Thế giới

Báo chí thế giới và Trung Quốc nói gì về Hiệp định lịch sử TPP

ClockThứ Ba, 06/10/2015 14:45
TTH.VN - Tờ Trade Insider Mỹ nhấn mạnh, hoàn tất đàm phán TPP chỉ là sự thống nhất của các Bộ trưởng Thương mại 12 nước, chứ chưa phải là bước cuối cùng.

1.TPP – hiện vẫn mang tính địa chính trị nhiều hơn thương mại

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định đàm phán giữa 12 quốc gia trải dài khắp 3 châu lục. Bởi thế ở thời điểm hiện tại, ngay khi đàm phán TPP vừa hoàn tất, Washington Times đã đề cập đến tính chất địa chính trị của Hiệp định thương mại được cho là “chưa từng có” trên thế giới này.

12 quốc gia thành viên TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán TPP từ năm 2010, với mục tiêu giảm rào cản thương mại và thiết lập những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm trong khối.

bao chi the gioi va trung quoc noi gi ve hiep dinh lich su tpp hinh 0
12 quốc gia thành viên tham gia Hiệp định TPP. (ảnh: wikipedia)

TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng qua thương mại với những chuẩn mực cao hơn. TPP sẽ mở cửa các thị trường nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường để tăng trưởng bền vững”.

2. Mỹ- Nhật làm chủ cuộc chơi

Wall Street Journal bình luận hoàn tất đàm phán TPP ngày 5/10 là thắng lợi đối với Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc nhằm định hình tương lai thương mại toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản xem TPP là chìa khóa để đạt tới các mục tiêu kinh tế và an ninh trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là tại Đông Nam Á, nơi Nhật Bản từ lâu là một nhà đầu tư và một nhà tài trợ lớn.

TPP cũng được coi là thành tố chính trong “mũi tên thứ 3” của quá trình cải cách kinh tế mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hướng đến kể từ khi nhậm chức năm 2012.

Còn theo Washington Post, TPP chính là “xương sống” kinh tế trong chính sách “hướng Đông” của chính quyền Tổng thống Obama và là một câu trả lời của Mỹ đối với sự trỗi dậy cũng như sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên toàn cầu.

3. Trung Quốc chưa tham gia nhưng sẽ có mặt trong tương lai gần

Báo chí Trung Quốc ngày 6/10 có nhiều bài phân tích về cơ hội của Trung Quốc sau khi Bộ trưởng của 12 nước thành viên TPP chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán và đạt được thoả thuận cuối cùng cho Hiệp định này.

Đây là một cơ hội vô cùng to lớn mà Trung Quốc nên chớp lấy và phát huy tiềm lực sẵn có trong môi trường hội nhập kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

bao chi the gioi va trung quoc noi gi ve hiep dinh lich su tpp hinh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (ảnh: Reuters)

Thực tế, vào cuối tháng 3/2013, quyền Đại diện Thương mại Mỹ khi đó là Demetrios Marantis đã tuyên bố Mỹ vẫn để ngỏ khả năng Trung Quốc tham gia TPP. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 20/3 để giới thiệu chương trình nghị sự thương mại của Mỹ năm 2013, Marantis nói việc Bắc Kinh có tham gia tiến trình đàm phán về TPP hay không là tùy thuộc vào Trung Quốc.

Vào tháng 5/2013, Thứ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách thương mại quốc tế Francisco J. Sanchez khẳng định Mỹ hoan nghênh Trung Quốc tham gia TPP.

Về phía Trung Quốc, phát biểu với báo giới hôm 30/5/2013, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang nói: “Chúng tôi sẽ phân tích những thuận lợi, bất lợi và triển vọng tham gia TPP trên cơ sở nghiên cứu thận trọng và theo các nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.”

Ở thời điểm hiện tại, một số chuyên gia cũng cảnh báo những thiệt hại của Trung Quốc nếu chậm chân chưa tham gia TPP. Trong vấn đề “quyền chủ đạo” TPP, Trung Quốc không thể cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng Washington sử dụng TPP để cản bước Trung Quốc. “Liệu Trung Quốc có tham gia không? Liệu TPP do Mỹ dẫn đầu có nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc?”, giáo sư Feng Wei thuộc Đại học Fudan của Trung Quốc viết trên mạng xã hội Weibo.

Tuy nhiên Trung Quốc vẫn có thể tận dụng những thị trường châu Á, quan sát những diễn biến của TPP để theo đuổi tham vọng Khu thương mại tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), đề xuất được đưa ra tại APEC Bắc Kinh 2014.

 “Và Trung Quốc có thể đàm phán tham gia TPP vào thời điểm thích hợp” – trang phân tích tài chính Sina viết.

4. Vẫn còn rào cản

Trải qua 5 năm với rất nhiều vòng đàm phán, các Bộ trưởng thương mại 12 nước thành viên mới thống nhất những điểm then chốt cuối cùng của Hiệp định TPP, sau 6 ngày họp căng thẳng.

Những điểm then chốt này bao gồm việc các tập đoàn dược phẩm sẽ được hưởng chế độ độc quyền đối với các loại chế phẩm sinh học thế hệ mới trong bao lâu cũng như việc sản phẩm từ sữa của các nước như Nhật Bản và Canada có thể tiếp cận với những thị trường nào và việc Mỹ có thể cung cấp những ưu đãi gì cho các nhà xuất khẩu đến từ New Zealand. 

bao chi the gioi va trung quoc noi gi ve hiep dinh lich su tpp hinh 2
Ông Obama phải thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua TPP. (ảnh: AP)

Hiệp định TPP được Bộ trưởng thương mại 12 nước thông qua vẫn sẽ được lãnh đạo các nước ký chính thức và được Quốc hội các nước phê chuẩn.

Ông Obama đã rất nỗ lực để đưa TPP về đích, song thách thức lớn đang chờ đợi ông trước mắt là thuyết phục Quốc hội thông qua TPP trong năm tới khi mà đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số ở lưỡng viện.

Quốc hội Mỹ sẽ dành ra 90 ngày để quyết định có thông qua TPP hay không, có nghĩa là ông Obama không thể ký vào Hiệp định này trước tháng 1 hoặc thậm chí là lâu hơn nữa. Cùng với các thủ tục khác, có thể đến giữa năm 2016 TPP mới được chính thức thông qua ở Quốc hội Mỹ.

Thuyết phục Quốc hội thông qua TPP không chỉ là cuộc chiến với riêng Mỹ. Với Canada, Thủ tướng Stephen Harper cũng đang phải đối mặt với sự chỉ trích của phe đối lập và sẽ bước vào cuộc bầu cử vào ngày 19/10 tới. Đây được cho là phép thử đối với chính sách TPP và uy tín của ông Harper.

Còn ở Nhật Bản, dù TPP được cho là một trong 3 mũi tên vực dậy kinh tế già cỗi của xứ mặt trời mọc song ở thời điểm hiện tại khi mức tín nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe đang sụt giảm, TPP cũng đang là “vũ khí” để các nhóm đối lập chống lại ông Abe.

Theo Financial Times, thực tế ở ngay cả các nước thành viên TPP, thỏa thuận này không phải được tán đồng hoàn toàn. Nó vẫn vấp phải những tiếng nói phản đối chỉ trích từ các nhóm bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức công đoàn, nhóm hoạt động vì môi trường ….

Ngân Giang (Theo VOV)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Return to top