ClockThứ Tư, 25/05/2011 20:24

Bàng vuông - nguồn gen quý hiếm đến từ Trường Sa

TTH - Bàng vuông là một loài cây gỗ đặc trưng của các vùng đảo biển, thuộc họ Chiếc – Lecythidaceae, cùng chi với cây mưng (lộc vừng) - Barringtonia, tên khoa học là Barringtonia asiatica. Do có lá trông hao hao như lá bàng, quả có hình khối chóp nón 4 cạnh nên nó được gọi tên “bàng vuông”. Vì nằm trong họ chiếc, nhưng lá giống lá bàng nên nó cũng có tên là “chiếc bàng”. Ngoài ra nó cũng còn được gọi là bàng bí. Có người còn gọi nó là cây thuốc cá do dịch từ tên tiếng Anh “fish poisson tree”.

Đây là một loài cây vốn xuất thân từ rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới và các đảo biển châu Á, từ Ấn Độ Dương tới Tây Thái Bình Dương, từ Zanzibar tới Đài Loan, Philippines, Fijii, New Caledonia và Việt Nam (tính ngữ asiatica trong tên khoa học loài đã nói lên điều này).

Ở Việt Nam, bàng vuông xuất hiện ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Sơn, Thổ Chu, Phú Quốc…, được ghi vào Sách Đỏ ở mức độ đe dọa bậc R (rare: hiếm)

Bàng vuông thuộc loại cây gỗ trung bình cao khoảng 7m-20m, rụng lá vào mùa đông. Lá đơn, mọc cách, phiến hình trứng thuôn ngược, dài 20cm-40cm, rộng 10cm-20cm. Hoa lớn mọc thành hoa tự chùm đầu cành, mỗi hoa tự dài 5cm-15cm, mang 5-10 hoa; lá bắc hình trứng dài 8mm-20mm; lá bắc con hình tam giác dài 1,5- 5mm. Cuống hoa dài 5cm-9cm. Nụ hoa to 2cm-4cm. Đài hợp hình ống, đỉnh phân 3 thùy-4 thùy. Tràng 4 cánh màu trắng, hình trứng hay hình bầu dục, cao 5-6 cm. Nhị rất nhiều, khoảng trên dưới 300, xếp thành 6 ống đồng tâm; chỉ nhị trắng, đỏ dần về phía đỉnh. Quả có đường kính khoảng 9cm-11cm, hình chóp nón 4 cạnh (đôi khi 5), bên trong là lớp xơ xốp dày bao bọc một hạt có đường kính 4cm-5cm. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 10-12.
Ở Philippines, vỏ và lá bàng vuông được dùng trong y học truyền thống, gỗ dùng làm chất đốt, hạt dùng thuốc cá. Ở Việt Nam, cây được sử dụng chủ yếu là tạo bóng hoặc làm cảnh, nhưng số lượng không nhiều. Ở các đảo ven bờ như, đảo Cồn Cỏ có vài cây cổ thụ nằm ở bờ biển phía đông bắc; ở đảo Lý Sơn có hai cây cổ thụ nguyên được trồng tạo cảnh ở cửa chùa Hang, ngoài ra, bộ đội ở Cồn Cỏ và nhân dân ở Lý Sơn cũng có trồng một số cây nhưng cây còn nhỏ… Ở Trường Sa, ngày Tết, bộ đội dùng lá bàng vuông gói bánh chưng, bánh tét.
Việc Thừa Thiên Huế tiếp nhận mười cây bàng vuông của quần đảo Trường Sa ngày 30-4-2011 là một bước ngoặt lớn, đánh dấu việc di thực nguồn gen quý hiếm từ hải đào vào sâu trong đất liền. Trung tâm Công viên Cây xanh (TTCVCX) Huế đã đưa trồng sáu cây ở núi Bân, bên phía trái của tượng đài Quang Trung, giữ lại bốn cây ở vườn ươm làm nguồn dự bị. Động thái này là một sự thận trọng cần thiết. Trước mắt chưa ai dự đoán được sáu cây đem trồng ở núi Bân sẽ thế nào, có sống được chăng? Nếu sống thì sinh trưởng phát triển thế nào? Tất cả câu trả lời là thời gian. Bởi rằng, nếu tư duy theo kiểu hệ thống “Đất nào cây ấy” thì nhiều người có quyền nghi ngờ khả năng thích ứng ban đầu để dần dần thích nghi với một môi trường sinh thái hoàn toàn mới. Tuy nhiên, trong thực tế, khả năng thích nghi của nhiều thực vật có phổ rất rộng, khi có cơ hội để bám đất mới thì nó sẽ phát huy. Hơn thế nữa, kinh nghiệm cho thấy, đưa cây từ vùng đất liền, núi cao đến trồng ở vùng cát ven biển hoặc vùng hải đảo thường khó hơn là đem cây ở vùng ven biển hoặc hải đảo vào trồng sâu trong đất liền.
Theo tôi, TTCVCX cần chăm sóc kỹ lưỡng hơn những cây đưa trồng, nên có chế độ phòng trừ sâu bệnh thích hợp. Suốt hai tuần theo dõi vừa qua, chúng tôi thấy cây bị sâu ăn lá quá nặng, đến ngày 13/5, đã có 5 cây gần như trụi lá hoàn toàn, cây còn lại là cây khỏe nhất, cũng đã có tỉ lệ lá thủng và mật độ lỗ thủng lá quá cao. Tuy thế, chúng ta chưa phải đã thất vọng vì vài cây đang nảy chồi mới. Đây là điều đáng mừng đồng thời cũng là một dấu hiệu cảnh báo “cần bám sát để chăm sóc kỹ hơn!”.
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top