ClockThứ Năm, 11/02/2021 16:23

Bánh chưng Nhật Lệ đắt hàng cuối năm

TTH.VN - Dù khá lo lắng sức mua sẽ giảm so với mọi năm vì dịch bệnh, song bánh chưng Nhật Lệ vẫn được lựa chọn bởi bánh chưng là vật phẩm không thể thiếu trên các bàn thờ, mâm cúng trong ngày tết của người Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh cùng gói bánh chưng, mừng tuổi trẻ em Làng SOS HuếTặng 500 cặp bánh chưng cho các gia đình khó khănGói cả yêu thươngCampuchia kỷ niệm 43 năm hành trình đánh đổ chế độ diệt chủng Pol PotTrao 50 suất quà cho hội viên nông dânCặp bánh chưng xanh đặc biệt!Trao 100 suất quà tết cho các hộ nghèo, khó khăn xã Phú Mậu

Gói bánh chưng bán ngày tết ở tiệm bánh "Mệ Tóc bạc"

Giữ giá, giữ khách

Ngày 30 tết, thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới đã cận kề. Những mẻ bánh chưng tại tiệm bánh chưng “Mệ Tóc bạc”, hay quán bánh chưng “Bà Thêm” vẫn tiếp tục ra lò để cung ứng thị trường, bởi sức mua đang còn rất lớn.

Chị Trần Xuân Trang (trú phường Thuận Lộc, TP. Huế), một vị khách đến mua bánh chưng Nhật Lệ chia sẻ, trên bàn thờ tổ tiên ngày tết không thể thiếu bánh chưng. Truyền thống này được gia đình gìn giữ từ xưa đến nay. Ở thành phố,  việc gói và nấu bánh rất khó khăn nên năm nào gia đình cũng ra Nhật Lệ mua bánh. Bánh ở đây đẹp, ngon, giá thành hợp lý, bảo quản được lâu ngày.

Cầm trên tay những cặp bánh chưng nóng hổi vừa mới mua xong, ông Nguyễn Văn Hòa (trú phương Vỹ Dạ, TP. Huế) nói, bánh chưng là thức ăn trang trọng để cúng ông bà, tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn. 

Chủ tiệm bánh chưng “Mệ Tóc bạc” thông tin, dù khá lo lắng sức mua sẽ giảm so với mọi năm vì dịch bệnh, song sức mua khá ổn định. Bên cạnh khách ở thành phố, nhiều mối hàng ở các huyện năm nay đến đặt bánh khá nhiều.Tiệm có đến 50 người làm bánh, song có những ngày bánh không đủ để bán cho khách nên phải dán thông báo hết bánh. Giá bánh năm nay vẫn giữ như mọi năm, giao động từ 30 - 50 nghìn đồng/1 cặp. Có những khách đặt trước theo yêu cầu thì có cặp 100 nghìn đồng.

“Lá chuối gói bánh năm nay khan hiếm và có giá cao so với mọi năm do mưa bão. Nguyên liệu đầu vào như nếp, đậu xanh, nhất là thịt heo cũng tăng nhẹ so với năm ngoái. Dù thế, giá bánh được giữ nguyên, bởi tiệm xác định năm nay là năm khó khăn, giữ giá để giữ khách. Bánh tại tiệm sẽ được bán cho đến tối 30 tết mới nghỉ”, bà Đào Thị Bê, chủ tiệm bánh “Mệ Tóc bạc” chia sẻ.

Bánh chưng được khách hàng lựa chọn bởi là vật phẩm không thể thiếu trong ngày tết ở Huế

Thành tố quan trọng của văn hóa Huế

Ở Huế, khi nói đến hai loại bánh này, nổi tiếng nhất là bánh chưng Nhật Lệ và bánh tét Làng Chuồn. Đối với người dân Huế, cũng như khách du lịch, cái tên bánh chưng Nhật Lệ mãi là một món ăn ngon trong ẩm thực tết Huế. Nhiều du khách đến Huế du lịch dịp tết không quên mua những chiếc bánh chưng Nhật Lệ về làm quà cho người thân và gia đình.

Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lũ hành, Sở Du lịch cho biết, vào các năm trước, khi du lịch không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tour tham quan trải nghiệm làm bánh chưng Nhật Lệ được khá nhiều công ty triển khai và thu hút một lượng lớn du khách. Nhất là khách quốc tế, khi được giới thiệu, xem cách chế biến cầu kỳ, công phu và ăn món bánh truyền thống này, tất cả đều tấm tắc khen ngon và cho biết ẩm thực ở Việt Nam nói chung và Huế rất độc đáo.

Ngày nay, dù cuộc sống nhiều thay đổi, tập tục thờ cúng bánh chưng trong ngày tết vẫn được gìn giữ, nhờ thế những bếp lửa ở góc nhỏ con đường Nhật Lệ vẫn ngày đêm đỏ để những chiếc bánh, như lưu giữ được ngọn lửa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Và quan trọng hơn, làng nghề làm bánh chưng Nhật Lệ có cơ hội sống mãi với thời gian, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, riêng có khi mỗi mùa tết đến.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế phân tích, nhìn những chiếc bánh chưng có vẻ đơn giản vậy, chứ ở đó là sự “liên thủ” về kinh tế - xã hội, với những mối quan hệ người sản xuất đậu xanh, người sản xuất thịt heo, người trồng gạo nếp, người trồng chuối. Đi sâu hơn nữa là sự phân chia, gắn kết mật thiết trong mỗi gia đình, người nhỏ lau lá, người phụ nữ giỏi nhất lo ngâm vút nếp, người phụ nữ đảm đang nhất lo nhân bánh và người đàn ông bản lĩnh nhất trong nhà lo luộc bánh…

“Bánh chưng Nhật Lệ là một “cánh cửa” văn hóa về ẩm thực có tính độc đáo, khác biệt, thể hiện văn hóa đặc trưng của Huế. Bánh chưng không chỉ dừng lại làm vật phẩm thờ cúng trong ngày lễ tết mà sẽ trở thành món ăn, thành tố quan trọng làm phong phú cho món ngon xứ Huế. Bánh chưng sẽ là thành tố văn hóa Huế, điều này càng quan trọng khi Huế đang từng bước xây dựng “Kinh đô ẩm thực” và định hướng phát triển, hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương trên nên tảng văn hóa”, tiến sĩ Trần Đình Hằng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

TIN MỚI

Return to top