Thế giới

Báo chí quốc tế đưa tin đậm về hội đàm cấp cao lịch sử Việt-Mỹ

ClockThứ Tư, 08/07/2015 15:08
TTH.VN - Báo chí Mỹ, Anh, Nhật, Nga đồng loạt có nhiều bài viết phản ánh và nhận xét tích cực về cuộc gặp lịch sử giữa Tổng Bí thư Đảng ta và Tổng thống Mỹ.

 

>> Washington Post: Ông Obama cần Việt Nam!

 

Các hãng truyền thông quốc tế lớn tiếp tục đưa tin đậm nét về chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, cũng như cuộc gặp được đánh giá là mang tính lịch sử giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama (ảnh: White House)

“Tôi rất mong chờ được đến thăm đất nước Việt Nam xinh đẹp” là câu nói được các tờ báo hàng đầu của Mỹ trích đăng nhiều nhất trong ngày hôm qua, sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Washington Times hôm qua đã đăng tải bài viết nhan đề “Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ sớm tới thăm Việt Nam và gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, trong đó đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chính sách tái cân bằng của Mỹ. Theo bài báo, sau 40 năm chấm dứt chiến tranh, các quan chức Mỹ rất mong mỏi sẽ phát triển quan hệ với Việt Nam và đánh giá rằng, đây sẽ là chìa khóa cho mục tiêu tái cân bằng chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á.

Cùng chung nhận định này, tờ Washington Post, một trong những tờ báo lớn nhất và lâu đời nhất tại Mỹ cho rằng, mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam “là một phần trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Obama nhằm dịch chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại khỏi những khu vực điểm nóng” truyền thống ở Trung Đông và châu Âu để ứng phó với sự nổi lên của Trung Quốc ở châu Á.

Chiến lược này đã nhận được một “cú huých” lớn khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn đề nghị của ông Obama về trao thẩm quyền đàm phán nhanh các hiệp định thương mại vào tháng trước. Đây là đạo luật sẽ thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà Việt Nam là 1 trong 12 nước đang tham gia đàm phán.

Tờ The Diplomat thì gọi chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “một bước ngoặt” khi đánh dấu một sự chuyển dịch trong quan hệ hai nước, dù không ồn ào nhưng rất sâu sắc. Chuyến thăm phản ánh “sự tin tưởng lẫn nhau giữa Việt Nam và Mỹ đã lên cao”, và đối với Mỹ, chuyến thăm này đồng nghĩa với những lợi ích chiến lược từ mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam đã vượt lên trên những tổn thất chiến lược khác.

Một bài viết khác của The Diplomat nói, cuộc hội kiến giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa lớn, bởi hai nhà lãnh đạo đều sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới. Những gì mà hai bên đạt được trong cuộc gặp này sẽ đặt nền tảng cho mối quan hệ Việt-Mỹ khi quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra ở hai nước.

Trong khi đó, theo hãng tin CNN, tại cuộc hội đàm, Tổng thống Barack Obama đã ca ngợi “tiến bộ vượt bậc” trong quan hệ Việt Nam-Mỹ sau cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà Nhà Trắng gọi là cuộc gặp “lịch sử”, diễn ra đúng vào thời điểm hai bên kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Không chỉ báo chí Mỹ, mà báo chí quốc tế cũng đưa tin đậm nét về chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hãng tin Sputnik của Nga hôm qua có bài viết nhan đề “Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ”, trong đó có đoạn: “Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại phòng Bầu Dục đã phá vỡ các thông lệ ngoại giao của Mỹ, cho thấy nước này dành một sự quan tâm lớn cho chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú  Trọng”. Theo bài báo, đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng và chính phủ Mỹ hy vọng thông qua cuộc gặp sẽ góp phần tăng cường “sự tin tưởng” của Việt Nam đối với Mỹ.

Hãng tin Reuters của  Anh thì đánh giá, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “một sự kiện có ý nghĩa biểu tượng cao” đối với 2 nước.

Bài báo nêu rõ: “Từng được xem là 2 nước cựu thù, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra đúng dịp Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, một tiến trình đã được đẩy nhanh một cách mạnh mẽ trong 1 năm qua. Minh chứng rõ nét là việc hàng loạt quan chức cấp cao Mỹ đã tới Việt Nam thời gian qua, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey và mới đây nhất là chuyến thăm của Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hồi cuối tháng 5”. 

Bài báo cũng một lần nữa nhắc lại chuyến thăm Việt Nam hồi tuần trước của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, một trong những nhân vật đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ. 

Theo bài báo, tại Hà Nội ông Bill Clinton cho rằng,  quyết định bình thường hóa quan hệ năm 1995 là “một trong những thành công lớn nhất” trong đời Tổng thống của mình.

Trong 20 năm qua, rất nhiều thay đổi đã diễn ra, đặc biệt hợp tác kinh tế- thương mại đã trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu của Mỹ tại Đông Nam Á và tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 36 tỷ USD, so với hơn 94 triệu USD năm 1994. Việt Nam cũng đang tham gia các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước.

Hãng tin BBC (Anh) thì dẫn lời Tổng Bí  thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “điều quan trọng nhất” là hai nước “đã trở thành bạn bè, đối tác toàn diện” và cuộc hội đàm diễn ra trong không khí thân thiện, xây dựng, tích cực và thẳng thắn.

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Châu Phi cần 277 tỷ USD/năm để thích ứng với khí hậu

Tham dự một hội nghị cấp cao về tài chính khí hậu, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina vừa lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp khi biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia châu Phi.

Châu Phi cần 277 tỷ USD năm để thích ứng với khí hậu
Return to top