ClockThứ Bảy, 24/11/2018 18:42

Băng rừng “ăn” mật

TTH - Trong khi mật ong nuôi chỉ từ 130.000-180.000 đồng/lít thì mật ong rừng lên đến 500-600 ngàn đồng/lít. Một năm, tùy chịu khó hay không mà một người “ăn” mật thu hoạch được 100 - 200 lít mật…
 

 
Thành quả sau 1 ngày băng rừng

Trong khi mật ong nuôi chỉ từ 130.000-180.000 đồng/lít thì mật ong rừng lên đến 500-600 ngàn đồng/lít. Một năm, tùy chịu khó hay không mà một người “ăn” mật thu hoạch được 100 - 200 lít mật…

Từ UBND xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy), theo chân tốp “ăn” mật ong rừng đến cánh rừng ngút ngàn keo, tràm thuộc khu vực khe Bảy Mộ mất chừng 15 phút xe máy. Đó chỉ mới đến bìa rừng. Để đến khu vực ong mật hay làm tổ, những người “ăn” mật phải băng đồi lội suối hơn 1 tiếng đồng hồ. Từ khu vực này, họ lại tỏa ra nhiều hướng, người đi ngang, kẻ tiến sâu vào rừng, vừa đi, họ vừa chăm chú theo dõi những khe nước vắt ngang, vừa khum tay che nắng chú mục vào những ngọn cây cao vút.

 

"Đằng" được người "ăn" mật sử dụng như thang giúp dễ leo trèo

Ong mật thường làm tổ gần nơi có khe, suối. Cứ thấy ong “đáp” nước (uống nước) là biết gần đây kiểu chi cũng có tổ, nói rồi, Luyện khum tay, mắt dõi theo chú ong mật bằng đầu ngón tay út vằn vện đen - vàng bay vòng vòng dưới ánh nắng chói chang sau khi “đáp” nước no nê. Đang định thắc mắc, Luyện đã xốc vội cái gùi, đầu hướng lên trời, chân phăm phăm theo chú ong bất chấp gai mây, lá sân cùng dây rừng quất phầm phập vào bụng, vào mặt.

Sau 15 phút trồi lên hụp xuống, Luyện dừng lại chỉ vào ngọn cây phía xa xa lắc đầu, ổ nhỏ quá, chừng 1 "xị" mật, thôi để bữa khác. “Ngoài gần khe, suối, ong mật thường chọn những nơi có cây nhiều nhánh to nằm ngang, nhưng phải có khoảng trống để làm tổ. Vừa tránh gió to, vừa giúp ong dễ định hướng trở về sau khi đáp nước, hút mật”. Lúc này, phía xa xa vẳng vài tiếng hú tiết tấu ngắn, dài. Ngoảnh đầu nhìn bạn đồng hành đang thở… bằng miệng, Luyện cười cười, thôi anh ngồi nghỉ mệt chút rồi mình đi tìm tiếp. Nhóm Liễn, Lại – anh em ruột của Liễn - vừa báo quanh đây không có, chừ tụi hắn đi vô khe Cá tìm, Liễn nói.

 

Bó cành khô làm đuốc

Khe Cá cách vị trí nhóm Luyện đang đứng chừng 10km đường rừng. “Đến mùa, ong từ rừng bên Lào bay qua tránh mưa, làm tổ nhiều vô số. Người mô chịu khó đi vô sâu, một ngày kiếm chục lít mật là thường, còn “ột” (cả ngày không tìm được tổ nào), ngày sau đi lại vẫn có, bù qua sớt lại cũng không lỗ công”, Luyện nói. Bình thường một năm có 2 mùa “ăn” mật, vào tầm tháng 2 - 3 và tháng 6 - 9 âm lịch. Tới tháng mưa thì nghỉ. Nhưng năm nay thời tiết bất thường, đáng chừ trời mưa nhưng lại nắng chang chang, ong từ Lào vẫn bay sang làm tổ nên tụi em tranh thủ làm mấy chuyến “vét”, cu Nẹo đi cùng với Luyện góp chuyện sau khi cầm cành cây gạt phăng con vắt bằng ngón tay út đang ngoe nguẩy trong đám lá mục sát chỗ ngồi.

Đỡ mệt, nhóm tiếp tục vạch lá, băng rừng. Nặng nhọc lê từng bước bám theo Luyện và cu Nẹo thêm 1 tiếng đồng hồ, ngoài một lần nhìn thấy… dấu tổ ong “khủng” ở thân cây khá to, cao hơn 10m đã bị nhóm khác nhanh tay “ăn” trước thì bốn bề vẫn bặt dấu ong. “Tổ ni phải chừng 4, 5  lít mật, mình chậm chân nên hụt ăn rồi, tiếc quá. Anh thấy cái “đằng” không, đó là một trong những cách giúp người “ăn” ong có thể leo lên dễ và an toàn hơn khi gặp phải tổ ong làm ở những thân cây to và quá cao”, Luyện tặc lưỡi.

Đuốc làm từ cành khô và lá tươi tạo ra nhiều khói để xua đàn ong

“Đằng” mà Luyện chỉ là một đoạn cây nhỏ tựa sát vào thân cây ong chọn làm tổ, được cột bằng dây rừng, có tác dụng tương tự như cái thang, giúp người leo lên cây dễ dàng một khi trúng cây ong làm tổ quá to, cao. Những thứ này thường được thợ “ăn” mật tận dụng cây và dây rừng để chế tạo ngay tại chỗ, bởi đồ nghề mang theo của họ rất đơn giản, chỉ là cây rựa, mũ trùm, tấm vải màn, chai nước cùng ít bao ni lông sạch để đựng mật. Tất cả nhét vào gùi hay chiếc túi nhỏ khoác trên vai, cứ thế băng rừng.

Bảo vệ mặt bằng vải màn

 

Ba tiếng đồng hồ trôi qua trong mệt nhọc lẫn thất vọng, bất chợt tiếng ong đập cánh vù vù vang lên bên khe nước nông. Mười phút sau, dưới thân cây tràm cao chừng 8m lủng lẳng tổ ong đen kịt đang đung đưa theo cơn gió, Luyện đặt gùi xuống hỉ hả: “Tưởng ngày ni "ột" rồi, may có tổ ni, cũng được ngày công cho 2 thằng”.  Nói rồi, Luyện và cu Nẹo chia nhau kiếm dây rừng, cành khô bó lại, phủ ngoài là đám lá tươi rồi bện thành một cây đuốc với một cái móc bên trên. “Lá, cành khô cháy bén vào lá tươi sẽ tạo khói để đuổi ong, còn cái móc để gắn vào chạc cây lúc tay mình đang bận lấy mật”, cu Nẹo giải thích.

 

Để lấy được mật, người “ăn” ong phải thật dũng cảm

Chiếc gùi được soạn ra, sau vài phút loay hoay, cả người Luyện đã kín mít từ đầu tới chân. Một tay cầm bó đuốc đã bắt lửa nghi ngút khói, như chú sóc, thoáng chốc đã thấy Luyện leo sát tổ ong, bất chấp thân cây cong oằn vì sức nặng. Sau một lúc khói xâm nhập vào tổ, đàn ong hàng ngàn con say khói túa ra đen kịt một góc trời. Ngay lúc này, cu Nẹo lôi bạn đồng hành vẫn đang mải mê với ống kính máy ảnh bên dưới vào một thân cây to cách đó khá xa rồi ra dấu ngồi im: “Một vài con ong mật chích không ăn thua chứ cả trăm, cả ngàn con “tổng tấn công” cũng mệt”.

Dõi mắt phía trên ngọn cây, dù khuôn mặt phủ ngoài tấm vải màn đã đen kịt ong nhưng Luyện vẫn bình tĩnh dùng tay xé tầng (phần tổ nơi ong non ở), tiếp đó lấy dao cắt phần mật phía đầu tầng hứng vào túi ni lông đem theo rồi nhanh chóng tụt xuống. Sau khi cẩn thận dụi bó đuốc vào khe nước cho tắt hẳn, Luyện cười cười: “Cũng được khoảng 1 lít, gần tối rồi, thôi anh em mình về, mai nắng thì đi sâu vô rừng xanh (rừng tự nhiên) khả năng nhiều hơn”.

Luyện họ tên đầy đủ là Trương Hữu Luyện. Tuy mới sinh năm 1985, nhưng Luyện đang là Bí thư chi bộ, đồng thời Trưởng thôn Thanh Vân và là thành viên Hội đồng Nhân dân xã Dương Hòa, một trong những người trẻ của được tín nhiệm cáng đáng đồng thời nhiều vai trò của địa phương này.

Trên đường về, Luyện nói hiện khoảng 90% người dân xã Dương Hòa sống bằng nghề trồng rừng và nghề “ăn” mật là một trong những việc làm thêm của nhiều người nơi đây trong thời gian chờ thu hoạch từ rừng trồng. “Tuy nghề tay trái nhưng cho thu nhập rất khá. Anh tính, trong khi mật ong nuôi chỉ từ 130.000-180.000 đồng/lít thì mật ong rừng lên đến 500-600.000 đồng/lít. Một năm, tùy chịu khó đi sâu hay không mà một người “ăn” mật thu hoạch được 100 - 200 lít mật. Chỉ là nghề này rất khổ cực, phải vào rừng sâu và có khi phải đối mặt với rắn độc, vắt, ong rừng chích...”.

 

Hai anh em ruột của Luyện cũng theo nghề "ăn" mật

Bước chân ra khỏi bìa rừng cũng là lúc trời chập choạng tối. Về đến nhà, Luyện và cu Nẹo lôi thành quả sau chuyến băng rừng ra thực hiện công đoạn cuối, vắt lấy mật trữ vào chai thủy tinh rồi chờ người mua. Vừa vắt mật trên tấm vải màn để lọc xác nhộng non, cu Nẹo bày cách phân biệt mật ong rừng và mật ong nhà: “Ngoài “ga” khi nếm mạnh hơn, một lít mật ong rừng cân nặng trên 1,3kg, còn ong nhà khoảng 1,2kg/lít. Còn để biết mật nguyên chất hay không, anh kiếm một tờ giấy rồi nhỏ một giọt mật lên, nếu mật thấm hoặc lan ra nhanh thì đó là mật pha đường”. Mật ong chỉ nên sử dụng trong khoảng một năm rưỡi, để lâu quá mật chuyển sang màu đen, độ ngọt và công dụng của nó giảm đi thấy rõ, Nẹo khuyên.

Đồng hồ điểm 5h chiều cũng là lúc Lại và Liễn về đến nhà. Cả 2 khá vui với số mật thu được. Nếu vào mùa, một ngày kiếm chừng nớ cũng bình thường, nhưng mấy năm trước thời điểm ni là trời mưa, ong “xếp cánh” hết bên Lào lấy mô ra mà có mật nên chừ kiếm được 4 lít là ngon rồi, vừa nói, Liễn nhanh chóng xếp mấy tầng ong sau khi vắt hết mật thành từng cục bằng nửa nắm tay đem đi ngâm rượu.

 

Lọc mật trước khi đóng chai
 

“Mật ong rừng trái mùa khả năng bán được giá hơn. Nhưng kể cả đúng mùa, nếu chịu khó băng rừng, chấp nhận những nguy hiểm như bị rắn độc, vắt, ong rừng... tấn công hay gãy cành khi leo cây thì thu nhập từ mật và rượu cũng giúp gia đình trang trải rất nhiều thứ”, Liễn tươi cười, tay nâng niu từng món quà sóng sánh, ngọt thơm từ núi rừng với đôi mắt chất chứa hàm ơn.

Nội dung: Võ Nhân - Ảnh: Hàn Đăng

Thiết kế: Minh Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành công từ mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch

Mô hình áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch vừa tăng năng suất vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa vụ hè thu 2023 được triển khai thành công.

Thành công từ mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch
Thu hoạch nông sản tránh lũ

Nông dân đang khẩn trương thu hoạch rau màu, sắn, lúa, thủy sản. Tại một số địa phương, nông dân còn gặt lúa thâu đêm để tránh thiệt hại do mưa lũ.

Thu hoạch nông sản tránh lũ
Theo dõi sát sao thời tiết để thu hoạch lúa hiệu quả

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã chủ trì họp trực tuyến với các địa phương, đơn vị về thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2023 vào sáng nay (5/9). Tham dự còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.

Theo dõi sát sao thời tiết để thu hoạch lúa hiệu quả
Thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu

Dự kiến năng suất lúa vụ hè thu năm nay đạt 58,8 tạ/ha, cao hơn vụ hè thu trước 1,7 tạ/ha. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm lúa vụ hè thu phải tuyệt đối thu hoạch xong trước ngày 5/9.

Thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu
Return to top