ClockThứ Ba, 02/04/2013 05:53

Bâng quơ mùa hội trại…

TTH - Những hội trại đã tập cho lũ con trai, con gái chúng tôi sau này ai cũng có thể đi chợ, nấu ăn. Thậm chí nấu ăn… trên cả ngon.

Tháng ba về, giới học sinh, sinh viên lại rộn ràng, háo hức với chuyện trại 26-3. Thằng con tôi cũng không ngoại lệ. Chiều đi học về, chưa kịp cất cái cặp đã rật rật chạy đi lấy ba lô, tìm áo quần,… để sáng mai lên đường đi trại. Tôi nhìn con mà rưng rưng nhớ về thời còn cắp sách, nhớ bạn bè, nhớ trường lớp, nhớ thầy cô một thuở…

 

Hội trại 26-3 là dịp để các bạn trẻ học và rèn luyện các kỹ năng sống (Ảnh minh hoạ từ Internet)

 

 

Cũng như tôi hồi xưa, cả đêm nó trằn trọc không ngủ. Sáng mai, chẳng cần ai hối thúc, nó bật dậy thật sớm. Tôi chở nó đến địa điểm tập kết. Rộn ràng, đông vui, lỉnh cà lỉnh kỉnh đủ thứ. Nhưng có cảm giác thiêu thiếu thứ gì. Tôi bóp trán. À, đúng rồi, soong nồi, tăng bạt, củi lửa đâu không thấy, chỉ thấy toàn… chiếu. Vậy lấy gì ở, lấy gì nấu ăn? Hỏi quanh mới vỡ lẽ mình lạc hậu. Chuyện lỉnh kỉnh soong nồi, tăng bạt, cọc dây…đã là “cơ xưa”. Bây giờ, tất cả đều đã được thuê chuẩn bị sẵn. Đến bữa thì có cơm hộp đưa đến tận nơi, khỏi cần nấu nướng. Trên đường quay về, ngang qua trường C. thấy những nhà làm dịch vụ lều rạp cũng đang khẩn trương triển khai công việc. Những chiếc rạp to như rạp đám cưới, đám giỗ dần dần nên hình nên hài để kịp cho trường khai mạc hội trại. Và… nhìn nước da, chắc chắn đến bữa cũng sẽ là cơm hộp tận nơi. Quá tiện, quá khoẻ! Nhưng sao cứ thấy hẫng hụt thế nào…

 

Cứ tưởng mình hoài cổ, lạc hậu. Không ngờ chuyện lại được rất nhiều bậc làm cha làm mẹ khác chia sẻ. Ai cũng bảo, xưa, đi trại lách cách lỉnh kỉnh nhưng mà cực vui và qúa nhiều kỷ niệm. Lớp chúng tôi, trước ngày đi trại cả nửa tháng đã họp, bàn tán, phân công sôi nổi. Quan trọng nhất là kiếm đâu ra tấm bạt để dựng trại. Tiếp đó là kiếm cọc dài, cọc ngắn ở đâu, dây nhợ thế nào. Xong mấy thứ ấy là xem như thắng lợi một nửa. Kế đến là chia nhau đứa này mang nồi nấu cơm, đứa khác soong nấu canh, đứa khác nữa là soong nấu chè, chảo để làm món xào… Rồi cân đối thời gian và… sức ăn để mà tính toán mỗi đứa góp bao nhiêu lon gạo, đóng bao nhiêu tiền, mang theo bao nhiêu lẻ củi…

 

Đến ngày, cả bọn í ới gọi nhau tập trung thật sớm. Nhận vị trí xong là a la sô bắt tay dựng trại, trang hoàng, kê bếp, bửa củi…Sau đó theo chân cô giáo chủ nhiệm ra chợ chọn mua thức ăn. Trở về trại, cả lũ xúm vào tíu tít nhặt rau, làm cá, vo gạo, thổi cơm…Ban Giám hiệu cử đoàn đến thăm từng trại, cùng nếm thức ăn và chấm điểm. Cơm thổi bữa dẻo, bữa sống, bữa khê (đang là học sinh tiểu học bé tẹo, lại thổi nồi cơm to tướng cho cả mười mấy hai chục người ăn. Khê, sống âu cũng là… bình thường). Vậy nhưng, được ăn bữa cơm do chính mình “đạo diễn”, đứa nào đứa nấy đều gật gù. Nồi cơm, soong canh chẳng mấy chốc mà hết veo. Tối lại, vừa sinh hoạt lửa trại, vừa nấu chè cải thiện. Ôi, cái soong chè tuổi thơ, sao vẫn còn thấy ngọt đến tận bây giờ… Ngẫm lại, những hội trại như thế có lẽ đã tập cho lũ con trai, con gái chúng tôi kỹ năng nội trợ. Thế nên, lứa chúng tôi, sau này nam cũng như nữ, ai cũng có thể đi chợ, nấu ăn. Thậm chí nấu ăn… trên cả ngon nữa là đằng khác! Vợ “nhờ”, chồng thương âu cũng là… “nhờ ơn” các hội trại một thuở.

 

Bây giờ, các cháu, các em đi trại hoành tráng, sang trọng và tiện lợi hơn lứa chúng tôi thật nhiều. Có điều, chắc chắn các em không bao giờ có được những gì mà chúng tôi đã may mắn-có thể nói như vậy-được trải nghiệm. Các em mất đi những cơ hội để có được những niềm vui thanh khiết trong rèn luyện cho mình những kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng lại hết sức hữu dụng, hết sức ý nghĩa trong cuộc sống. Đó là những kỹ năng về “nữ công gia chánh”, về cách làm sao để dựng một túp lều, thắt một nút dây, kê một cái bếp, nhóm một đống lửa… nếu nhỡ không may rơi vào cảnh phải sống ở những điều kiện bất bình thường. Mới cách đây mấy bữa, nhà tôi đón gia đình bà chị về thăm. Đến bữa ăn, cô cháu tuổi đã thiếu nữ cứ trú trớ mãi vẫn không biết làm thế nào để chế biến chén nước chấm, nhặt rổ rau khi được bà ngoại sai. Chẳng hiểu có khiêng cưỡng không, nhưng chắc chắn đó cũng có một phần “góp sức” từ cơm hộp, trại thuê của cháu tôi sau nhiều mùa cắm trại…

Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học
Return to top