ClockThứ Năm, 28/04/2016 09:47

Bạn xưa

TTH - Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những mối quan hệ bạn bè, tình cảm thắm thiết gắn bó một thời không thể phai mờ trong ký ức. Giờ gần bước độ tuổi U80, tôi muốn kể lại một kỷ niệm thật sâu đậm về tình bạn xưa và đi tìm thông tin về họ sau bao nhiêu năm chiến tranh.

Một chiều xuân Bính Thân 2016, tôi đang nhìn qua khung cửa sổ để cảm nhận hết một không gian gợi nhớ, bỗng chuông điện thoại reo lên. Tôi bấm máy nghe. Đầu dây bên kia là giọng một người bạn mà tôi nhận ra ngay, đó là Thọ và hỏi ngay: “Ở Đà Lạt mới ra à?”, chuyện trò một lúc và hẹn gặp nhau vào ngày mai vì có nhiều chuyện cần tâm sự, mặc dù gần đây, năm nào chúng tôi cũng gặp nhau. Quê Thọ ở Quảng Điền.

Nhắc đến Thọ là một câu chuyện dài cảm động. Nhóm bạn thân thiết của chúng tôi là đồng hương Huế có Truyền, Mai, Ngạnh, Thọ, Nhâm, Khâm, Thanh Trâm, Bá, Kim, Quế, Yết, Tuân và tôi cùng học cấp 2, cấp 3 ở thị xã (nay là thành phố) Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp Trường 10+1 (Sư phạm), Thọ và Khâm đều đi chiến trường B thời chống Mỹ. Thọ vào Tây Nguyên, Khâm vào Trị Thiên - là những người thầy giáo cầm súng - ở tuyến đầu chống Mỹ vô cùng gian khổ ác liệt.

Trong một trận đánh, tổ trinh sát 3 người, trong đó có Khâm đi làm nhiệm vụ  thì một người hy sinh do bị địch phục kích. Trong làn đạn xối xả, Khâm và người bạn thay nhau cõng người đồng chí về hậu phương, không may dẫm phải mìn nên cả hai người cũng hy sinh. Do chiến đấu ngay trên vùng quê Quảng Điền của mình, nên dân làng sau đó đã đưa thi hài của Khâm và hai đồng đội chôn cất ngay ở làng, sau này đã tìm được mộ Khâm hy sinh vào ngày 4/6 âm lịch (1972).

Thời kỳ còn chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, chúng tôi có nghe thông tin Khâm và Thọ đều đã hy sinh. Vài năm gần đây, qua nhiều nguồn thông tin được kiểm chứng, tôi và một số bạn bè biết được chính xác Thọ còn sống. Mất nhiều thời gian và công sức liên lạc, cuối cùng chúng tôi đã xác định được Thọ đã chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, bị thương nặng ở chân trái còn mang mảnh đạn. Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975, Thọ chuyển sang làm công tác Đảng ở tỉnh Lâm Đồng và nghỉ hưu tại TP. Đà Lạt cùng gia đình 3 thế hệ chung sống.

Trong lần kỷ niệm 80 năm thành lập Trường Đào Duy Từ - Lam Sơn (Thanh Hóa), chúng tôi đã gặp nhau ở mái trường xưa với bao câu chuyện cảm động. Ai cũng nói: “Tau tưởng mày chết rồi, thật không thể ngờ”, “Còn anh em Khâm, Nhâm?” ...

Sáng hôm sau, Thọ đến nhà tôi sớm. Sau khi trao đổi thống nhất, tôi bấm điện thoại cho Thiêm - vợ của Nhâm - ở đường Đào Tấn, TP Huế, hẹn đến chơi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, rưng rưng nước mắt. Chúng tôi lên tầng 2, đến bàn thờ của Nhâm thắp hương. Ảnh của Nhâm chụp hồi còn học địa chất ở Liên Xô cũ, trẻ và đẹp trai quá! Một nén hương bồi hồi nhớ người bạn thân đã mất vào ngày 12/5 ÂL (1978).

Thực ra, tôi đã gặp Thiêm ở Huế sau khi Nhâm mất ở Gia Lai vì trúng mìn khi đi khảo sát địa chất. Sau đó, mấy mẹ con ra quê chồng công tác và học tập. Một thời gian dài chúng tôi mất liên lạc vì mấy mẹ con Thiêm di chuyển chỗ ở sau khi Thiêm nghỉ hưu. Cũng rất tình cờ trong một đám cưới, tôi ngồi cạnh một người quen nhà ở đối diện với nhà Thiêm. Anh ấy cho số điện thoại và tôi đã liên lạc được ngay với Thiêm.

Trở lại câu chuyện của Khâm với mối tình đầu “để lại”. Hôm kỷ niệm 80 năm thành lập Trường Đào Duy Từ, Kiều Oanh - mối tình đầu thuở học trò với Khâm gặp tôi tâm sự rất nhiều và tha thiết nhờ tôi làm sao tìm được thông tin về Khâm: ngày hy sinh, hoàn cảnh hy sinh, mộ phần ở đâu, ai thờ cúng? ... Tôi thấy lòng nặng trĩu vì không thể trả lời được, chỉ biết trân trọng một mối tình cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Hình ảnh Khâm lại sống dậy trong tôi. Tôi đã hứa với Oanh trở về Huế sẽ tiếp tục tìm kiếm thông tin. Bây giờ Oanh cũng đã có một gia đình hạnh phúc bên con cháu, nhưng không thể nào quên được “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.

Tôi tự nhủ với mình phải tìm mọi cách để biết được một người bạn thân đã hy sinh nhằm thông báo cho bạn bè và với riêng Kiều Oanh ở Thanh Hóa. Thỉnh thoảng Kiều Oanh lại điện thoại cho tôi để hỏi tin tức về Khâm. Mỗi lần như vậy, qua tiếng nói, tôi biết Oanh rất xúc động, nhắc lại chuyện xưa, chuyện nay.

Mãi bây giờ gặp lại Thiêm, mọi chi tiết về Khâm mới được rõ ràng. Oanh và Thiêm đã liên lạc nhiều lần với nhau qua điện thoại. Oanh rất muốn vào Huế để thắp một nén hương trước ngôi mộ của Khâm, nhưng sức khỏe không cho phép đi xa được. Tôi nghĩ phần nào Oanh đã thỏa nguyện và tôi cũng đã “hoàn thành nhiệm vụ” với người còn sống và người đã khuất. Mối tình đầu nào cũng đẹp và “ngàn năm chưa dễ đã ai quên!”.

Nguyễn Cương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top