thầy rất quan trọng trong quyết định chất lượng giáo dục nói chung và với môn lịch sử nói riêng. TS. Nguyễn Đức Cương (Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế) đã nhận định như thế khi bàn về chuyện đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay.

Đổi mới phương pháp dạy môn lịch sử bắt đầu từ đâu
Return to top